Dấu vết khai thác đất, cát khắp nơi
Những ngày thâm nhập vào khu vực ven hồ sông Dinh (TX.Tân Nghĩa, H.Hàm Tân, Bình Thuận), nhóm PV Thanh Niên phát hiện hàng chục khu đất bị khai thác nham nhở, nằm rải rác khắp nơi. Nhiều khu vực bị khai thác từ trước đó, nhưng cũng có nơi đang trong quá trình đào bới - thể hiện qua dấu vết còn rất mới tại hiện trường. Tại nhiều khu đất, dấu vết khai thác với độ sâu trên 3 m so mặt đất, đặc biệt đất tại một số vườn tràm của người dân cũng bị khai thác trộm - do chủ đất không có mặt thường xuyên để trông coi. Nhóm "khoáng tặc" liều lĩnh cho máy móc vào đào bới, khai thác không thương tiếc đất vườn của người dân.
Ông B.H.K (50 tuổi, ngụ TP.HCM) cho hay năm 2020, ông cùng người nhà ra khu vực TT.Tân Nghĩa tìm hiểu các khu đất để làm trang trại và chọn khu vực gần hồ sông Dinh để đầu tư. Ông K. lúc đó nhận chuyển nhượng từ nhiều hộ dân trong khu vực với diện tích gần 10 ha và chuẩn bị cho việc đầu tư trang trại.
Tuy nhiên, khi chuẩn bị đầu tư thì vướng dịch Covid-19 nên tạm ngưng. Sau dịch, do tình hình kinh tế khó khăn nên kế hoạch mở trang trại đến nay chưa thực hiện được. Lúc nhận chuyển nhượng, trên đất đã được người dân trồng tràm nhiều độ tuổi khác nhau, loại lớn nhất hơn 3 năm, loại nhỏ gần 2 năm tuổi.
Đến giữa năm 2023, gia đình ông K. tới Bình Thuận thăm đất mới tá hỏa khi chứng kiến cảnh cây cối nằm ngả nghiêng, nhiều cây bật gốc nằm chết khô, quanh khu đất bị đào bới nham nhở, có điểm bị đào sâu hơn 2 m để khai thác cát.
"Lúc này tôi dò hỏi người dân xung quanh thì được biết nguyên nhân là do một nhóm người dùng máy móc vào đào trộm để lấy cát. Lúc đó, tôi có gọi báo chính quyền địa phương. Hơn 1 tháng sau, tôi quay lại thì lại phát hiện thêm một số dấu mới của máy móc vào khai thác đất cát trái phép. Tôi tiếp tục gọi điện trình báo cho UBND xã Tân Nghĩa, đồng thời làm đơn gửi đến UBND H.Hàm Tân. Tuy nhiên, việc lén lút khai thác trái phép vẫn liên tiếp diễn ra", ông K. bức xúc.
Theo bà N.T.D (sinh sống lâu năm tại H.Hàm Tân), cách nay không lâu, bà cùng người nhà canh tác một khu đất hơn 1 ha ở gần hồ sông Dinh. Mấy năm trước, nhóm khai thác cát vào đào trộm liên tục, nay đào đoạn này, mai bới thêm đoạn khác… Cứ như vậy, cây cối hư hại không thu hoạch được bao nhiêu.
"Nhiều lần gia đình trình báo cơ quan chức năng nhưng chẳng giải quyết được gì, đường vào đất vừa xa lại khó đi nên không thể vào canh gác thường xuyên. Vào vườn nhà mình mà trên đất chằng chịt vết xe chạy, đất bị cuốc trộm lổm nhổm, không thể tiếp tục canh tác nên gia đình tôi đành phải chuyển nhượng cho người khác với giá rẻ mạt", bà D. ngao ngán.
Hiện người dân có đất tại khu vực này khốn đốn vì sự lộng hành của cát tặc và rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. "Dùng trồng cây thì bị phá, bị đào đất cát trộm. Bán thì không ai mua vì đất bị đào lồi lõm, không theo hiện trạng trên giấy tờ", ông K. nói.
Lợi dụng mỏ cát để khai thác trái phép
Quá trình thu thập tài liệu, nhóm PV được biết tại đây có quy hoạch một số khu vực mỏ cát nhưng thực tế UBND tỉnh Bình Thuận chỉ mới cấp phép cho 1 doanh nghiệp với diện tích được cấp phép khoảng 12 ha. Nhóm "khoáng tặc" đã lợi dụng việc này để khai thác lậu ngoài mỏ, ghi nhận diện tích bị khai thác lậu rộng hàng trăm héc ta, gấp 10 lần so với giấy phép khai thác được cấp.
Không chỉ khai thác trộm đất vườn người dân, "khoáng tặc" còn dùng nhiều chiêu trò để tác động, ép giá người dân bán đất với giá rẻ mạt. Sau khi mua lại đất của người dân, nhóm này ra sức khai thác vô tội vạ tài nguyên khoáng sản, rồi dùng xe ben chở đất, đá đi bán, ngang nhiên bất chấp pháp luật.
Lần theo dấu vết bánh xe của "khoáng tặc", nhóm PV còn ghi nhận tại nhiều khu đất cách xa mỏ cát gần 1 km cũng bị khai thác nát bươm. Có khu đất rộng trên 300 m2 bị khai thác quá nửa. Có khu đất sát bờ sông Dinh thì bị khai thác trộm với diện tích khoảng 500 m2, độ sâu so với mặt đất 4 m. Tại hiện trường, cây cối xơ xác, cỏ không mọc nổi...
Sau khi ngang nhiên khai thác đất, cát trái phép với diện tích gấp nhiều lần cho phép, "khoáng tặc" đưa toàn bộ số cát khai thác trái phép này vào mỏ cát rộng 12 ha của mình để "hô biến" thành cát hợp pháp và mỗi ngày có hàng trăm đoàn xe ben ra vào vận chuyển đưa đi tiêu thụ.
Bên cạnh việc khai thác cát lậu, nhóm "khoáng tặc" còn khai thác đất đưa đi tiêu thụ trực tiếp. Do giấy phép chỉ cho khai thác cát nên sau khi khai thác đất, "khoáng tặc" không đưa vào mỏ mà đưa đi tiêu thụ trực tiếp, bán cho những công trình có nhu cầu san lấp nền... (còn tiếp)
Người dân địa phương cho biết, để che giấu hành vi khai thác cát lậu, nhóm "khoáng tặc" tính toán rất tinh vi, khai thác đến đâu cho cào đất trồng keo đến đó để xóa dấu vết và đánh lừa lực lượng chức năng khi vào kiểm tra. Một thời gian sau, khi cây keo cao lớn, nhóm này nhổ đi rồi tiếp tục khai thác thêm các tầng cát sâu bên dưới, sau đó trồng lại. Cứ như thế nên nhiều khu vực ven hồ sông Dinh hiện nay mật độ đất thấp hơn rất nhiều so với cốt nền và hiện trạng đất ban đầu.
Bình luận (0)