Bí thư TP.HCM nói về ChatGPT
Chỉ sau 2 tháng ra mắt, ứng dụng ChatGPT đã tạo nên cơn sốt trên toàn cầu khi cán mốc 100 triệu người dùng. Đây được xem là ứng dụng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất từ trước tới nay với người dùng.
Tại Việt Nam thì thời gian gần đây, người ta cũng không ngừng nhắc đến ứng dụng Chat GPT. Công cụ này có thể trò chuyện, trả lời các câu hỏi mà chúng ta đưa ra, bất kể là thắc mắc về lĩnh vực nào.
Chia sẻ về ứng dụng ChatGPT và những thách thức đối với báo chí tại họp mặt lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên tiêu biểu các cơ quan báo chí, xuất bản diễn ra vào ngày hôm qua (7.2), Bí thư Thành ủy TP.HCM ông Nguyễn Văn Nên đánh giá đây là bước đột phá về trí tuệ nhân tạo, đã và đang tạo nên làn sóng cực mạnh trên internet. Mô hình này chắc chắn sẽ tác động 2 mặt đến báo chí, xuất bản và toàn xã hội.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng về mặt tích cực, ChatGPT buộc báo chí phải suy nghĩ, thúc giục báo chí phải cải tiến và phát triển kỹ thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo và tạo công nghệ mới để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng. Mô hình này cũng đặt ra yêu cầu cho báo chí cần giữ gìn độ tin cậy bằng chất lượng, tính minh bạch trong truyền thông, nghiên cứu và sáng tạo nhiều sản phẩm mới phù hợp với thị trường.
Bên cạnh đó, theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, ChatGPT chỉ có thể trả lời theo khuôn mẫu mà không có cảm xúc giống như con người nhưng trong thế giới ngày nay, ai cũng cần có khả năng đáp ứng sự sáng tạo trước thử thách mới, nếu không sẽ bị thụt lùi.
Điều quan trọng là không có gì có thể thay thế được quan điểm cá nhân, ý thức chính trị và tính chuyên nghiệp của các nhà báo.
Cô đồng bổ cau, xem bói 'đúng nhận, sai cãi'
Những ngày qua trên mạng xã hội xuất hiện xuất hiện video của một phụ nữ được gọi là cô đồng vừa bổ cau vừa bói với câu nói cuối là "đúng nhận, sai cãi". Câu nói này nhanh chóng trở thành trend, thu hút hàng triệu lượt người xem.
Theo thông tin đăng tải trên Facebook và TikTok, chủ tài khoản các video được nhiều người dùng mạng xã hội gọi là cô đồng ở Hải Dương. Mặc dù hoạt động trên mạng xã hội rất lâu, nhưng gần đây bà mới được nhiều người biết đến qua những video vừa bổ cau, vừa xem bói đăng tải trên mạng.
Trong các video này, bà luôn xưng với người xem bói là cô và con, chuyên xem về đường tình duyên, đất cát nhà cửa, công danh sự nghiệp, vận hạn…
Đáng chú ý, sau mỗi câu phán, bà thường chêm vào câu nói: "Đúng nhận, sai cãi". Câu nói này đã trở thành trend trên các nền tảng mạng xã hội.
Ngoài ra, bà này còn đăng ảnh khoe khách đặt lễ, cho lộc có khi với những cọc tiền 500.000 đồng. Với những người ở xa có nhu cầu xem bói, bà nhận đặt lịch và sẵn sàng gửi định vị địa chỉ nhà.
Thậm chí có những video bà còn văng tục, chửi bậy đối với khách xem và những người bày tỏ ý kiến trái chiều.
Trước sự việc này, cơ quan chức năng đã lên tiếng và cho rằng đây là hành vi truyền bá mê tín dị đoan cần phải xử lý.
Chiều hôm qua 7.2, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), bà Ninh Thị Thu Hương, cho biết pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất rõ ràng về hành vi lợi dụng bói toán gây ảnh hưởng xấu đến người dân, gây ra những thiệt hại về người và của cải, thì sẽ bị xử phạt về hành chính hoặc xử lý hình sự, hoặc bị xử lý cả hành chính và hình sự.
Bà Ninh Thị Thu Hương cho hay hành vi của người tự nhận là cô đồng trong video được thực hiện thông qua mạng xã hội nên việc lan truyền rất nhanh.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh - truyền hình - thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết Bộ sẽ có ý kiến yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook ngăn chặn, gỡ bỏ những video clip có nội dung vi phạm pháp luật liên quan đến bói toán, mê tín dị đoan của người phụ nữ trong clip. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá mê tín dị đoan, kinh doanh tâm linh.
