Xem nhanh: Ngày 172 chiến dịch quân sự, Ukraine nói hòa đàm là chấp nhận thua Nga

14/08/2022 23:31 GMT+7

Chỉ vài ngày nữa là chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine sẽ bước qua cột mốc tròn nửa năm. Vẫn chưa có chút ánh sáng nào về khả năng đàm phán hòa bình .

Một trợ lý Tổng thống Ukraine hôm 13.8 cho rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga hiện nay đều là "thảm họa của nền văn minh" và chỉ chứng minh Moscow đã thắng.

Tính đến nay, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc ghi nhận hơn 5.400 người thiệt mạng và gần 7.500 người bị thương kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Con số thực tế có thể cao hơn do tình hình chiến sự gây cản trở quá trình xác minh và thống kê. Còn Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn báo cáo có hơn 10,6 triệu lượt người rời Ukraine và hơn 4,5 triệu lượt người từ nước ngoài vào Ukraine trong gần 6 tháng xung đột. Cơ quan này cũng ghi nhận hơn 6,3 triệu người tị nạn Ukraine trên khắp châu Âu.

Chiến dịch quân sự tại Ukraine rõ ràng đang khiến hình ảnh của nước Nga xấu đi nghiêm trọng trong mắt nhiều láng giềng châu Âu. Nhiều nước như Ukraine, Estonia, Latvia, Phần Lan và Cộng hòa Czech đã kêu gọi Liên minh châu Âu giới hạn hoặc ngừng cấp visa Schengen cho công dân Nga để phản đối. Và mới đây nhất, Ba Lan cũng đang cân nhắc giới hạn cấp visa du lịch cho người Nga. Thông tin này vừa được thứ trưởng ngoại giao Piotr Wawrzyk đưa ra hôm nay 14.8, và quyết định sẽ được đưa ra trong vài tuần tới.

Trong khi đó, theo báo The Guardian của Anh thì Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phản đối đề xuất này. Ông nói rằng việc ngừng cấp visa toàn diện cho người Nga là điều “khó tưởng tượng”.

Các ngoại trưởng EU dự kiến sẽ thảo luận biện pháp này tại một cuộc họp không chính thức trong tháng này.

Quan hệ giữa Nga với Mỹ cũng đang rất căng thẳng. Một quan chức ngoại giao Nga cũng đã hé mở khả năng để hai nước có thể bắt đầu hàn gắn quan hệ. Nhưng điều kiện mà ông nêu ra có vẻ là khó để Washington chấp nhận.

Nhà ngoại giao lão làng 99 tuổi Henry Kissinger mới đây đã chia sẻ suy nghĩ về điều mà ông gọi là “trạng thái mất cân bằng nguy hiểm” trên thế giới, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đe dọa rằng binh sĩ Nga nào bắn vào nhà máy điện hạt nhân này, hoặc dùng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia làm nơi trú ẩn, đều sẽ bị xem là “mục tiêu đặc biệt”. Cả Nga và Ukraine đều đang tiếp tục tố cáo lẫn nhau là thủ phạm pháo kích nhà máy Zaporizhzhia.

Kính mời quý vị theo dõi bản tin tổng hợp tình hình giao tranh Nga-Ukraine ngày 14.8.2022 của Báo Thanh Niên để biết thêm chi tiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.