Trong khi giới quan chức và chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng Bakhmut có rất ít hoặc thậm chí là không có giá trị chiến lược, thì Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các tướng lĩnh quân đội Ukraine đều thống nhất quan điểm sẽ bảo vệ thành phố này trong thời gian lâu nhất có thể, bất chấp những tổn thất rất lớn. Moscow cũng đặt mục tiêu giành Bakhmut để dùng làm bàn đạp mở rộng tiến công sang các thành phố then chốt khác ở miền đông Ukraine. Và mặc dù cũng tổn thất rất nhiều như đến nay các lực lượng Nga, mà xung kích là các tay súng của công ty quân sự tư nhân Wagner, vẫn chưa thể kiểm soát hay bao vây hoàn toàn nơi này.
Đến tối hôm qua 2.4, nhà sáng lập nhóm Wagner đã xuất hiện trong một video được quay ở trước trung tâm hành chính Bakhmut. Theo cách suy luận của ông thì với việc kiểm soát được vị trí đầu não của Bakhmut thì phía Nga xem như đã chính thức kiểm soát được thành phố về mặt pháp lý.
Phản ứng trước thông tin của lãnh đạo Wagner, Ukraine hôm 3.4 cho biết các lực lượng Nga còn lâu mới chiếm được Bakhmut và giao tranh đã nổ ra xung quanh tòa nhà hành chính nơi nhóm lính đánh thuê này tuyên bố đã giương cao lá cờ Nga.
Trả lời hãng tin Reuters, phát ngôn viên của bộ chỉ huy quân sự miền đông Serhiy Cherevatiy nói rằng: "Bakhmut thuộc Ukraine, và họ chưa chiếm được bất cứ thứ gì và còn lâu mới làm được điều đó".
Trong bài đăng trên mạng xã hội hôm nay, Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố: "Đối phương vẫn tấn công Bakhmut không ngừng nghỉ, nhưng binh sĩ Ukraine đang dũng cảm bám trụ thành phố và đẩy lùi nhiều đợt tập kích".
Trong cuộc phỏng vấn trả lời phỏng vấn hãng tin AP hồi tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo chính phủ của ông sẽ nhanh chóng đối mặt với nhiều áp lực từ trong và ngoài nước nếu Bakhmut thất thủ. Ông nói nếu điều đó xảy ra, "người dân sẽ cảm thấy mệt mỏi, sẽ muốn tôi thỏa hiệp với Nga".
Blogger quân sự nổi tiếng người Nga Vladlen Tatarsky đã thiệt mạng trong một vụ nổ bom tại một quán cà phê ở St Petersburg vào hôm 2.4.
Trong thời gian gần đây, blogger người Nga Vladlen Tatarsky thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình chiến sự tại Donbass cũng như tham gia viết nhiều cuốn sách về xung đột Nga - Ukraine. Vào tháng 1 năm nay, blogger này đã bị Kyiv đưa vào danh sách trừng phạt.
Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) trong bài phân tích mới đây cho rằng vụ ám sát blogger người Nga Vladlen Tatarsky có thể tiết lộ những rạn nứt trong Điện Kremlin và những người có sức ảnh hưởng ở đây, theo tờ báo The Guardian.
Bộ Ngoại giao Nga đã quy trách nhiệm cho Kyiv về vụ việc trên và ca ngợi các blogger quân sự Nga đã đưa tin về tình hình chiến sự, "dường như bỏ qua thực tế là ông Tatarsky và các blogger khác thường xuyên chỉ trích Bộ Quốc phòng Nga và Bộ Ngoại giao Nga”, các nhà phân tích của ISW viết.
Theo ISW, quán cà phê ở St Petersburg, nơi vụ đánh bom xảy ra, thuộc sở hữu của ông Prigozhin.
Họ cũng lưu ý rằng ông Prigozhin đã tuyên bố vào ngày 2.4 rằng ông sẽ không đổ lỗi cho Kyiv về cái chết của ông Tatarsky và nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Nga Daria Dugina.
Theo ISW, vụ ám sát ông Tatarsky có thể là một phần của sự leo thang xung đột trong nội bộ Nga liên quan đến ông Prigozhin và Wagner.
Trong khi đó, hãng TASS đưa tin nghi phạm gây ra vụ nổ đã bị chính quyền bắt giữ. Người này có tên là Daria Trepova, 26 tuổi.
