Xem nhanh 20h: Người Việt giữa thảm họa động đất | Miền Bắc khốn khổ vì nồm ẩm

Xem nhanh 20h: Người Việt giữa thảm họa động đất | Miền Bắc khốn khổ vì nồm ẩm

11/02/2023 19:58 GMT+7

“Xem nhanh 20h” ngày 11.2 trên Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên có nhiều tin tức đáng chú ý về việc thảm họa động đất, công tác hỗ trợ cứu hộ cứu nạn của đoàn Việt Nam, việc dừng cưỡi voi ở Đắk Lắk, nồm ẩm ở Hà Nội...

Bản tin "Xem nhanh 20h" ngày 11.2 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Công an Việt Nam cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ: Dùng camera dò tìm nạn nhân

Theo đại diện Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Bộ Công an, đoàn CNCH của Việt Nam đã chia thành các nhóm để tổ chức tìm kiếm, cứu hộ 15 nạn nhân bị mắc kẹt tại địa điểm được phân công, nằm ở đường 531, Adiyaman Merkez, TP.Adiyaman (Thổ Nhĩ Kỳ).

Nhóm 1 do đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (C07), làm nhóm trưởng, chỉ đạo trực tiếp nhóm tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường. Nhóm 2 do đại tá Phan Mạnh Hà, Trưởng phòng CNCH (thuộc C07), làm trưởng nhóm, chỉ đạo việc sắp xếp các thiết bị, phương tiện, rà soát trang thiết bị y tế hỗ trợ nước bạn và chuẩn bị các điều kiện để thay ca cho nhóm trực tiếp chiến đấu tại hiện trường.

Người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ: ‘Chúng tôi như sống trong bầu không khí chết’

Đại diện C07 cho hay, ngoài việc cắt từng thanh sắt, lật từng mảng bê tông, lực lượng cứu nạn đang sử dụng camera dò tìm người trong đống đổ nát của công trình bị sập. Camera có khả năng luồn vào khe nhỏ, nhằm tìm kiếm khả năng sống sót của các nạn nhân.

Trước đó, 22 giờ ngày 9.2 theo giờ Việt Nam, đoàn biệt phái của Bộ Công an gồm 24 cán bộ, chiến sĩ xuất phát từ sân bay Nội Bài (Hà Nội). Khoảng 11 giờ ngày 10.2, đoàn hạ cánh xuống sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), sau đó tiếp tục bay đến sân bay ở TP.Adana (Thổ Nhĩ Kỳ).

Công an Việt Nam cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ: Dùng camera để dò tìm nạn nhân - Ảnh 3.

Đoàn cứu nạn cứu hộ của Bộ Công an đã chia thành 2 nhóm, hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm cứu nạn

HUYỀN VŨ

Từ sân bay này, đoàn di chuyển bằng ô tô đến TP.Adiyaman, cách xa 300 km. Tại đây, đoàn phối hợp với các lực lượng cứu hộ quốc tế thực hiện việc tìm kiếm dưới các đống đổ nát, các tòa nhà bị sập để tìm, giải cứu người mắc kẹt trong thảm họa động đất sáng 6.2 vừa qua.

1 ngày tìm kiếm nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ của các chiến sĩ Việt Nam

Khoảng 1 giờ ngày 11.2 theo giờ Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn công tác tới địa điểm cứu nạn, dựng lều dã chiến để nghỉ ngơi, song song với công tác khảo sát, lên phương án triển khai tìm kiếm nạn nhân.

Theo đại diện C07, thời tiết tại TP.Adiyaman rất lạnh và khắc nghiệt, nhiệt độ thấp dưới 0 độ C. Địa điểm đoàn công an Việt Nam cứu nạn được xác định có 15 người mắc kẹt và trước khi lực lượng có mặt, các đơn vị cứu nạn đã đưa được 3 thi thể trẻ em ra ngoài.

"Đoàn đã khảo sát, lên phương án tỉ mỉ để tìm kiếm những người mắc kẹt. Dù đã 4 ngày nhưng đoàn vẫn hy vọng sẽ có người sống sót, cứu được họ", đại diện C07 nói.