Vụ chủ chó đánh người ở chung cư: UBND TP.HCM yêu cầu xử lý nghiêm
Video clip ghi lại cảnh chủ chó đánh người đến nhập viện tại chung Saigon Riverside quận 7 (trên đường Đào Trí, phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM) đã gây xôn xao dư luận thời gian gần đây. Ngày 7.2.2023, Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức liên quan đến vụ việc này.
Vụ chủ chó đánh người ở chung cư: UBND TP.HCM yêu cầu xử lý nghiêm
Văn bản của Văn phòng UBND TP.HCM được gửi đồng thời đến Công an TP.HCM và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu UBND quận 7 phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương xác minh, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với hành vi nuôi thả động vật không rọ mõm, không đúng quy định và cố ý gây thương tích.
Trước đó, Báo Thanh Niên có bài viết và video clip phản ánh sự việc người cha bảo vệ con trai trước chó thả rông trong chung cư Saigon Riverside thì bị chủ chó hành hung nhập viện khiến dư luận phẫn nộ.
Cụ thể, tối 2.2, anh Nguyễn Hoàng Dũng (34 tuổi) dẫn con trai vào sảnh tầng 1 chung cư đợi thang máy thì một con chó không có người dắt, không dây xích, không rọ mõm liên tục tiến lại gần.
Do con trai hoảng sợ nên anh Dũng đã nhắc nhở chủ chó - cũng là người cùng sinh sống tại chung cư. Tuy nhiên, người này không hề có động thái đuổi chó của mình ra.
Vì lo sợ nguy hiểm cho con nên anh đã dùng chân đẩy chó ra. Ngay lập tức, anh bị người chủ chó lao đến hành hung ngay tại sảnh chung cư. Theo lời nạn nhân, chủ chó sau đó tiếp tục đe dọa anh rồi bỏ đi.
Anh Nguyễn Hoàng Dũng đã đến Công an phường Phú Thuận (ở quận 7) trình báo rồi đi cấp cứu tại Bệnh viện Pháp Việt. Anh Dũng cho biết đã làm đơn đã đề nghị Công an quận 7 cho anh được đi giám định thương tích, đồng thời khởi tố người đã hành hung mình và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Gần 2 tiếng sau khi vụ hành hung xảy ra, anh Đào Thế Vinh (28 tuổi, là chủ chú chó) được Công an phường Phú Thuận mời lên làm việc.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, anh Đào Thế Vinh thừa nhận mình sai hoàn toàn trong vụ việc này và mong nhận được sự thông cảm. Anh đã xin lỗi gia đình anh Dũng tại cơ quan công an nhưng không được chấp nhận.
Vụ 88 người bị ngộ độc sau khi ăn chè: Một người đã tử vong
Liên quan đến vụ 88 người bị ngộ độc sau khi ăn chè của một người dân ở huyện Chợ Mới (tại tỉnh An Giang) phát miễn phí, tối 7.2.2023, ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang xác nhận một phụ nữ 63 tuổi (ngụ xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã tử vong sau 3 ngày cấp cứu tại bệnh viện do suy đa tạng.
Theo một lãnh đạo Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang, ngoài bệnh nhân đã tử vong, hiện bệnh viện còn đang điều trị 3 bệnh nhân bị ngộ độc trong vụ ngộ độc. Trong đó, 2 bệnh nhân đã chuyển khỏi phòng Hồi sức, 1 bệnh nhân đang nằm phòng Hồi sức và đã ngưng lọc máu.
Trước đó, như Báo Thanh Niên đã thông tin, từ khuya ngày 4.2 đến tối 5.2, Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới tiếp nhận 35 trường hợp nhập viện với các triệu chứng: mệt mỏi, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói... Sau đó, có 4 ca nặng phải chuyển lên Bệnh viện đa khoa Trung tâm An Giang tiếp tục điều trị.
Qua thông tin khai thác từ bệnh nhân, tất cả đều do ăn chè đậu trắng của người phụ nữ 44 tuổi (ngụ ấp Long Hòa 2, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới) nấu phát miễn phí trong ngày 4.2.
Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới đã phối hợp ngành chức năng xã Long Điền A điều tra vụ ngộ độc. Kết quả là ngoài 35 người phải nhập viện điều trị, còn có 53 người khác sau khi ăn chè của người này cũng bị đau bụng nhẹ nhưng tự mua thuốc uống ở nhà.
Qua làm việc, người phát chè cho biết trước đó bà có mua 20 kg đậu trắng, 8 kg nếp, 10 kg dừa nạo sẵn và 24 kg đường cát về nấu chè đem phát miễn phí cho người dân ở gần nhà và người đi đường, nhưng không xác định được bao nhiêu người đã ăn chè của bà.
Hiện tại, ngành chức năng An Giang đang làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc.
