Nhiều cách “vét” thí sinh
Đồng thời với việc công bố điểm chuẩn của TS dự thi vào từng ngành, nhiều trường cũng công bố điểm xét tuyển những TS không trúng tuyển vào ngành đăng ký dự thi mà điểm còn cao vào các ngành khác của trường.
|
Chẳng hạn Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) xét NV (nguyện vọng) bổ sung phân ngành (thay cho cách gọi NV1B như mọi năm). Theo đó, đối tượng được tham gia xét NV này là TS chưa trúng tuyển NV chính, đã đăng ký NV tham gia xét tuyển chuyển ngành vào ngày làm thủ tục dự thi (3.7). Điểm gọi nhập học ở NV này bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn NV chính, với 7 ngành gồm: kỹ thuật dệt may, kỹ thuật và quản lý môi trường, kỹ thuật hệ thống công nghiệp… Với cách xét tuyển này, trường đã gọi được 567 TS trúng tuyển NV bổ sung bên cạnh 4.112 TS trúng tuyển NV chính từ những TS dự thi vào trường.
Cũng thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế - Luật đã thông báo trên website của trường (ngày 8.8) cho phép TS được đăng ký NV phân ngành vào 3 ngành (hệ thống thông tin quản lý, luật dân sự, luật tài chính ngân hàng chứng khoán) với mức điểm 22 (đã nhân hệ số 2 môn toán). Đối tượng là những TS đã dự thi vào trường, có tổng điểm 3 môn chưa nhân hệ số lớn hơn hoặc bằng điểm sàn của Bộ và không trúng tuyển theo mức điểm chuẩn dự kiến.
Tương tự, khi công bố điểm chuẩn, Trường ĐH Sài Gòn cũng thông báo rằng các TS không trúng tuyển vào một số ngành nhưng điểm còn cao được chuyển sang các ngành khác. Với hình thức xét chuyển này, trường đã gọi đủ chỉ tiêu cho hầu hết các ngành từ TS dự thi vào trường, chỉ thông báo xét tuyển NV bổ sung dành cho TS cả nước 2 ngành bậc ĐH là khoa học thư viện và giáo dục chính trị.
Đây cũng là năm đầu tiên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM tiến hành xét trúng tuyển các TS dự thi vào trường chưa trúng tuyển vào ngành (hoặc cơ sở đào tạo) theo đăng ký ban đầu vào các ngành (hoặc cơ sở đào tạo) khác cùng khối thi, còn chỉ tiêu. Việc xét tuyển trực tiếp này giúp trường gọi được thêm 180 TS trúng tuyển vào các ngành đào tạo tại cơ sở TP.Cần Thơ và TP.Đà Lạt từ những TS dự thi vào trường. Đại diện nhà trường cho biết: “Năm trước, thay cho việc xét trúng tuyển này trường tổ chức đợt xét tuyển NV2 cho TS cả nước. Những TS được xét trúng tuyển này, nếu không chấp nhận thì có thể đổi giấy báo trúng tuyển lấy giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển vào các trường khác”.
Trường ĐH Đà Lạt cũng thông báo rõ ràng và công khai việc chuyển TS ngành kỹ thuật hạt nhân từ 13 - 16 điểm vào ngành vật lý học, TS ngành luật học từ 15 điểm vào lịch sử và 14,5 điểm vào ngành Việt Nam học.
Các trường thực hiện xét tuyển nội bộ như thế này đã làm biến dạng phương thức thi tuyển “3 chung” (chung đợt thi, chung đề, chung kết quả xét tuyển), vi phạm quy chế tuyển sinh. Thế nhưng nhiều năm qua, những trường hợp này không hề bị Bộ nhắc nhở khiến mỗi năm, số trường tự tiện tham gia xét tuyển như thế này ngày càng nhiều.
Sẽ xử lý chủ tịch hội đồng tuyển sinh !
