Xem nhanh: Ngày 214 chiến dịch quân sự, Ukraine, châu Âu nói ông Putin không đùa về vũ khí hạt nhân

26/09/2022 23:28 GMT+7

Giới chức Ukraine hôm nay cho biết các máy bay không người lái, tức UAV tự sát của Nga đã tấn công các mục tiêu quân sự ở thành phố cảng miền nam Odessa, gây cháy lớn và nổ kho đạn, nhưng không có thương vong.

Phía Nga trước đó thì tuyên bố đã bắn rơi hai tiêm kích MiG-29 được Ukraine hoán cải để sử dụng tên lửa AGM-88 HARM do Mỹ cung cấp trong giao tranh tại tỉnh Mykolaiv.

Trong khi đó, trong bản tin hôm nay 26.9, tình báo Bộ Quốc phòng Anh cho rằng Nga đối mặt thách thức lớn về hậu cần và tài chính khi huy động khoảng 300.000 quân nhân theo lệnh động viên. Nguồn tin này cho biết khác với phương Tây, quân đội Nga tổ chức các khóa huấn luyện cơ bản cho quân nhân ngay tại đơn vị, thay vì trong cơ sở đào tạo chuyên dụng.

Bộ Quốc phòng Anh nói: "Mỗi lữ đoàn Nga thường chỉ triển khai hai tiểu đoàn ra chiến trường, để lại một tiểu đoàn ở căn cứ để huấn luyện tân binh hoặc nhân sự tăng cường. Tuy nhiên, Nga đã triển khai nhiều tiểu đoàn thứ ba như vậy tới Ukraine".

Điều này sẽ khiến quân đội Nga thiếu hụt lực lượng huấn luyện, hậu quả là nhiều quân nhân mới được gọi nhập ngũ sẽ không được trang bị kỹ năng, kinh nghiệm quân sự cần thiết.

Nga chưa bình luận về nhận định của Bộ Quốc phòng Anh.

Thế giới trong những ngày gần đây lo lắng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21.9 tuyên bố Nga sẽ sử dụng "toàn bộ sức mạnh vũ khí" - tức là bao gồm vũ khí hạt nhân - nếu "toàn vẹn lãnh thổ" bị đe dọa đã khiến phương Tây phải cân nhắc về khả năng đáp trả.

"Toàn vẹn lãnh thổ" mà Tổng thống Nga nhắc tới có thể sắp bao gồm 4 vùng lãnh thổ của Ukraine là Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson, nơi đang tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga.

Trong cuộc họp báo sau khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York (Mỹ) ngày 24.9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng lặp lại cảnh báo này. Trả lời phỏng vấn đài CBS hôm 25.9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói ông tin rằng người đồng cấp Nga Vladimir Putin không "dọa suông" về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ông Zelensky nói rằng: “Ngày hôm qua đó có thể là điều không tưởng, nhưng lúc này nó có khả năng trở thành sự thật".

Cảnh báo của Tổng thống Nga Putin khiến giới chức phương Tây lo ngại về nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ trong xung đột ở Ukraine. Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nói rằng phải xem xét cảnh báo từ ông Putin "một cách nghiêm túc".

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan trong khi đó cảnh báo Washington sẽ đáp trả dứt khoát và khiến Nga chịu những hậu quả "thảm khốc" nếu sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Ông Sullivan không mô tả bản chất của phản ứng mà Mỹ đã trù tính nhưng cho hay Mỹ "đã giải thích chi tiết hơn về việc phản ứng đó chính xác có nghĩa là gì" với riêng Moscow.

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã cáo buộc Nga coi thường trách nhiệm không phổ biến vũ khí hạt nhân khi công khai đưa ra "những lời đe dọa hạt nhân chống lại châu Âu".

Cần lưu ý là Nga đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với khoảng 6.000 đầu đạn hạt nhân và kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khổng lồ.

Tuy nhiên, những tổn thất mà Ukraine đang phải đối mặt hằng ngày không phải hậu quả của vũ khí hạt nhân, đến từ các loại vũ khí quy ước. Trong đó, những đợt tập kích đường không bằng máy bay, tên lửa và UAV đang gây nhiều thiệt hại về con người và vật chất cho Ukraine. Chính vì vậy, ngay từ khi xung đột mới nổ ra vào tháng 2, Ukraine đã nhiều lần kêu gọi giúp đỡ về các loại vũ khí phòng không. Một trong những hệ thống mà Ukraine đặt nhiều hy vọng là hệ thống Vòm sắt lừng danh của Israel. Tuy nhiên, cho đến nay Kyiv vẫn chưa được Israel đồng ý chuyển giao hệ thống này, và tổng thống Zelensky mới đây đã mô tả cảm giác “choáng váng" vì điều này.

Israel đã gửi viện trợ nhân đạo cho Kyiv và bày tỏ sự ủng hộ đối với người dân nước này. Tuy nhiên, Israel đã không tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Nga. Dĩ nhiên, Ukraine không dựa vào Israel về viện trợ quân sự. Không có Israel, Kyiv vẫn nhận được những loại vũ khí phòng không từ nhiều nguồn khác. Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn với đài CBS ngày 25.9, Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine đã nhận tên lửa phòng không NASAMS và cảm ơn Mỹ vì quyết định chuyển giao loại vũ khí này.

NASAMS là viết tắt của Tổ hợp Phòng không Tiên tiến của Na Uy, sử dụng tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM, có tầm bắn khoảng 25-30 km và độ chính xác cao.

Cũng liên quan đến viện trợ quân sự thì từ hồi tháng 6, Đức đã bắt đầu chuyển giao cho Ukraine lựu pháo tự hành PzH 2000, một trong những vũ khí pháo binh mạnh nhất trong biên chế của Berlin. Ngoài ra, Đức cũng cam kết gửi 18 pháo tự hành RCH-155 cho quân đội Kyiv. Tuy nhiên, nhà sản xuất loại vũ khí này cho biết hơn 2 năm nữa lô hàng đầu tiên mới có mặt tại Ukraine.

Sau những tiến bộ của Ukraine trên chiến trường, người dân ở một số nơi đã quay trở lại cuộc sống bình thường. Tại Kharkiv, các gia đình đã bắt đầu trở lại sau khi lực lượng Ukraine giành lại quyền kiểm soát khu vực này.

Còn ở Kyiv, nhiều cư dân vui mừng đợi mua những suất ăn đầu tiên của McDonald's sau một thời gian dài chờ đợi. Với họ, đây là cảm giác hạnh phúc và bình yên. Niềm vui này lại còn đáng thỏa mãn hơn bằng một phép so sánh đơn giản: Ukraine có McDonald’s, Nga thì không.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.