Xem nhanh 20h: Người Việt giữa thảm họa động đất | Miền Bắc khốn khổ vì nồm ẩm

Ga Cát Linh hoạt động trở lại sau 1 giờ khắc phục sự cố

Theo Tổng giám đốc Metro Hà Nội Vũ Hồng Trường, lúc 9 giờ 45 hôm nay 11.2, ga Cát Linh xảy ra sự cố tín hiệu ghi. Đến 10 giờ 40, sự cố được khắc phục xong và tàu điện tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã có thể chạy bình thường theo biểu đồ toàn tuyến.

"Trong thời gian tới, nhà thầu và chủ đầu tư sẽ họp, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp để hạn chế sự cố tương tự xảy ra trong tương lai", ông Trường thông tin thêm.

Theo ông Trường, do sự cố xảy ra nên trong sáng 11.2, đơn vị đã hủy bỏ 1 chuyến tàu đi từ ga Cát Linh đến ga bến xe Yên Nghĩa; đồng thời chỉ duy trì hoạt động một số chuyến chạy giao lộ nhỏ đi từ ga Thượng Đình về ga bến xe Yên Nghĩa và chiều ngược lại.

Ngay khi gặp sự cố, nhân viên tàu đã phát đi thông báo và hướng dẫn hành khách di chuyển theo kịch bản ứng phó được xây dựng.

Ga Cát Linh hoạt động trở lại sau 1 giờ khắc phục sự cố

"Tất cả nhân viên các nhà ga từ Thượng Đình đến Cát Linh được lệnh xuống đường để hướng dẫn, hỗ trợ hành khách di chuyển từ các nhà ga lên xe buýt đi đến các điểm ga còn lại. Hành khách nào không đồng ý với phương án di chuyển này đều được hoàn trả tiền vé", ông Trường nói.

Như Thanh Niến đã đưa tin, sáng 11.2, tàu điện tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang di chuyển theo hướng từ ga bến xe Yên Nghĩa đi ga Cát Linh bất ngờ dừng lại ở ga Hà Đông. Lúc này, nhân viên kỹ thuật phát đi thông báo tàu đang gặp sự cố nên chuyến tàu sẽ di chuyển chậm hơn vài phút so với lộ trình đề ra. Sau 10 phút dừng hoạt động, chuyến tàu này mới có thể tiếp tục di chuyển rồi dừng đỗ ở điểm ga Thượng Đình.

Theo ông Trường, do ga Cát Linh gặp sự cố kỹ thuật nên tàu điện Cát Linh - Hà Đông đã tạm dừng đón khách ở 4 điểm ga Cát Linh, La Thành, Thái Hà và Láng. Trước đó, ngày 23.5.2022, trong lúc vận hành, tàu điện Cát Linh - Hà Đông cũng bất ngờ dừng lại giữa đường dù chưa đến ga khiến nhiều hành khách được phen nhốn nháo.

Chính thức dừng dịch vụ cưỡi voi ở Đắk Lắk: khách du lịch, nài voi nói gì?

Ngày 10.2.2023, Trung tâm du lịch cầu treo Buôn Đôn là điểm du lịch đầu tiên tại tỉnh Đắk Lắk dừng dịch vụ cưỡi voi và thay bằng du lịch thân thiện với voi nhà, thực hiện chủ trương của tỉnh Đắk Lắk về lộ trình loại bỏ cưỡi voi ra khỏi hoạt động kinh doanh du lịch để bảo tồn đàn voi nhà, chuyển dần sang mô hình du lịch voi thân thiện. Khách du lịch đến đây thay vì cưỡi voi có thể chụp hình, cho voi ăn và tìm hiểu về voi nhà.

Trước đó, vào dịp Tết Nguyên đán 2023, nhiều người phản ánh việc đàn voi ở Trung tâm du lịch cầu treo Buôn Đôn bị vắt kiệt sức phục vụ du khách. Đàn voi có 5 con, trong đó 2 con do trung tâm quản lý, 3 con của người dân hợp tác bị cho là chở quá nhiều du khách trong một ngày.

