Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 307, Ukraine nói sắp giành thêm thành phố, ông Putin cấm bán dầu cho bên áp giá trần

Tấn Cư - Thế Vinh - La Vi và 3 người khác
28/12/2022 23:30 GMT+7

Giới chức Ukraine hôm 27.12 tỏ ra lạc quan cho rằng quân đội nước này sắp giành lại thành phố quan trọng Kreminna ở miền đông.

Tỉnh trưởng Luhansk Serhiy Haidai cho biết lực lượng Nga đã bị đẩy lùi khỏi một phần của thành phố Kreminna và phải rút về thành phố Rubizhne, cách đó vài km về phía đông nam. Ông Haidai cho rằng lực lượng Ukraine đã tiến rất gần mục tiêu giành lại thành phố, và viết trên kênh Telegram rằng: "Người Nga hiểu rằng nếu họ mất Kreminna, toàn bộ tuyến phòng thủ của họ sẽ sụp đổ".

Ông cũng cho biết "Quân Nga đã xây dựng hàng rào phòng thủ rất mạnh trong một tháng qua, thậm chí là từ trước đó. Họ đang đưa đến đó một lượng lớn quân dự bị và vũ khí. Họ không ngừng củng cố lực lượng".

Việc giành lại quyền kiểm soát Kreminna và thành phố Svatove gần đó có thể mở đường cho Kyiv mở cuộc tấn công vào Sievierodonetsk và Lysychansk, hai thành phố thuộc tỉnh Luhansk mà Ukraine đã để mất quyền kiểm soát trong mùa hè qua.

Nhà phân tích quân sự Ukraine Oleh Zhdanov cho biết giao tranh đang diễn ra ác liệt xung quanh các cao điểm gần Kreminna, cũng như xung quanh hai thành phố Bakhmut và Avdiivka ở tỉnh Donetsk lân cận. Theo tình báo quốc phòng Anh, quân đội Nga tiếp tục tập trung dồn sức cho việc giành quyền kiểm soát thành phố Bakhmut.

Giao tranh giữa Nga và Ukraine vẫn diễn ra ác liệt khi xung đột đã bước sang tháng thứ 11 và chưa có dấu hiệu nào về khả năng hai bên nối lại đàm phán hòa bình.

Chỉ một ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin nói Nga sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 26.12 lại đưa ra một tối hậu thư, buộc Kyiv phải chấp nhận các yêu cầu của Moscow nếu không muốn giải quyết bằng quân sự.

Hôm 27.12, Ngoại trưởng Lavrov tiếp tục kêu gọi phương Tây phải kiềm chế tối đa trong vấn đề hạt nhân nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan tới loại vũ khí hủy diệt này.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nhắc lại nguyên lý được nêu ra trong tuyên bố chung giữa các cường quốc là phải ngăn chặn bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào giữa các cường quốc hạt nhân, bởi "nó sẽ dẫn đến thảm họa".

Tuy nhiên, liên quan đến Mỹ, Ngoại trưởng Nga đã đưa ra một bình luận mang tính cảnh báo.

Báo The Guardian hôm nay dẫn thông tin từ Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết có 6.884 thường dân đã chết do cuộc xung đột của Nga ở Ukraine, trong đó có 429 trẻ em, trong khoảng thời gian tính từ ngày 24.2.2022-26.12.2022.

Cơ quan này cho rằng con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều vì việc tiếp nhận thông tin từ một số địa điểm đang diễn ra chiến sự dữ dội đã bị trì hoãn và nhiều báo cáo cũng đang chờ được xác nhận.

Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Ukraine đã thông báo rằng họ sẽ hỗ trợ hơn 700.000 người Ukraine trong mùa đông trong suốt chiến sự. Trong một thông cáo báo chí đưa ra hôm nay 28.12, văn phòng của tổ chức di cư quốc tế (IOM) tại Ukraine nói rằng cơ quan này đang đang đẩy mạnh nỗ lực giúp đỡ những người phải sơ tán trong nước hoặc bị ảnh hưởng do chiến tranh sống sót qua thời tiết giá lạnh.

