Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 293 có gì nóng?

Tấn Cư - Thế Vinh - La Vi và 3 người khác
14/12/2022 23:27 GMT+7

Thị trưởng thành phố Kyiv, thủ đô của Ukraine, ông Vitali Klitschko cho biết quận Shevchenkivskyi ở trung tâm Kyiv đã bị tấn công vào sáng sớm hôm 14.12.

Ông Oleksiy Kuleba, thống đốc vùng Kyiv, nói rằng các hệ thống phòng không đang hoạt động. Đại sứ Anh trong một bài đăng trên Twitter cho biết bà nghe thấy tiếng nổ bên ngoài.

Giới chức Ukraine cho biết các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga đã làm hư hại 5 tòa nhà ở thủ đô Kyiv của Ukraine. Không có thương vong nào được báo cáo.

Người đứng đầu chính quyền thành phố Kyiv, Serhii Popko, đã viết trên Telegram rằng các cuộc tấn công diễn ra thành hai đợt và các mảnh vỡ của UAV đã làm hư hại 1 tòa nhà hành chính, trong khi 4 tòa nhà dân cư bị hư hại nhẹ. Ukraine tuyên bố các lực lượng nước này đã bắn hạ tất cả các máy bay không người lái do Iran sản xuất được phóng vào sáng sớm 14.12 vào thành phố Kyiv và khu vực lân cận.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đăng một video trên Telegram, trong đó cảm ơn lực lượng phòng không Ukraine vì đã bắn hạ toàn bộ 13 UAV tấn công. Trong những tuần gần đây, Ukraine ngày càng thành công trong việc ngăn chặn các cuộc không kích của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này. Trong cuộc tấn công lớn gần đây nhất vào hôm 5.12 nhằm vào các mục tiêu trên khắp Ukraine cũng như Kyiv, họ cho biết đã bắn hạ 60/70 quả rốc két của Nga.

Ở một diễn biến khác, phát ngôn viên Điện Kremlin mới đây đã lên tiếng bác bỏ đòi hỏi do Kyiv đưa ra về việc rút quân khỏi Ukraine vào cuối năm nay, và nhấn mạnh rằng chính quyền của Tổng thống Zelensky phải chấp nhận thực tế là Nga đã sáp nhập 4 vùng lãnh thổ.

Theo CNN, một chỉ huy Nga ở miền đông Ukraine hôm 13.12 cho biết Nga không thể đánh bại NATO ở Ukraine nếu không sử dụng vũ khí hạt nhân. Chỉ huy Alexander Khodakovsky của lực lượng dân quân Nga ở vùng Donetsk nói rằng các nguồn lực của Moscow có hạn.

Ông cũng tuyên bố rằng Nga hiện đang chiến đấu với toàn bộ thế giới phương Tây, đó là lý do tại sao bước leo thang tiếp theo của cuộc chiến Ukraine “chỉ có thể là hạt nhân”.

Điện Kremlin đã không trả lời công khai về những bình luận của vị chỉ huy này. Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo về mối đe dọa chiến tranh hạt nhân “ngày càng tăng” nhưng cho biết ông coi kho vũ khí hạt nhân của Nga là một biện pháp răn đe hơn là khiêu khích.

Nhưng về sự can thiệp của phương Tây vào Ukraine thì là có thật, và không chỉ dừng lại ở viện trợ vũ khí. Mới đây, một thành viên của liên minh quân sự NATO là Anh thừa nhận nước này đã triển khai một nhóm lớn binh sĩ thủy quân lục chiến đến Ukraine vào hồi tháng 4 để tham gia một số nhiệm vụ bí mật.

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã đồng ý kế hoạch cung cấp gói viện trợ trị giá 19 tỉ USD cho Ukraine vào năm 2023 sau khi Hungary từ bỏ sự phản đối để đổi lấy tài trợ từ EU, theo CNN.

Hungary ban đầu đã phản đối gói viện trợ này, trong bối cảnh bế tắc kéo dài trong việc thống nhất gói viện trợ của EU.Vào tối hôm 12.12, EU đã ký một thỏa thuận với Hungary. Theo đó, Brussels sẽ tài trợ cho Budapest 6,1 tỉ USD để "tạo điều kiện cho Hungary thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số".

Cũng liên quan đến vấn đề viện trợ cho Kyiv, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Washington sẽ chuyển hệ thống tên lửa Patriot cho Ukraine trong thời gian sớm.

Trước đó, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo NATO không nên trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Kyiv và có khả năng Điện Kremlin sẽ coi động thái này là một hành động leo thang.