Theo Interfax, nữ nghi phạm Trepova nhiều khả năng đã giấu thiết bị chứa khoảng 200g thuốc nổ TNT bên trong một bức tượng và mang tới quán cà phê Street Bar 1 ở trung tâm thành phố St Petersburg vào chiều 2.4. Bức tượng này sau đó đã được tặng cho blogger Tatarsky trước khi phát nổ gần sân khấu khiến người này thiệt mạng và 30 người khác bị thương.
Chuyển sang một thông tin khác, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết nước này đang tăng cường đáng kể việc sản xuất đạn dược, đặc biệt là các loại đạn chính xác cao, để phục vụ cho cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo TASS, Nga có kế hoạch thành lập một đội tàu ngầm chuyên dụng mang ngư lôi có khả năng hạt nhân Poseidon như một phần của Hạm đội Thái Bình Dương của nước này vào cuối năm 2024 hoặc nửa đầu năm 2025.
Hồi tháng 1 năm nay, Moscow cho biết họ đã sản xuất bộ ngư lôi Poseidon đầu tiên, 4 năm sau khi Tổng thống Vladimir Putin công bố loại vũ khí hạt nhân chiến lược quan trọng mới này.
Vào cuối tháng 3, Nga cho biết cơ sở hạ tầng ven biển dành cho các tàu ngầm mang ngư lôi Poseidon sẽ được hoàn thành trên bán đảo Kamchatka, nơi đặt căn cứ tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.
Tuy có rất ít chi tiết được công khai về loại vũ khí Poseidon này, nhưng giới phân tích quân sự nói rằng thực chất nó là sự kết hợp giữa ngư lôi và thiết bị không người lái có thể phóng từ tàu ngầm hạt nhân.
Trong một diễn biến liên quan, Nga cho biết vũ khí hạt nhân chiến thuật của nước này sẽ được chuyển đến gần biên giới Belarus với các nước láng giềng NATO, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây về cuộc xung đột ở Ukraine.
Hãng tin RIA Novosti dẫn thông cáo từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết hai ngoại trưởng Nga và Mỹ vừa có cuộc điện đàm liên quan vụ bắt giữ phóng viên Evan Gershkovich của tờ The Wall Street Journal. Phóng viên này bị giới chức Nga cáo buộc hoạt động gián điệp và bị bắt giữ hồi cuối tháng 3.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong cuộc điện đàm đã cáo buộc Washington cố gắng chính trị hóa vụ việc, và ông Lavrov nói rằng hành động của Mỹ là "không thể chấp nhận được".
Theo Bộ Ngoại giao Nga, ông Lavrov nói với người đồng cấp Antony Blinken rằng số phận của ông Gershkovich sẽ được quyết định bởi một tòa án.
Trong khi đó, phía Mỹ cho biết ông Blinken đã yêu cầu Nga trả tự do ngay lập tức cho phóng viên Mỹ.
Trong một thông tin đáng lưu ý khác, theo tờ The Wall Street Journal, Nhật Bản đã nhận được sự đồng ý từ Mỹ để mua dầu Nga với mức giá cao hơn giá trần, với lý do nước này cần bảo vệ quyền tiếp cận nguồn năng lượng Nga.
Theo tờ báo này, đây là sự nhượng bộ phản ánh sự phụ thuộc của Nhật Bản vào năng lượng hóa thạch của Nga, cũng như giải thích tại sao Tokyo lại do dự trong chiến lược hỗ trợ Kyiv.
Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong nhóm G7 không gửi vũ khí sát thương cho Ukraine. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng là nhà lãnh đạo G7 cuối cùng tới thăm Kyiv kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra.
Năm ngoái, Nhật Bản đã tăng nhập khẩu khí đốt Nga, và đến nay lại thúc đẩy nhập khẩu dầu. Theo The Wall Street Journal, mức nhập khẩu dầu Nga của Nhật Bản dù nhỏ nhưng đánh dấu sự chia rẽ trong nỗ lực chặn hoàn toàn nguồn thu của Nga từ dầu mỏ.
Ở một diễn biến khác liên quan đến dầu mỏ, Ả Rập Xê Út và Nga là hai ông lớn trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các quốc gia đối tác (OPEC+) đã tuyên bố cắt giảm thêm sản lượng dầu. Và động thái này đã khiến chính quyền Washington lên tiếng chỉ trích là “không khôn ngoan".
Bình luận (0)