Xem nhanh 20h: Ông Mai Tiến Dũng bị kỷ luật | Xử phạt người đăng clip 4 phụ nữ nhảy nhót

Xem nhanh 20h: Ông Mai Tiến Dũng bị kỷ luật | Xử phạt người đăng clip 4 phụ nữ nhảy nhót

13/03/2023 19:58 GMT+7

“Xem nhanh 20h” ngày 13.3 có nhiều tin tức đáng chú ý về việc: ông Mai Tiến Dũng bị kỷ luật, tình hình tại các trung đăng kiểm, 4 phụ nữ nhảy nhót tại chùa, ngân hàng SVB của Mỹ phá sản sau 48 giờ...

Bản tin "Xem nhanh 20h" ngày 13.3 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Chính phủ kỷ luật cảnh cáo nguyên Bộ trưởng Mai Tiến Dũng

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang vừa thay mặt Chính phủ ký quyết định về việc thi hành kỷ luật ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Chính phủ kỷ luật cảnh cáo nguyên Bộ trưởng Mai Tiến Dũng

Ông Mai Tiến Dũng bị thi hành kỷ luật hình thức cảnh cáo do đã có vi phạm, khuyết điểm trong quá trình công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng. Thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố quyết định của Ban Bí thư về thi hành kỷ luật 14.1.2023.

Trước đó, Ban Bí thư quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng do vi phạm liên quan tới các chuyến bay giải cứu đưa công dân về nước trong dịch Covid-19.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Bí thư nhận thấy, ông Mai Tiến Dũng với cương vị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước trong đại dịch Covid-19, để một số cán bộ Văn phòng Chính phủ tham mưu, đề xuất không đúng kết luận của Thủ tướng Chính phủ, nhận hối lộ, bị khởi tố, bắt tạm giam.

Vi phạm của ông Mai Tiến Dũng đã gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và cơ quan hành chính nhà nước.

Xem nhanh 20h ngày 13.3: Ông Mai Tiến Dũng bị kỷ luật | Xử phạt người đăng clip 4 phụ nữ nhảy nhót

Xử phạt người đăng clip 4 phụ nữ nhảy nhót tại chùa Bổ Đà ở Bắc Giang

Liên quan đến vụ 4 phụ nữ mặc áo hồng uốn éo, nhảy nhót tại nơi yên nghỉ của hơn 1.000 vị tăng ni trong chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) gây xôn xao dư luận, ngày 13.3, Công an H.Việt Yên đã xác định được người đăng clip gây phản cảm lên mạng xã hội TikTok là chị Trần Thị G. (38 tuổi, trú TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang).

Xử phạt người đăng clip 4 phụ nữ nhảy tại chùa Bổ Đà ở Bắc Giang

Ngoài chị G., công an cũng xác minh được trong clip còn có 2 người khác là chị Hoàng Thị T. (32 tuổi, trú H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) và chị Nguyễn Thị Y. (38 tuổi, trú H.Việt Yên).

Theo Công an H.Việt Yên, hành động đăng clip nhảy phản cảm tại chùa Bổ Đà gây bức xúc cho người dân và cộng đồng mạng. Hiện, chị G. đã gỡ các clip trên trang cá nhân Facebook và kênh TikTok của mình.

Chiều cùng ngày, Chánh thanh tra Sở TT-TT tỉnh Bắc Giang Lê Hồng Việt đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với chị G., với số tiền 5 triệu đồng, về hành vi đăng nội dung thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Vụ ngân hàng phá sản lớn thứ 2 lịch sử Mỹ diễn tiến ra sao trong 48 giờ?

Đối mặt với khủng hoảng vốn và tình trạng khách hàng đồng loạt rút tiền đột ngột, Silicon Valley Bank (SVB) đã phá sản vào sáng 10.3 và được cơ quan quản lý liên bang Mỹ tiếp quản. Đây là vụ phá sản lớn nhất của một ngân hàng Mỹ kể từ sau vụ Washington Mutual trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Được thành lập vào năm 1983, SVB chuyên cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các công ty khởi nghiệp công nghệ. Ngân hàng này cung cấp tài chính cho gần một nửa số công ty chăm sóc sức khỏe và công nghệ được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm tại Mỹ, theo CNN.

Mặc dù tương đối ít được biết đến bên ngoài Thung lũng Silicon, SVB vẫn nằm trong số 20 ngân hàng thương mại hàng đầu của Mỹ. Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của ngân hàng là 209 tỉ USD, theo Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), một cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ cung cấp bảo hiểm cho người gửi tiền tại các ngân hàng nước này.

Nói ngắn gọn, SVB đã phá sản vì nguyên nhân kinh điển: khách hàng đồng loạt rút tiền, tháo chạy khỏi ngân hàng. Song câu chuyện đằng sau phức tạp hơn một chút với sự va chạm của vài thế lực khác nhau.

Đầu tiên là Cục Dự trữ Liên bang (Fed), ngân hàng trung ương của Mỹ, với việc bắt đầu tăng lãi suất một năm trước để kiềm chế lạm phát. Fed đã hành động mạnh mẽ và chi phí đi vay cao hơn đã làm giảm đà tăng của các cổ phiếu công nghệ vốn đã mang lại lợi ích cho SVB.

Ngân hàng số một cho nhiều start-up ở Mỹ đã phá sản trong 48 giờ ra sao?

Lãi suất cao hơn cũng làm xói mòn giá trị của trái phiếu dài hạn mà SVB và các ngân hàng khác đã "ăn" ngấu nghiến trong thời kỳ lãi suất cực thấp, gần như bằng không. Danh mục đầu tư trái phiếu trị giá 21 tỉ USD của SVB có lợi suất trung bình là 1,79%, trong khi lợi suất trái phiếu 10 năm của Bộ Tài chính Mỹ hiện tại là khoảng 3,9%.

Đồng thời, vốn đầu tư mạo hiểm bắt đầu cạn kiệt, buộc các start-up phải rút tiền đang gửi tại SVB. Vì vậy, SVB đã lâm vào tình cảnh: vừa ngồi trên núi lỗ trái phiếu vừa chứng kiến tốc độ rút tiền của khách hàng ngày càng tăng.

Bản tin "Xem nhanh 20h" sẽ quay trở lại vào lúc 20 giờ tối mai với những thông tin trong nước và quốc tế nóng hổi khác tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.