Và vì cuộc xung đột đang diễn ra ​​ở Ukraine mà châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng chưa từng thấy. Tình trạng khan hiếm đẩy giá năng lượng tăng vọt, kéo theo lạm phát tăng, buộc các nước châu Âu phải tính đến các biện pháp đối phó.

Trả lời phỏng vấn trang tin Die Welt hôm 27.12, Bộ trưởng Quốc phòng Áo Klaudia Tanner nhận định nguy cơ mất điện diện rộng ở EU trong tương lai gần là "rất cao". Bà Tanner khẳng định mối nguy mất điện diện rộng “không phải là vấn đề có xảy ra hay không, mà là khi nào sẽ xảy ra, và vì vậy phải chuẩn bị sẵn sàng cho viễn cảnh mất điện ở Áo và EU".

Liên quan đến tình hình chiến sự, trong một thông cáo hôm 27.12, bà Natalia Humenyuk, người phát ngôn Bộ Tư lệnh tác chiến miền Nam Ukraine, cho biết quân đội Ukraine đang nỗ lực tấn công nhằm chọc thủng phòng tuyến tả ngạn sông Dnieper của quân đội Nga. Bà cho biết “chưa thể nói trước về kết quả của các đợt tấn công này, nhưng chắc chắn rằng sẽ rất thành công”.

Bà Humenyuk cũng nói rằng quân đội Nga đang liên tục tiến hành pháo kích khu vực thành phố Kherson ở hữu ngạn sông Dnieper nhằm giảm bớt sức ép lên tuyến phòng thủ ở bên kia sông.

Vào tháng 11, quân đội Nga đã rút lui khỏi thành phố Kherson, thủ phủ khu vực duy nhất mà Moscow đã chiếm được kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Ngay sau quyết định rút lui, Moscow khẳng định các lực lượng phòng thủ của Nga tại đây sẽ được tái bố trí tại các tuyến phòng thủ khác trong khu vực nhằm bảo vệ an toàn cho bán đảo Crimea.

Ông Serhiy Haidai, Thống đốc vùng Luhansk do Ukraine bổ nhiệm, cho biết một phần các đơn vị Nga rút từ Kherson đã được chuyển sang Luhansk và Donetsk cùng với số tân binh mới trải qua 2 tháng huấn luyện. Ông Haidai cho rằng Nga đã thiệt hại nặng trong trận chiến dữ dội với Ukraine tại Bakhmut trong thời gian qua.

Ngược lại, một đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin là ông Ramzan Kadyrov, lãnh đạo Cộng hòa Chechnya thuộc Nga, nói rằng quân đội Ukraine đang chịu tổn thất lớn và buộc phải đưa tân binh chưa được huấn luyện đầy đủ ra chiến trường.

Nhắc đến lực lượng binh sĩ Nga mới được huy động qua đợt động viên một phần hồi tháng 9, thì ngày hôm nay Bộ Y tế Nga đã có một quyết định đáng chú ý, đó là phê chuẩn đề xuất trữ lạnh miễn phí tinh trùng của các binh sĩ được động viên tham gia chiến dịch tại Ukraine.

Gần đây đã nổi lên một diễn biến đáng chú ý ở sát Serbia, một nước châu Âu hiếm hoi mà chính phủ vẫn chưa mạnh mẽ phản ứng Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine. Đó là vùng lãnh thổ Kosovo.

Khu vực này tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008 với sự hậu thuẫn của phương Tây, sau cuộc chiến tranh năm 1998-1999, trong đó NATO đã can thiệp để bảo vệ các nhóm người Albania. Phần lớn các nước phương Tây công nhận độc lập của Kosovo, song vùng lãnh thổ này chưa được trao ghế tại Liên Hiệp Quốc, do Nga và Trung Quốc phản đối.

Chính quyền Kosovo đã đóng cửa khẩu biên giới lớn nhất nối với Serbia, và cáo buộc Serbia tìm cách gây bất ổn bằng việc đặt quân đội vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao và hỗ trợ cộng đồng người Serb ở Kosovo. Hơn nữa, phía Kosovo còn cáo buộc Nga nhúng tay vào việc này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.