Xem kịch rối Bunraku ở Việt Nam

15/07/2018 06:54 GMT+7

Chàng samurai oai phong, nhướng đôi chân mày rậm, ánh mắt sắc lạnh; nàng công chúa dịu dàng, e lệ trong bộ kimono sang trọng...; những hình nhân trong nghệ thuật kịch rối Bunraku mang đến nhiều thú vị cho khán giả Việt qua hai chuyến lưu diễn tại Hà Nội và TP.HCM.

Ba người điều khiển một con rối
Điểm hấp dẫn khác biệt của kịch rối Bunraku (Nhật Bản) với các thể loại kịch rối khác trên thế giới chính là sự phối hợp điều khiển của ba người cho một con rối. Nghệ nhân điều khiển rối Yoshida Minoshiro với hơn 30 năm tuổi nghề, trong chuyến lưu diễn tại VN đã chia sẻ: “Trong ba người điều khiển rối, phần chân dành cho người nhập môn, mới vào nghề. Nhưng để diễn được trên sân khấu phải mất ít nhất 10 năm luyện tập. Đây là người vất vả nhất trong số ba người điều khiển, vì luôn di chuyển trong tư thế hai gối khom, chân sẽ rất mỏi, chỉ người trẻ mới có sức để làm. Để điều khiển tay trái của rối, mất thêm 10 năm nữa luyện tập. Và điều khiển phần đầu và tay phải của rối cần ít nhất 30 năm”.
Giới thiệu đến khán giả TP.HCM trong buổi diễn ở Sân khấu Thế giới trẻ, nghệ nhân Yoshida mang đến chiếc đầu rối làm từ gỗ nhỏ xinh, chứa đựng các bộ phận và chi tiết điều khiển phức tạp. Chỉ với vài động tác co duỗi ngón tay gắn sợi dây điều khiển, gương mặt rối biểu đạt đủ các cung bậc cảm xúc khi đau buồn, thương khóc, lúc mừng vui, giận dữ, đến mạnh mẽ, ngạc nhiên… Hỏi nghệ nhân Yoshida khi diễn thích vai diễn hay cảm xúc nào nhất, anh cho biết: “Tôi thường diễn rối vai nữ, với cảm xúc buồn, ủy mị, khóc lóc, nên đó cũng là biểu cảm tôi thích diễn nhất. Trong Bunraku, nét buồn khó thể hiện nhất, đòi hỏi nghệ nhân phải luyện tập lâu năm mới có kinh nghiệm diễn đạt được”.
Nghệ nhân Yoshida Minoshiro giới thiệu cấu tạo trong phần đầu rối Bunraku
Kết hợp múa rối và đàn Shamisen
Cảm xúc trong kịch rối Bunraku được đẩy lên cao trào cùng tiếng đàn Shamisen và người kể chuyện (tayu). Nghệ nhân Toyotake Yoshihodayu, một tayu, cho biết: “Hiện có khoảng 200 vở diễn Bunraku, cốt truyện chủ yếu lấy từ lịch sử Nhật Bản, nhân vật đa dạng từ trẻ em, người già, võ sĩ đạo, công chúa, cô gái, ông cụ, bà cụ... Biệt tài của tayu phải gợi cho người xem về các nhân vật bằng giọng nói. Đây là quá trình luyện tập rất dài, cùng một lời thoại, nhưng cô gái trẻ nói sẽ khác, nếu là công chúa cách nói phải sang trọng, quý phái hơn”.
Mất bao lâu để trở thành một tayu có thể biểu diễn trên sân khấu? Nghệ nhân Toyotake cho biết: “Hai năm đọc hiểu lời thoại, nội dung vở diễn, thêm 5 năm luyện giọng, luyện thanh mới đủ khả năng lên sân khấu. Sau đó phải học từng ngày vì đọc thoại không phải lúc nào cũng đúng từng câu chữ. Nếu có sai, tayu phải biết cách sửa khéo mà người nghe không phát hiện ra. Đấy mới là cái khó”.
Trong chuyến lưu diễn ở VN, ngoài các trích đoạn, những nghệ nhân rối Bunraku dành nhiều thời gian giao lưu, chia sẻ cùng khán giả, trong đó hoạt động thú vị nhất là mời khán giả cùng lên sân khấu điều khiển rối Bunraku.
Trải nghiệm điều khiển rối Bunraku trong buổi diễn tại TP.HCM
Mai Ly, công tác tại đoàn kịch rối Phương Nam, sau khi trải nghiệm điều khiển rối, cho biết: “Tôi được nghệ nhân mời điều khiển cánh tay trái của rối. Cần điều khiển khá đơn giản, gắn vào các đốt tay, nhưng tạo ra cử động lại rất khó. Phải vận động mạnh tay, làm một chút thôi nhưng tay đau ê ẩm”. Trong số ba nhân vật điều khiển rối, nhẹ nhàng nhất là phần chân được nhân vật trải nghiệm Nguyễn Thị Thắng chia sẻ: “Con rối nhỏ nhưng cảm giác thật nặng, tôi điều khiển phần chân nên phải luôn khom người khiến sức nặng của con rối dồn xuống chân, dù được hai nghệ sĩ trợ giúp nhưng rất khó di chuyển, làm một chút thôi nhưng chân mỏi nhừ, thật khâm phục các nghệ sĩ điều khiển rối Bunraku”.
Nghệ nhân Yoshida nói về những chuyến lưu diễn: “Lịch biểu diễn của chúng tôi kín cả năm. Tính riêng trong nước mỗi năm có hơn 160 buổi diễn. Nhưng mỗi lần đứng trên sân khấu, nhất là ở nước ngoài, tôi coi đó là trọng trách, không chỉ giới thiệu vẻ đẹp truyền thống của văn hóa Nhật Bản, mà còn hy vọng mang đến niềm vui, mang lại hòa bình cho tất cả mọi người”.
Di sản quốc gia sống của xứ Phù Tang
Sự công phu khổ luyện, cùng khắt khe của kịch rối Bunraku khiến cả Nhật Bản hiện chỉ có một đoàn kịch rối với 90 nghệ sĩ, tất cả họ đều được công nhận là báu vật, là di sản quốc gia sống của xứ Phù Tang. Người tạo nên hình nhân trong kịch rối Bunraku, hiện ở Nhật cũng chỉ còn lại một nghệ nhân ở Osaka thực hiện.
Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại VN đã tổ chức chương trình Giao lưu và biểu diễn kịch rối Nhật Bản tại Sân khấu Thế giới trẻ (TP.HCM) vào ngày 12.7 và Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) vào ngày 14.7.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.