Xem nhanh: Chiến dịch ngày 462, Mỹ viện trợ thêm, NATO quyết ủng hộ; Nga nói xóa sổ chiến hạm Ukraine

Xem nhanh: Chiến dịch ngày 462, Mỹ viện trợ thêm, NATO quyết ủng hộ; Nga nói xóa sổ chiến hạm Ukraine

01/06/2023 23:23 GMT+7

Thị trưởng Kiyv hôm 1.6 xác nhận cơ quan chức năng đang điều tra cái chết của 3 người trong cuộc tấn công mới nhất của Nga vào thủ đô của Ukraine. Có thông tin cho rằng các nạn nhân không thể vào nơi trú ẩn đã bị khóa cửa và sau đó bị các mảnh vỡ rơi trúng.

Ông Vitali Klitschko cho biết có tổng cộng 19 người bị thương trong cuộc tập kích trong đêm.

Cuộc tấn công vào ngày Quốc tế Thiếu nhi đã sử dụng 7 tên lửa đạn đạo Iskander-M và 3 tên lửa hành trình Iskander-K và theo Bộ Quốc phòng Ukraine, tất cả đều bị bắn hạ.

Mỹ công bố gói viện trợ an ninh 300 triệu USD cho Ukraine, trong đó có tên lửa cho hệ thống Patriot và nhiều tổ hợp phòng không tầm ngắn.

Trong một thông tin khác, Lầu Năm Góc hôm 31.5 công bố gói viện trợ mới nhất trị giá 300 triệu USD cho Ukraine. Trong gói viện trợ này, Mỹ sẽ bổ sung tên lửa cho hệ thống phòng không tầm xa Patriot, cung cấp thêm tổ hợp phòng không tầm ngắn Avenger và tên lửa vác vai Stinger. Mỹ cũng chuyển thêm tên lửa đối không AIM-7, đạn cho pháo phản lực HIMARS, đạn pháo 155 mm và 105 mm và hơn 30 triệu viên đạn súng bộ binh.

Đây là gói viện trợ vũ khí thứ 39 của Mỹ cho Ukraine, nâng tổng viện trợ quân sự Washington dành cho Kyiv từ khi xung đột bùng phát tháng 2/2022 lên 37,6 tỉ USD.

Trang tin The Kyiv Independent ngày 31.5 dẫn lời phát ngôn viên Stephane Dujarric của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres lên án mọi cuộc tấn công nhằm vào dân thường và các công trình dân sự. Phát biểu được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc quân đội Ukraine sử dụng 8 máy bay không người lái (UAV) tấn công tại Moscow vào rạng sáng 30.5.

Phát ngôn viên Dujarric nói: "Dĩ nhiên, chúng tôi lên án mọi cuộc tấn công dân thường và các công trình dân sự ở bất cứ nơi đâu. Nhưng tôi cho rằng điều quan trọng cần nêu ra là không có sự so sánh nào giữa những cuộc tấn công gần đây ở Moscow với sự tập kích quy mô lớn mà chúng ta tiếp tục chứng kiến ở các thành phố của Ukraine".

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 1.6 cho biết Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng biên phòng, dịch vụ khẩn cấp và chính quyền địa phương liên tục báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin về tình hình ở khu vực Belgorod, theo Hãng tin Tass.

Khu vực Belgorod, giáp ranh với khu vực Kharkiv của Ukraine, đã bị pháo kích dữ dội trong những ngày gần đây. Vào hôm nay 1.6 đã xuất hiện thông tin về một cuộc xâm nhập của những người chống chính phủ Nga vào hôm 1.6.

Theo Tass, giới chức Belgorod phủ nhận đã có một cuộc xâm nhập biên giới ở Nga.

Ở một diễn biến khác, Nga tuyên bố đã phá hủy tàu chiến Yuri Olefirenko của Ukraine.

Tổng thống Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm Moldova hôm 1.6 cho biết Ukraine sẵn sàng gia nhập liên minh quân sự NATO và đang đợi khối kết nạp Kyiv.

Các ngoại trưởng NATO đang thảo luận về vấn đề này tại một cuộc họp ở Oslo.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha José Manuel Albares phát biểu tại Na Uy rằng Ukraine phải nhận được một thông điệp ủng hộ mạnh mẽ liên quan đến nỗ lực trở thành thành viên NATO.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock thì lại tỏ ra thận trọng hơn. Bà nói rằng: “Chính sách mở cửa của NATO vẫn được áp dụng, nhưng rõ ràng là chúng ta không thể nói về việc kết nạp thành viên giữa lúc chiến sự đang diễn ra".