Bến đò khóa cửa sau vụ chìm thuyền chở người đi chùa
Hai ngày sau khi xảy ra vụ lật thuyền chở khách đi chùa trên sông Đồng Nai, Báo Thanh Niên đã quay trở lại bến đò Xưa, nằm bên bờ trái nhánh phụ sông Đồng Nai thuộc khu phố Thái Hòa, phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa (thuộc tỉnh Đồng Nai).
Bến đò khóa cửa sau vụ chìm thuyền chở người đi chùa trên sông Đồng Nai
Đây là nơi mà con thuyền mang số hiệu ĐN1228 chở theo hơn 10 người rời chùa Phước Long (hay còn gọi là chùa Châu Đốc 3) cập bến nhưng lại xảy ra tai nạn trên đường đi khiến một người phụ nữ không qua khỏi. Như quý vị thấy trên màn hình, đường vào bến đò Xưa đã đóng kín cửa.
Cách đó khoảng 50 mét, bến đò Long Biên cũng vắng vẻ so với khung cảnh du khách đông đúc như những ngày trước đó.
Dưới sông có một chiếc thuyền đang neo đậu dưới tấm bảng ghi dòng chữ "Bến đò HTX Long Biên, đưa rước khách tham quan chùa Châu Đốc 3".
Chiều 7.2, một phụ nữ bán cà phê gần cho biết từ ngày xảy ra vụ lật thuyền thì các thuyền ở nơi này đã không còn chạy.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh Niên, chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Biên Hòa có 10 bến đò đang còn giấy phép hoạt động, trong đó có nhiều bến đò khác đưa khách sang TP.HCM để viếng chùa. Một người dân sinh sống tại khu vực khu phố Thái Hòa (phường Long Bình Tân) cho biết cứ vào dịp rằm tháng Giêng âm lịch thì có rất nhiều người dân ở Đồng Nai sang cù lao Ba Sang để viếng chùa Châu Đốc 3.
Thổ Nhĩ Kỳ ban bố 3 tháng 'tình trạng khẩn cấp' ở 10 tỉnh bị động đất
Đến hôm nay (8.2) các đội cứu hộ cứu nạn vẫn đang chạy đua tìm kiếm người còn sống sau hai trận động đất mạnh và hàng loạt dư chấn xảy ra ở khu vực gần biên giới hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào hôm 6.2.
Động đất chồng chất khốn khổ lên người dân Syria
Kể từ khi thảm kịch động đất đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng, những thông tin, những con số cập nhật về số người thương vong trong trận động đất kinh hoàng này được quan tâm, tìm kiếm.
Theo CNN, số người thiệt mạng tính đến cách đây 2 giờ đã lên đến hơn 7.900 người và dự báo còn tiếp tục tăng.
Sau thảm kịch động đất kép, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ông Recep Tayyip Erdogan hôm 7.2 đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng đối với 10 tỉnh bị ảnh hưởng.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Erdogan phát biểu trên truyền hình ngày 7.2 rằng: "Chúng tôi đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp để đảm bảo rằng các hoạt động được tiến hành nhanh chóng". Đây là bài phát biểu thứ hai của ông kể từ khi trận động đất đầu tiên xảy ra vào rạng sáng 6.2.
Ông Erdogan cho biết tình trạng khẩn cấp sẽ kéo dài 3 tháng, tức sẽ kết thúc ngay trước cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến diễn ra vào ngày 14.5. Tuy nhiên, biện pháp này cũng có thể được gia hạn. Do đó, diễn biến mới nhất đã lập tức làm dấy lên những lo ngại về động cơ thực sự của ông Erdogan, trong bối cảnh cuộc bầu cử sắp diễn ra có vai trò quan trọng đối với tương lai chính trị của nhà lãnh đạo.
Trong phát biểu ngày 7.2, ông Erdogan cũng cho biết 70 quốc gia đã đề nghị giúp đỡ Ankara trong nỗ lực tìm kiếm cứu nạn. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã lên kế hoạch mở các khách sạn ở trung tâm du lịch Antalya, thuộc phía tây đất nước, để làm nơi ở tạm thời cho những người bị ảnh hưởng bởi động đất.
Tất cả sẽ có trong Bản tin Xem nhanh 12h, được phát trên thanhnien.vn cùng kênh YouTube Báo Thanh Niên. Kính mời quý vị theo dõi.
Xem nhanh 12h của Báo Thanh Niên sẽ quay trở lại vào lúc 12 giờ trưa mai 9.2.2023 với những thông tin trong nước và quốc tế nóng hổi khác tại địa chỉ thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Ngoài bản tin này, Báo Thanh Niên còn có bản tin về giao tranh Nga - Ukraine được phát vào 6 giờ 30 phút mỗi sáng; và bản tin Xem Nhanh 20h.
Bình luận (0)