Khi cuộc chiến đang ở tháng thứ 10, hệ thống Patriot sẽ giúp Ukraine chống lại làn sóng tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga vốn đã phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này.

Alexander Vindman, một trung tá quân đội đã nghỉ hưu và từng là nhà lãnh đạo chính sách Ukraine tại Nhà Trắng, cho biết việc sở hữu hệ thống Patriot sẽ rất quan trọng đối với chính phủ Kyiv.

Cũng liên quan đến hỗ trợ quân sự cho Ukraine thì Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace ngày 13.12 cho biết ông sẽ xem xét việc cung cấp cho Ukraine các hệ thống vũ khí tầm xa nếu Nga "tiếp tục nhắm mục tiêu vào các khu vực dân sự" của Ukraine.

Tại một nước đồng minh NATO khác là Ý thì Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto hôm 13.12 nói việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ chấm dứt ngay sau khi cuộc hòa đàm được khởi động nhằm chấm dứt chiến sự giữa Ukraine và Nga. Việc viện trợ quân sự của phương Tây hiện đóng vai trò sống còn cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Và đặc biệt quan trong trọng thời điểm hiện nay, khi Nga liên tục tập kích đường không, là các hệ thống phòng không. Mới đây một quan chức cấp cao của Ukraine tiết lộ nước này sắp cạn kiệt đạn tên lửa phòng không.

Một quan chức Mỹ cho rằng Nga đang dùng đạn dược sản xuất từ 40 năm trước trong chiến dịch tại Ukraine, do kho đạn dược cạn dần.

Hãng Reuters ngày 13.12 dẫn lời một quan chức cấp cao của quân đội Mỹ cho rằng Nga đang dùng đến số đạn dược được lưu kho suốt nhiều thập niên qua, với tỷ lệ hỏng cao, sau khi dự trữ đạn dược vơi dần trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Quan chức Mỹ đánh giá rằng đến đầu năm 2023, Nga sẽ khó còn đủ đạn để bắn nếu không có nguồn cung ứng nước ngoài hoặc dùng đạn cũ. Nhưng việc dùng đạn dược cũ sẽ có nhiều nguy cơ. Phía Kyiv còn cho rằng Nga đang sử dụng tên lửa cũ, do chính Ukraine sản xuất từ khoảng 30 năm trước, để tấn công nước này.

Liên quan đến diễn biến trên chiến trường, trang tin Defense Express mới đây cho biết Nga đã có những động thái tăng cường tuyến phòng thủ tại các chiến trường trọng yếu tại miền nam Ukraine để chuẩn bị đương đầu với các đợt phản công sắp tới của Ukraine. Theo bản tin này thì nhiều tuyến phòng thủ kèm chướng ngại vật đã được Nga dựng lên. Đặc biệt là các bãi mìn với sức công phá mạnh cũng đã được Nga rải tại nhiều khu vực ở phía nam Ukraine. Các bãi mìn rộng lớn này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò như những vành đai lửa ngăn đà tiến của quân đội Ukraine cũng như bảo vệ các tuyến đường tiếp tế cho lực lượng phòng thủ Nga.

Trong một thông tin khác, tại hội nghị quốc tế do Pháp tổ chức ở Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiết lộ đã đạt được thỏa thuận rút vũ khí hạng nặng khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Hiện các bên đang tiến hành thương thuyết nhằm tìm kiếm phương thức thực thi kế hoạch này. Cũng tại hội nghị này, các đồng minh Ukraine đã cam kết viện trợ hơn 1 tỉ USD trong nỗ lực giúp Kyiv vượt qua mùa đông khó khăn này.

Đài RT ngày 13.12 đưa tin Bộ Quốc phòng Belarus thông báo kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang nước này. Theo đó, Tổng thống Alexander Lukashenko đã chỉ đạo hoạt động tập trận tại Belarus, quốc gia đồng minh của Nga có đường biên giới với Ukraine.

Hoạt động tập trận sẽ mang tính phức tạp và quân đội Belarus sẽ phải di chuyển đến những khu vực được chỉ định trong thời gian nhanh nhất. Các binh sĩ cũng sẽ phải thiết lập các cứ điểm chiến đấu, tổ chức an ninh và phòng thủ, cũng như băng qua các con sông Neman và Berezina.

Chắc chắn động thái này của Belarus sẽ khiến Ukraine phải lo lắng tăng cường theo dõi vùng biên giới phía bắc của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.