Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 401 có gì nóng?

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 401 có gì nóng?

Thanh Niên
Trúc Huỳnh: Kịch bản - Dẫn chương trình Thanh Nguyên: Dựng phim - Thumbnail Tuấn Anh: Quay phim
01/04/2023 23:03 GMT+7

Hiện tại trên chiến trường lúc này, thị trấn Bakhmut vẫn là nơi xảy ra các cuộc giao tranh ác liệt nhất. Hãng tin TASS dẫn lời ông Yevgeny Prigozhin, người sáng lập công ty quân sự tư nhân Wagner, cho biết quân đội Ukraine đang chịu thương vong nghiêm trọng ở thị trấn Bakhmut thuộc vùng Donetsk. Tuy nhiên, quân đội Nga vẫn phải nỗ lực rất nhiều ở khu vực đó.

Ông Prigozhin viết trên kênh Telegram của mình rằng “Không, quân đội Ukraine rút đi đâu cả. Quân đội Ukraine đang tham gia vào các trận chiến đẫm máu và đang bảo vệ Bakhmut với cái giá là thương vong nghiêm trọng”.

Ông nhấn mạnh: “Một khía cạnh quan trọng khác cần được đề cập là sự cần thiết phải giữ vững hai bên sườn của thành phố... Các lực lượng đồng minh nên giữ vững hai bên sườn của Bakhmut và không để chúng tôi thất vọng”.

Nhà lãnh đạo Wagner cho biết rằng các lực lượng Nga đang tiến về phía trước và kiểm soát mọi tòa nhà, lối vào tòa nhà và nhà để xe giữa các tòa nhà. “Bakhmut có khoảng 800 tòa nhà cao tầng. Sau khi kiểm soát được Bakhmut, chúng tôi sẽ nói về điều đó”, ông cho biết.

Ngoài ra, ông Prigozhin đã đăng một đoạn video quay lại cảnh các binh lính của ông cắm cờ đen của công ty lên trên nóc của một tòa nhà cao tầng tại trung tâm thành phố Bakhmut.

Theo thông tin do một số quan chức Mỹ cung cấp cho Reuters, Washington dự kiến vào ngày 3.4 sẽ công bố một gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 2,6 tỉ USD, có thể bao gồm radar giám sát trên không, tên lửa chống tăng Javelin và xe chở nhiên liệu.

Danh sách gói viện trợ này của Mỹ còn có đạn xe tăng, trang thiết bị tân trang xe tăng và các loại đạn bổ sung cho hệ thống phòng không NASAMS mà Mỹ và đồng minh đã cung cấp cho Kyiv.

Khoản viện trợ này bao gồm 2,1 tỉ USD lấy từ quỹ sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine cho phép chính quyền của Tổng thống Joe Biden mua vũ khí từ công nghiệp quốc phòng, thay vì lấy từ kho vũ khí của quân đội Mỹ.

Con số 500 triệu USD còn lại dự kiến sẽ được thực hiện theo quyền rút vốn của Tổng thống Mỹ, cho phép Tổng thống trích xuất vũ khí từ kho dự trữ hiện tại của Mỹ trong trường hợp khẩn cấp.

Mỹ đã cung cấp gần 30 tỉ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại quốc gia láng giềng, bao gồm hơn 1.600 hệ thống tên lửa phòng không vác vai Stinger, 8.500 hệ thống tên lửa chống tăng Javelin và 1 triệu viên đạn pháo 155mm. Mỹ cũng dẫn đầu nỗ lực cấm vận của phương Tây nhằm làm suy yếu Nga. Lẽ dĩ nhiên, quan hệ song phương Nga-Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.

Mới đây, chính phủ Nga đã thông qua phiên bản mới của Khái niệm chính sách đối ngoại. Tài liệu này dài 42 trang, trong đó Nga “dự định ưu tiên xóa bỏ những dấu tích về sự thống trị của Mỹ và các quốc gia không thân thiện khác trong nền chính trị thế giới”.

Ngày 31.3, khi bình luận về xung đột Ukraine với truyền thông Hungary, Thủ tướng nước này là ông Viktor Orban tiết lộ các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) “đang tiến gần tới việc” thảo luận khả năng EU có thể triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine.

Ông Orban nói: “Khi phương Tây đang cung cấp cho Ukraine những khí tài ngày càng hiện đại, tôi tin chắc mối họa chiến tranh thế giới không phải phóng đại”. Ông nhấn mạnh rằng giới chức EU cần “trình bày lập luận để Nga - Ukraine thấy một lệnh ngừng bắn là vì lợi ích đôi bên”.

Bình luận về thông tin ông Orban đưa ra, Điện Kremlin cảnh báo bất kỳ ý tưởng nào về kịch bản EU điều lực lượng giữ gìn hòa bình đến Ukraine đều rất nguy hiểm. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 31.3 nói rõ rằng các lực lượng gìn giữ hòa bình “thường chỉ được triển khai khi có sự đồng thuận từ hai bên”.

Belarus đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine và nhanh chóng tìm giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, theo Reuters, Nga cùng ngày cho biết lệnh ngừng bắn ở Ukraine sẽ không cho phép Moscow đạt được các mục tiêu của “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào lúc này.

