Xem nhanh: Chiến dịch ngày 579, Ukraine sợ xe tăng Abrams bị tiêu diệt; Mỹ nghi ngờ triển vọng phản công

Xem nhanh: Chiến dịch ngày 579, Ukraine sợ xe tăng Abrams bị tiêu diệt; Mỹ nghi ngờ triển vọng phản công

26/09/2023 23:39 GMT+7

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 25.9 thông báo những xe tăng Abrams đầu tiên do Mỹ viện trợ đã đến Ukraine và đang chuẩn bị tăng viện cho các lữ đoàn của nước này.

Ông Zelensky cũng gửi lời cảm ơn đến các đồng minh đã thực hiện những cam kết với Ukraine.

Đây là lần chuyển giao đầu tiên cho số 31 xe tăng mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết gửi cho Kyiv.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố xe tăng Abrams sẽ "bổ sung thêm năng lực thiết giáp” cho Ukraine, bên cạnh các loại xe tăng chủ lực Leopard và Challenger đã được phương Tây cung cấp trước đó.

Đây là loại xe tăng chủ lực nặng trên 70 tấn, với kíp lái 4 người, có thể bắn loại đạn uranium nghèo mà Mỹ đã viện trợ cho Ukraine. Xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất có tầm hoạt động hơn 400km và có khả năng diệt mục tiêu ở cách xa 4km bằng hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại.

Các chuyên gia quân sự cho rằng xe tăng Abrams sẽ giúp Ukraine tăng thêm sức mạnh cho cuộc phản công, nhưng sẽ chỉ hiệu quả nếu Ukraine vận dụng tốt cách tác chiến hợp đồng binh chủng.

Quan điểm thận trọng cũng được người lãnh đạo cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine nêu ra gần đây, khi ông cho rằng xe tăng Abrams sẽ bị tiêu diệt sớm nếu sử dụng không đúng cách.

Báo Newsweek dẫn lời các chuyên gia cho rằng khi thời tiết dần chuyển sang mùa thu và mùa đông, quân đội Ukraine cần phải cân nhắc kỹ lưỡng việc đưa xe tăng M1 Abrams tham chiến.

Nhà nghiên cứu Marina Miron tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh thuộc Đại học King's College London (Anh) nhận định khi mùa mưa bắt đầu, các xe tăng hạng nặng có thể bị mắc kẹt trong các bãi bùn lầy. Bên cạnh đó, việc sử dụng cùng lúc 3 loại xe tăng hạng nặng phương Tây là Abrams, Challenger 2 và Leopard sẽ đặt ra nhiều thách thức về hậu cần, bảo trì và sửa chữa cho Ukraine.

Về việc Mỹ giao xe tăng cho Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng phương Tây đánh giá quá cao hiệu quả của những dòng xe tăng tương tự trong chiến sự Ukraine. Theo ông Peskov, xe tăng của Mỹ cuối cùng sẽ cháy trụi như toàn bộ những dòng vũ khí khác được Ukraine sử dụng.

Còn ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga), nói phương Tây đã bắt đầu xem xung đột ở Ukraine là một cuộc chiến tiêu hao và đầu tư số tiền khổng lồ vào việc quân sự hóa Kyiv.

Tuy nhiên, ông cho rằng phương Tây đang gặp phải tình trạng thiếu vũ khí, đạn dược. Ngoài ra, cuộc "phản công thất bại" của Ukraine đã tạo ra thêm nhiều vấn đề cho Kyiv và đồng minh.

Theo ông Volodin, các yếu tố trên cộng thêm một số vấn đề phát sinh đã nói lên một điều rằng "Ukraine sẽ không còn tồn tại như một nhà nước trừ khi Kyiv đầu hàng theo các điều khoản của Nga".

Vào tuần trước, Ukraine đã tấn công trụ sở Hạm đội biển Đen của Nga ở thành phố Sevastopol thuộc vùng Crimea. Phía Nga nói trụ sở bị hư hại nặng, nhưng chỉ có một quân nhân mất tích. Đến ngày 25.9, Kyiv tuyên bố Tư lệnh Hạm đội Biển Đen đã thiệt mạng trong vụ tấn công này.

Kênh Telegram chính thức của chính quyền Crimea do Nga kiểm soát đã bác bỏ thông tin do Kyiv tung ra về số phận của tư lệnh Hạm đội Biển Đen. Cũng theo nguồn tin này, lực lượng Ukraine đã sử dụng tên lửa Scalp của Pháp để thực hiện vụ tấn công. Đây là phiên bản tên lửa hành trình tương đương với loại Storm Shadow của Anh, nhưng có sức mạnh xuyên phá tốt hơn. Theo chính quyền Crimea do Nga bổ nhiệm, có 2 tên lửa Scalp đã bay trúng tòa nhà đặt trụ sở Hạm đội Biển Đen, trong đó 1 tên lửa không nổ và sau đó đã được dời đi để phá hủy.