Tổng thống Emmanuel Macron nói việc Nga mở chiến dịch ở Ukraine là cú sốc đã giúp NATO "thức tỉnh" sau nhiều năm chia rẽ nội bộ.

Theo ông Macron, Ukraine "ngày nay đang bảo vệ châu Âu" và phương Tây sẽ có lợi khi Kyiv nhận được đảm bảo an ninh từ NATO.

Ông nói "chủ đề của các cuộc thảo luận tập thể những tuần tới... là nhằm cung cấp đảm bảo an ninh rõ ràng, đáng tin cậy cho Ukraine". Nhưng Tổng thống Pháp nhận định rằng lãnh đạo trong liên minh khó đạt đồng thuận tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania vào tháng 7.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Na Uy cho rằng Nga không có quyền quyết định việc Ukraine gia nhập NATO.

Một loạt hoạt động ngoại giao của NATO đang diễn ra ở Oslo, nơi các bộ trưởng ngoại giao của NATO đang nhóm họp. Quá trình gia nhập của Thụy Điển cũng như cuộc xung đột Ukraine được cho là chiếm phần lớn trong chương trình nghị sự.

Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna hôm 1.6 cho rằng liên minh NATO cần suy nghĩ về những đảm bảo an ninh mà họ có thể mang lại cho Ukraine. Trong khi đó, Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis nói rằng đã đến lúc các thành viên NATO tìm câu trả lời cụ thể cho câu hỏi làm thế nào để Kyiv gia nhập liên minh này.

Ông Landsbergis cũng cho biết có nhiều kỳ vọng rằng lá cờ Thụy Điển sẽ được kéo lên tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius của NATO vào tháng 7.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 31.5 bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng Nam Phi đã cung cấp vũ khí cho Nga.

Ông Lavrov nói Nam Phi và Nga xây dựng quan hệ tuân thủ đầy đủ chuẩn mực và nguyên tắc luật pháp quốc tế.

Hồi đầu tháng 5, đại sứ Mỹ tại Nam Phi nói vũ khí, đạn dược đã được chuyển lên một tàu hàng, được cho là của Nga, neo đậu ở căn cứ hải quân Simon's Town của Nam Phi vào tháng 12.2022. Chính phủ Nam Phi sau đó khẳng định nước này chưa từng cung cấp vũ khí cho Nga và đã triệu đại sứ Mỹ để yêu cầu làm rõ cáo buộc.

Ngoại trưởng Nga Lavrov nói: "Nếu đại sứ Mỹ hay bất kỳ bất kỳ nước nào bên kia đại dương nghi ngờ điều gì, tốt hơn hết là người đó nên lo việc của mình". Ông Lavrov cũng nhấn mạnh: "Về việc cung cấp vũ khí, không như các đối tác phương Tây, Nga không bao giờ vi phạm quy tắc quốc tế".

Theo Ngoại trưởng Nga, dù liên tục tuyên bố trung lập, phương Tây vẫn bơm lượng lớn vũ khí tầm xa cho Ukraine.

Trong khi đó, Nam Phi đang cân nhắc các hướng xử lý lệnh truy nã Tổng thống Putin của ICC trong trường hợp ông nhận lời mời dự thượng đỉnh BRICS tháng 8.

Nam Phi hiện đang trong thế tiến thoái lưỡng nan từ khi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3. ICC yêu cầu 123 nước thành viên bắt Tổng thống Putin và chuyển đến Hà Lan để xét xử nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ. Nam Phi lại là một thành viên của ICC

Nam Phi từ tháng 1 đã gửi lời mời Tổng thống Putin đến dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg ngày 22-24/8 với tư cách là nguyên thủ quốc gia thành viên trong khối. BRICS gồm 5 nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và gần 1/4 GDP thế giới.

Khi được hỏi liệu Tổng thống Putin có dự thượng đỉnh BRICS hay không, Điện Kremlin ngày 30.5 nói Nga sẽ tham gia ở "cấp độ phù hợp".

Còn Bộ Quan hệ và Hợp tác Quốc tế Nam Phi hôm 31.5 cho biết sẽ đảm bảo quyền miễn trừ ngoại giao cho quan chức, lãnh đạo tham dự cuộc họp ngoại trưởng các nước BRICS tại Cape Town ngày 1-2.6 và hội nghị thượng đỉnh BRICS. Theo DIRCO, đây là quy trình tiêu chuẩn, áp dụng với mọi hội nghị quốc tế tổ chức ở Nam Phi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.