Xem nhanh: Chiến dịch ngày 384, Mỹ-Nga căng thẳng vì UAV rơi; Tổng thống, quân đội Ukraine quyết giữ Bakhmut

Xem nhanh: Chiến dịch ngày 384, Mỹ-Nga căng thẳng vì UAV rơi; Tổng thống, quân đội Ukraine quyết giữ Bakhmut

15/03/2023 23:31 GMT+7

Trong ngày 15.3, dù giao tranh vẫn diễn ra ác liệt ở nhiều nơi trên chiến tuyến miền đông Ukraine, đặc biệt là ở thành phố Bakhmut, thì diễn biến đáng lưu ý nhất lại xảy ra trên bầu trời biển Đen. Mỹ cáo buộc chiến đấu cơ Su-27 của Nga đã có hành động không chuyên nghiệp khi bay kèm một máy bay không người lái MQ9 Reaper, khiến chiến UAV hiện đại trị giá gần 30 triệu USD

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vẫn chưa nói chuyện được với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu để trao đổi về sự việc này.

Đây là sự cố trên không đầu tiên giữa Nga và một thành viên NATO kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra hơn một năm trước. Giới quan sát nhận định sự cố này phản ánh thực tế rằng những hệ lụy từ cuộc chiến và nguy cơ tính toán sai lầm dẫn đến leo thang căng thẳng là rất lớn

Cả Mỹ lẫn Nga đều không cung cấp tọa độ nơi xảy ra sự cố. Đài RT của Nga dẫn một số báo cáo chưa được xác minh trên truyền thông Nga cho biết địa điểm này nằm cách cảng Sevastopol thuộc Crimea khoảng 60 km về phía tây nam. Như quý vị đã biết, sau khi xung đột ở Ukraine bùng nổ vào tháng 2.2022, Mỹ và NATO đã tăng cường giám sát hoạt động của Nga ở cả biển Baltic và biển Đen. Quý vị có lẽ vẫn còn nhớ thông tin Washington đã xác nhận việc cung cấp cho Kyiv thông tin tình báo và khuyến nghị liên quan đến hoạt động quân sự của Nga.

Phía Nga đã đưa ra những phản ứng chính thức nào sau sự cố này.

Lầu Năm Góc khẳng định phía Nga đã không trục vớt được mảnh vỡ của chiếc UAV bị bắn hạ, và Moscow cũng không có thông tin chính thức gì về vấn đề này. Tuy nhiên đài RT dẫn lời các nhà nghiên cứu trên mạng xã hội cho biết hải quân Nga đã tìm cách trục vớt được một số phần của chiếc MQ9 Reaper.

Cũng liên quan đến những va chạm trên bầu trời, đài BBC đưa tin không quân Anh và Đức đã hợp sức chặn đón một máy bay Nga bay qua không phận của Estonia.

BBC viết: "Việc ngăn chặn đã diễn ra thường xuyên, nhưng đây là lần đầu tiên hoạt động như vậy được hai nước cùng thực hiện".

Trong ngày 14.3, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết, nếu được thông qua, Warsaw có thể chuyển giao tiêm kích MiG-29 cho Ukraine trong vòng 4 đến 6 tuần tới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các đồng minh của Kyiv đang có cách tiếp cận thận trọng liên quan đến tiêm kích, Ba Lan chỉ giao máy bay quân sự cho Ukraine nếu các nước thành viên NATO cũng thực hiện tương tự.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad nói rằng trong trường hợp Bratislava nhất trí, Warsaw sẽ cùng hợp tác viện trợ tiêm kích MiG-29 từ thời Liên Xô cho Ukraine.

Cho đến nay, Mỹ là nước có số lượng máy bay không người lái MQ9 Reaper nhiều nhất. Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, lực lượng không quân nước này đã ký hợp đồng mua 366 chiếc MQ-9 kể từ năm 2007, với chi phí trung bình là 28 triệu USD/chiếc.

Báo The Guardian cho biết Anh cũng đã triển khai loại UAV này cùng với loại Predator trong nhiều năm qua. Không lực Hoàng gia Anh hiện có 9 chiếc Reaper đang hoạt động, với một số lượng khác đang được đặt hàng.

Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Nhật Bản và Hà Lan cũng sử dụng loại máy bay này.

Loại UAV của Nga được xem là tương đương với chiếc Reaper là UAV Orion. Chiếc UAV này cũng được Nga sử dụng rộng rãi trong chiến dịch quân sự đặc biệt, và Ukraine nói đã bắn hạ 4 chiến Orion trong  năm đầu tiên của xung đột.

Nhiều quốc gia khác đã triển khai UAV với các thiết kế khác nhau. Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một gương mặt nổi bật trong lĩnh vực này qua sự thành công của loại UAV TB2 Bayraktar trong một số cuộc xung đột gần đây, trong đó có cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

Trung Quốc đã bắt đầu cung cấp máy bay không người lái của mình cho nhiều nước, bao gồm Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Ai Cập, Nigeria, Ả Rập Xê Út và Iraq.