Cũng liên quan đến vụ tấn công tổng hành dinh Hạm đội Biển Đen, theo trang Flighradar24, một ngày trước vụ tập kích này, hoạt động trinh sát của Mỹ và đồng minh ở vùng biển này tăng lên 6 chuyến/ngày, từ mức khoảng 3 chuyến/ngày trong thời gian gần đây.

Điều này gợi nhớ đến những cáo buộc mà Moscow thường đưa ra về việc phương Tây cung cấp thông tin tình báo để hỗ trợ Ukraine tấn công vào các vị trí của Nga.

Tiếp tục với thông tin liên quan tình hình chiến sự, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các đơn vị phòng Nga đã đẩy lùi một số cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine trên khu vực Belgorod và Kursk vào cuối ngày 25.9, bắn hạ tổng cộng ít nhất 11 chiếc.

Bộ trong một tuyên bố trên ứng dụng Telegram cho biết 7 UAV bị bắn hạ ở khu vực Belgorod và 4 chiếc ở khu vực Kursk.

Moscow không cung cấp thông tin về thiệt hại hoặc thương vong trong các cuộc tấn công.

Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) hồi tháng 3 đã ra lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cụ thể, ICC cáo buộc ông Putin phạm tội ác chiến tranh vì trục xuất bất hợp pháp hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine. Động thái của ICC sẽ buộc 123 quốc gia thành viên của tòa phải bắt giữ ông Putin nếu ông đặt chân lên lãnh thổ của họ, và chuyển nhà lãnh đạo tới The Hague (Hà Lan) để xét xử. Chính phủ Nga sau đó đã phản ứng gay gắt trước lệnh bắt giữ này.

Đến ngày 25.9, Moscow đã liệt tên chủ tịch ICC vào danh sách truy nã.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, thì có 3 điều kiện chính cần thỏa mãn để Ukraine tạo được bước đột phá đáng kể trong cuộc phản công hiện tại.

Thứ nhất là Nga không có đủ sức mạnh và nguồn lực dự trữ để duy trì khả năng phòng thủ ở mặt trận Zaporizhzhia quan trọng. Thứ hai là Ukraine có đủ sức mạnh chiến đấu để tiếp tục tiến công sau khi làm suy giảm sức mạnh chiến đấu của Nga. Và cuối cùng là các vị trí phòng thủ của Nga không được củng cố hoặc có bãi mìn dày đặc như những khu vực mà Ukraine từng vượt qua.

ISW cho rằng nếu có điều kiện nào không đạt được thì rất khó để Ukraine đạt được bước đột phá hằng mong đợi.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tại ISW cho biết có những "dấu hiệu" có lợi lực lượng Kyiv. Họ cho rằng ở Zaporizhzhia, Nga không có đủ lực lượng để "hoàn thiện hệ thống phòng thủ theo chiều sâu".

ISW cũng đánh giá rằng các hoạt động của Ukraine trong và xung quanh thành phố Bakhmut đã buộc Nga phải duy trì lực lượng ở miền đông” mà không thể dồn quân phòng thủ ở phía nam.

Trong khi đó, theo báo The New York Times, giới chức Mỹ gần đây nhận định rằng Kyiv khó lòng đạt được các mục tiêu chính của chiến dịch trong năm nay.

Vào tháng 11 năm ngoái, một vụ nổ ở ngôi làng miền đông Ba Lan, cách biên giới với Ukraine khoảng 6 km, đã khiến 2 người thiệt mạng.

Vụ nổ xảy ra khi Nga tấn công các thành phố trên khắp Ukraine bằng tên lửa hôm 15.11. Đây là đợt tập kích mà theo Kyiv là dữ dội nhất cho đến thời điểm đó. Một số tên lửa đã nhắm vào thành phố Lviv, cách Ba Lan khoảng 80 km.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngay lập tức cáo buộc tên lửa Nga đã bắn vào Ba Lan. Ông gọi đó là một "bước leo thang đáng kể" trong cuộc xung đột. Vì Ba Lan là thành viên của NATO, ông Zelensky kêu gọi NATO kích hoạt điều khoản an ninh tập thể để hành động.

Tuy nhiên, đến hôm nay 26.9, các chuyên gia Ba Lan đã xác nhận rằng tên lửa tấn công cơ sở ngũ cốc ở Ba Lan hồi tháng 11 là do Ukraine bắn.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cho biết Ba Lan đã xác định rằng tên lửa rơi xuống làng Przewodow là tên lửa phòng không S 300 được bắn từ lãnh thổ Ukraine.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.