Điện Kremlin đã phản ứng sau khi Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus trong bài phát biểu thường niên trước quốc hội hôm 31.3 kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, không có điều kiện tiên quyết để cả Moscow và Kyiv bắt đầu đàm phán về một giải pháp hòa bình lâu dài.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga đã ghi nhận những bình luận của ông Lukashenko và Tổng thống Vladimir Putin sẽ thảo luận với nhà lãnh đạo Belarus vào tuần tới. Tuy nhiên, ông Peskov cho biết các mục tiêu của Nga ở Ukraine không thể đạt được vào lúc này thông qua việc ngừng giao tranh.

Ông Peskov nói “Về Ukraine, không có gì thay đổi, hoạt động quân sự đặc biệt vẫn đang tiếp tục bởi vì ngày nay đó là phương tiện duy nhất để chúng tôi đạt được mục tiêu của mình”.

Nga tuyên bố nước này sẵn sàng cho hòa bình nhưng nói rõ rằng điều này sẽ chỉ được thực hiện theo các điều kiện của Moscow. Theo đó, Kyiv phải chấp nhận “thực tế mới” trên chiến trường.

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cũng từ chối lời kêu gọi ngừng bắn của nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko. “Việc ngừng bắn nghĩa là Nga có thể ở lại các vùng lãnh thổ đã bị Moscow kiểm soát. Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được”, ông Podolyak viết trên Twitter.

Ngoài ra, cũng trong bài phát biểu thường niên trước quốc hội ở thủ đô Minsk, Tổng thống Lukashenko cho biết Nga có thể đưa thêm vũ khí hạt nhân chiến lược vào Belarus.

Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 31.3, Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Nicolas de Riviere (ni cô la đờ ri vi e) nói quyết định triển khai vũ khí hạt nhân Nga ở Belarus “là đòn giáng mạnh hơn nữa vào cơ cấu kiểm soát vũ khí, sự ổn định chiến lược ở châu Âu cũng như hòa bình, an ninh thế giới”.

Còn Phó đại sứ Anh James Kariuki nhấn mạnh “Ngoài Nga ra, không quốc gia nào khác nêu khả năng sử dụng hạt nhân trong cuộc xung đột ở Ukraine”. Ông Kariuki nói động thái mới nhất của Điện Kremlin sẽ không đạt hiệu quả đe dọa, và phương Tây “sẽ tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực phòng vệ của Ukraine”.

Tại cuộc họp, Nga kiên định với quan điểm không có sự khác biệt giữa kế hoạch của Moscow và việc Mỹ đặt vũ khí hạt nhân ở châu Âu. Đại sứ Nga Vassily Nebenzia khẳng định các vũ khí mà Nga bố trí ở Belarus sẽ hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Moscow, và động thái không vi phạm nghĩa vụ quốc tế của Moscow.

Việc Nga tuyên bô sẽ triển khai vũ khí hạt nhân đến Belarus khiến các quan ngại về một cuộc đối đầu hạt nhân lại tiếp tục được thổi bùng lên. Ngoài ra, việc Nga đình chỉ việc tham gia hiệp ước New START, thỏa thuận hạt nhân cuối cùng còn lại giữa Nga và Mỹ, cũng góp phần đẩy nguy cơ này lên cao.

Theo Reuters, Mỹ và Nga nắm giữ gần 90% số đầu đạn hạt nhân của thế giới, một con số đủ để hủy diệt hành tinh nhiều lần. Chính vì thế, New START được xây dựng nhằm đặt ra hạn chế đối với số lượng thiết bị hạt nhân Nga và Mỹ triển khai trên thế giới. Theo các điều khoản của thỏa thuận, Moscow và Washington được phép triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa và máy bay ném bom trên đất liền và trên tàu ngầm.

Tại cuộc họp báo chung với lãnh đạo các nước Moldova, Slovenia, Slovakia và Croatia đang thăm Ukraine ngày 31.3, Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định, Ukraine vẫn để ngỏ đàm phán chấm dứt xung đột với Nga.

Tuy nhiên ông Zelensky nhấn mạnh điều này chỉ xảy ra khi Nga tự nguyện rút quân khỏi các vùng lãnh thổ của Ukraine. Nhà lãnh đạo Ukraine nói: “Chắc chắn sẽ có xác nhận kết thúc chiến sự. Nhưng chỉ tại bàn đàm phán, nơi các bên sẽ ngồi xuống và có cả đại diện của Nga tuyên bố sẽ rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine. Khi đó, tiến trình ngoại giao sẽ bắt đầu”.

Một cuộc xung đột có sự tham gia nổi bật của vũ khí và công nghệ quân sự Mỹ như đang diễn ra ở Ukraine chắc chắn đang thu hút sự quan tâm của Trung Quốc. Hãng tin Reuters gần đây đã tiến hành một nghiên cứu để rà soát, đánh giá gần 100 bài báo của hơn 20 chuyên san quốc phòng Trung Quốc.

Reuters đưa tin ban điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 31.3 đã phê duyệt gói tài trợ trị giá 15,6 tỉ USD trong 4 năm cho Ukraine để giúp nước này đáp ứng nhu cầu tài chính khẩn cấp trong lúc chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Đây là khoản vay lớn nhất của Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự vào ngày 24.2.2022 và cũng là gói cho vay lớn đầu tiên được IMF phê duyệt cho một quốc gia đang ở trong xung đột. Gói cho vay dự kiến giúp giải phóng nguồn tài chính quy mô lớn cho Ukraine từ các nhà tài trợ và đối tác quốc tế, bao gồm Ngân hàng Thế giới và các bên cho vay khác

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.