Như chúng ta đều biết, những cuộc xung đột gần đây cho thấy lực lượng UAV ngày càng có tầm quan trọng lớn hơn, đến mức không thể thiếu trong tác chiến hiện đại. Từ những máy bay lớn như MQ-9 Reaper, đến những chiếc drone Mavic 4 cánh quạt, đóng những vai trò từ trinh sát, tuần thám cho đến mang bom, tên lửa tấn công, và cả những thiết bị mà chúng ta quen gọi là UAV tự sát, hay còn gọi là đạn tuần kích. 

Trong bối cảnh như vậy, không có gì khó hiểu khi Đài Loan cũng đặc biệt đầu tư cho lực lượng UAV của mình.

Ông Denis Pushilin, người đứng đầu phe ly khai Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, cho biết cuộc chiến "giành từng mét đất" Bakhmut ở miền đông Ukraine đang diễn ra.

Ông Pushlin cáo buộc "giới chức Ukraine không quan tâm đến tổn thất trên hướng Soledar - Bakhmut, và thật ra đang nghiền nát binh sĩ của mình bằng mệnh lệnh cố thủ".

Còn TASS dẫn lời ông Igor Kimakovsky, cố vấn lãnh đạo DPR, cho biết tổng cộng có 10 đơn vị tác chiến cấp tiểu đoàn của Ukraine đang cố thủ các vị trí ở Bakhmut.

Để nói rõ hơn một chút thì “đơn vị tác chiến cấp tiểu đoàn” là thuật ngữ dùng để chỉ đơn vị tác chiến dựa trên cơ sở một tiểu đoàn lục quân, được phối thuộc pháo binh, phòng không, công binh và hậu cần, cũng như lực lượng không quân và đặc nhiệm.

Đây được cho là là lực lượng Ukraine đã được huấn luyện để chuẩn bị cho đợt phản công sắp tới nhưng thay vào đó được tăng viện cho thành phố Bakhmut. Động thái này có thể ảnh hưởng đến khả năng tổ chức chiến dịch phản công trong tương lai của Ukraine. Quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin này.

Trong khi đó, phía Ukraine nói lính Nga liên tục đến tiền tuyến ở miền đông, dấu hiệu cho thấy đợt tấn công được tiến hành từ mùa đông vẫn đang tiếp diễn.

Giao tranh chiến hào, mà Nga và Ukraine đều gọi là "máy nghiền", đang mang đến thương vong lớn cho cả hai phe ở Bakhmut. Tuy nhiên, tổng thống và quân đội Ukraine tuyên bố sẽ tiếp tục cố thủ Bakhmut bất chấp thương vong nặng nề.

Hôm 14.3, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine không phải nhằm giải quyết mục tiêu địa chính trị, mà là đấu tranh vì sự tồn vong của nhà nước Nga.

Theo hãng tin TASS, tuyên bố này được ông Putin đưa ra khi đến thăm nhà máy hàng không ở Buryatia, cách Moscow khoảng 4.400 km về hướng đông.

Chủ nhân Điện Kremlin cáo buộc phương Tây đã biến Ukraine thành công cụ gây chiến với Nga và có ý đồ gây "thất bại chiến lược" cho Nga.

Theo ông Putin, Nga vô cùng kiên nhẫn trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Ukraine suốt nhiều thập niên qua. Thế nhưng, tình hình thay đổi mạnh mẽ trong năm 2014 và mọi thứ diễn tiến theo hướng khó vãn hồi.

Ông Putin thừa nhận có lo lắng về nền kinh tế Nga sau khi phương Tây áp đặt nhiều đợt cấm vận đối với nước này, nhưng ông nhấn mạnh thực tế chứng minh năng lực kinh tế bền bỉ của Nga.

Cũng trong dịp này, Tổng thống Putin đã lên tiếng bình luận về thông tin mà truyền thông phương Tây đưa ra gần đây liên quan cuộc điều tra vụ tấn công đường ống Nord Stream hồi tháng 9.2022.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu trong chuyến thăm Tập đoàn Tên lửa Chiến thuật Nga hôm 14.3 đã nêu mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng vũ khí dẫn đường chính xác cao so với hiện nay.

Ông Shoigu biểu dương Tập đoàn Tên lửa Chiến thuật Nga “đang giải quyết hàng loạt vấn đề khổng lồ liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt. Đã có nhiều tổ hợp vũ khí được xuất xưởng trong thời gian ngắn, nhiều đơn hàng của quân đội được hoàn thành nhanh chóng".

Tuy nhiên, ông Shoigu yêu cầu tập đoàn cần nỗ lực “tăng năng suất lao động và giảm chi phí" để gia tăng sản lượng.

Tập đoàn Tên lửa Chiến thuật Nga là một trong những tập đoàn quốc phòng lớn nhất của Nga, tập hợp hàng loạt viện nghiên cứu, công ty và nhà máy trong lĩnh vực tên lửa. Đây là doanh nghiệp chịu trách nhiệm sản xuất phần lớn vũ khí dẫn đường trong biên chế quân đội Nga, gồm tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình đối đất, đối không, chống hạm và diệt radar, cũng như bom lượn và ngư lôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.