Chính thức dừng dịch vụ cưỡi voi ở Đắk Lắk: khách du lịch, nài voi nói gì?

Là người điều voi đã hơn 20 năm tại khu du lịch, ông Trương Minh Thông cho biết sau khi dừng hẳn dịch vụ cưỡi voi, các con voi nhà ít được du khách ghé thăm. Trước đó, mỗi ngày ông chỉ điều khoảng 3 con voi nhà để phục vụ khách du lịch và thay phiên nhau mỗi tuần. Mỗi buổi sáng voi sẽ phục vụ du khách từ 8 giờ 30 đến 12 giờ và từ 13 giờ đến 16 giờ. Đồng thời, voi sẽ được các nài voi chăm sóc chu đáo, ngoài việc được ăn thức ăn tại khu du lịch, voi sẽ được dẫn về rừng để kiếm thêm nguồn thức ăn. Ông Thông cho rằng, nếu chuyển đổi sang du lịch thân thiện với voi nhà, ông và các nài voi rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ khi nguồn thu nhập chính bị ảnh hưởng.

Cuối 2022, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt khoản viện trợ đối với dự án "Hỗ trợ thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh". Tổng giá trị khoản viện trợ là 55 tỉ đồng được triển khai từ tháng 12.2022 đến tháng 12.2026 với kỳ vọng chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi.

Trời nồm, ẩm, người dân Hà Nội chật vật lau nhà … 30 lần/ngày

Trời nồm ẩm khiến nền nhà "đổ mồ hôi" liên tục… Dù đóng kín cửa cả ngày, nhưng cứ 30 phút, chị Nguyễn Lê Vy Anh (ở Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) lại phải lau nhà một lần và bật quạt trần với hy vọng nền sẽ bớt nhớp nháp, trơn trượt.

"Thời tiết nồm ẩm như thế này thì khiến cho cuộc sống của gia đình mình bị ảnh hưởng khá là nhiều. Thời tiết nồm ẩm rồi nền nhà bị trơn, trượt khó chịu lắm. Mình cứ lau đi lau lại xong rồi chưa kịp khô thì nền nhà lại tiếp tục đổ mồ hôi, có những ngày mình phải lau đi lau lại nhà đến khoảng 30 lần mà nhà vẫn rất bẩn. Chắc là mình phải suy nghĩ đến việc mua một thiết bị hỗ trợ như máy sấy hay là máy hút ẩm để đối phó với thời tiết của Hà Nội hiện tại", chị Vy Anh chia sẻ.

Trời nồm ẩm, người dân Hà Nội chật vật lau nhà … 30 lần_ngày

Lý giải về hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), cho biết do chịu ảnh hưởng của khối không khí lạnh suy yếu với đới gió đông nam đưa ẩm từ biển vào nên cả tuần nay, ở các tỉnh miền Bắc liên tục mưa nhỏ, mưa phùn lẫn sương mù. Độ ẩm trong không khí thường xuyên ở mức trên 85% gây ra hiện tượng nồm ẩm khó chịu.

Quần áo ẩm ướt, phơi cả tuần không khô, giăng đầy trên các ban công, hành lang… cũng là tình trạng chung mà nhiều người dân thủ đô gặp phải trong những ngày thời tiết mưa phùn, nồm ẩm như hiện tại.

Trời nồm, ẩm, người dân Hà Nội chật vật lau nhà … 30 lần/ngày - Ảnh 3.

Chiếc máy sấy tóc có thêm chức năng sấy quần áo trong những ngày ẩm ướt

Chí Bình

Hiện tượng nồm, ẩm tại Hà Nội những ngày gần đây khiến các căn nhà cao tầng chìm trong sương mù, các mảng tường có dấu hiệu bong tróc, nấm mốc. Trong nhà, người dân ưu tiên lựa chọn những đôi dép có độ ma sát cao để tránh trơn trượt.

"Xem nhanh 20h" của Báo Thanh Niên sẽ quay trở lại vào lúc 20 giờ tối mai 12.2 với những thông tin trong nước và quốc tế nóng hổi khác tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.