Điều này rất dễ hiểu. Ngoài niềm vui con trúng tuyển, mỗi gia đình còn phải tính toán chi tiêu cho chặng đường 4 năm sắp tới của con mình. Năm nay, phụ huynh sẽ lo lắng hơn. Năm 2019, trừ các trường ĐH công lập phải tính học phí theo quy định của nhà nước, hầu như học phí tất cả các trường ĐH công lập tự chủ tài chính và trường ĐH tư thục đều tăng lên. Trong đó, học phí hầu hết trường tư năm nay sẽ tăng xấp xỉ từ 5 - 10% so với năm trước, tùy trường.
Lý do mà lãnh đạo các trường tư đưa ra khá đơn giản và thống nhất. Đó là trong thời buổi vật giá tăng cao, các trường không còn cách nào là phải tăng học phí để bù trượt giá. Tiền điện, nước, thực hành, thực tập, trang thiết bị, giảng viên… “năm sau cao hơn năm trước”. Có trường đã giữ mức học phí liên tục 5 năm liền nhưng năm nay cũng phải tăng lên. Những lý do như vậy có thể chấp nhận được vì đúng với thực tế. Các trường cũng cố gắng khống chế mức tăng không quá 10% để khỏi gây phản ứng của sinh viên. Có trường còn cam kết mức tăng hằng năm không quá 7%.
Tuy nhiên, nhìn vào mức học phí, có điều quan trọng hơn cần nhìn nhận. Phụ huynh và thí sinh cần xem đây là một tiêu chí để lựa chọn học tại một trường ĐH. Bộ GD-ĐT bắt buộc các trường phải công khai mức học phí, kèm theo các điều kiện đảm bảo chất lượng như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, tỷ lệ việc làm... Có thể nhìn vào học phí và các thông tin khác để so sánh. Đó là học phí các trường thu có đi kèm với việc đầu tư hay không? Một trường ĐH tăng học phí nhưng phòng thí nghiệm không đầu tư, cơ sở vật chất vẫn tạm bợ, giảng viên vẫn thiếu thốn... thì việc tăng học phí này chỉ để thỏa mãn về lợi nhuận. Đấy là chưa kể các giá trị khác như học thuật, chất lượng giảng dạy… mà trường ĐH chứng minh bấy lâu nay. Về phía các trường, hãy xem học phí như một lời cam kết. Tuy nhiên, hiện nay lời cam kết này vẫn nằm ở “cái tâm” của các trường là chính.
Bình luận (0)