Trao đổi với PV Thanh Niên, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Có 2 cách thức xét tuyển: Nếu ngay từ đầu trường xác định điểm sàn chung vào trường hoặc điểm sàn chung cho từng khối thi, từng nhóm ngành trước khi tiến hành phân ngành thì không vi phạm quy chế. Tuy nhiên nếu trường tổ chức tuyển sinh theo ngành nhưng tự động xét TS đăng ký dự thi ngành này trúng tuyển sang ngành khác mà không công bố xét tuyển công khai thì sai quy chế. Đặc biệt khi phạm vi tuyển sinh của các trường này trong cả nước thì càng không có lý do gì giới hạn phạm vi xét tuyển chỉ dành cho những TS đã dự thi vào trường mình. Tất cả các trường đều phải thông báo rộng rãi các đợt xét tuyển với thời gian và cách thức cụ thể để TS cả nước có đủ điều kiện cùng nộp hồ sơ vào. Thực tế, chính việc thông báo xét tuyển công khai càng làm tăng thêm cơ hội tuyển được nhiều TS giỏi cho các trường, đồng thời tạo sự công bằng với TS”.
Riêng với ĐH Quốc gia TP.HCM, ông Ga nhấn mạnh: “Bất cứ trường nào ngay cả ĐH Quốc gia TP.HCM cũng phải thực hiện theo đúng quy chế tuyển sinh hiện hành mà Bộ đã ban hành, bởi quy chế của Bộ chính là quy định chung của nhà nước”. Phát biểu tại Hội nghị Đầu tư và phát triển Viện Khoa học công nghệ VN, Viện Khoa học xã hội VN, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM ngày 11.8 vừa qua, ông Ga cũng nhắc nhở: “Hai ĐH quốc gia được Chính phủ tạo cơ chế tự chủ cao nhưng vẫn phải thực hiện đúng quy định của nhà nước trong giáo dục đào tạo, cụ thể là tuyển sinh và đào tạo. Thời gian qua Bộ đã phát hiện một số vi phạm của các đơn vị này, đề nghị các đơn vị kịp thời chấn chỉnh thực hiện theo đúng quy chế đặt ra”.
Ông Ga khẳng định: “Nếu phát hiện đơn vị nào vi phạm quy định trên trong quá trình xét tuyển, Bộ sẽ tiến hành xử lý nghiêm khắc theo quy chế, trong đó chủ tịch hội đồng tuyển sinh của trường sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm”.
Không được làm trái quy chế tuyển sinh - Các trường không được quy định chỉ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của TS đã dự thi vào trường mình, không được đặt ra những quy định trái với quy chế tuyển sinh hiện hành. - Sau khi xét tuyển và triệu tập TS trúng tuyển nhập học đối với TS đăng ký dự thi vào trường hoặc vào các ngành của trường, nếu còn chỉ tiêu các trường thông báo công khai điều kiện xét tuyển bổ sung để TS biết và nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. - Tất cả TS nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển hợp lệ, đầy đủ thủ tục, đúng quy định và bảo đảm các điều kiện của trường đã công bố, kể cả trường TS đã dự thi, đều được xét tuyển bình đẳng như nhau, trên nguyên tắc lấy điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho đủ chỉ tiêu cần tuyển, không phân biệt TS đó đã dự thi tại trường nào. (Trích Công văn số 2636 Bộ GD-ĐT ngày 4.5 về hướng dẫn xét tuyển các NV kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012) |
Hà Ánh
>> Loay hoay tuyển sinh
>> Trường ĐH Y Dược Cần Thơ thông báo tuyển sinh TCCN
>> Khởi tố vụ giả chữ ký bộ trưởng để tuyển sinh
>> Bộ GD-ĐT lại “xé rào”
>> “Xé rào” xét tuyển NV2
>> Lại “xé rào” xét tuyển nguyện vọng 2
>> Giải quyết đến đâu chuyện “xé rào” trong tuyển sinh ?
Bình luận (0)