Xem nhanh: Ngày 355 chiến dịch, Nga lại dồn dập tấn công, Ukraine quyết gây tiêu hao

Xem nhanh: Ngày 355 chiến dịch, Nga lại dồn dập tấn công, Ukraine quyết gây tiêu hao

14/02/2023 23:33 GMT+7

Trong bản tin cập nhật tình hình chiến sự, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong 3 ngày qua, các tay súng thuộc công ty quân sự tư nhân Nga Wagner gần như chắc chắn đã giành được thêm một số lợi thế nhỏ xung quanh vùng ngoại ô phía bắc của thị trấn Bakhmut thuộc vùng Donbass, bao gồm cả làng Krasna Hora.

Tuy nhiên, lực lượng phòng thủ của Ukraine vẫn tiếp tục giữ vững vị trí ở trong khu vực và cuộc tiến công chiến thuật của Nga về phía nam thị trấn có thể đạt được rất ít tiến triển, báo cáo mới nhất của tình báo Anh cho biết thêm.

Ở phía bắc, tại Kremina-Svatove thuộc khu vực Luhansk phía đông Ukraine, các lực lượng Nga đang thực hiện “những nỗ lực tấn công liên tục” mặc dù các cuộc tấn công cục bộ vẫn ở quy mô quá nhỏ để đạt được một bước đột phá lớn, theo báo cáo.

Bộ Quốc phòng Anh viết: "Nhìn chung, bức tranh toàn cảnh cho thấy rằng các lực lượng Nga đang được lệnh tiến công trong hầu hết các lĩnh vực, nhưng họ đã không tập trung đủ sức mạnh chiến đấu trên bất kỳ trục nào để đạt được hiệu quả đáng kể".

Hãng tin Reuters dẫn lời Volodymyr Nazarenko, tiểu đoàn phó tiểu đoàn Soboda, phụ trách đơn vị quân đội Ukraine phòng thủ ở Bakhmut, hôm 13.2 cho hay Nga đang pháo kích dữ dội vào thị trấn chiến lược này.

Ông Nazarenko khẳng định Bakhmut “giờ đây là một pháo đài, mọi căn nhà, tuyến phố đều trở thành pháo đài".

Thị trấn Bakhmut (tỉnh Donetsk) là nơi diễn ra giao tranh ác liệt giữa lực lượng Nga và Ukraine nhiều tháng qua, do đây được coi là đầu mối giao thông quan trọng tiếp tế cho lực lượng của Kiev tại vùng Donbass.

Trong bối cảnh này, Tổng thư ký NATO mới đây nhận định rằng Nga đang khởi đầu một cuộc tấn công mới trong bối cảnh cuộc xung đột đang gần cán mốc tròn 1 năm.

Trước sức ép ngày càng tăng từ Nga, lực lượng Ukraine phòng thủ thị trấn Bakhmut đứng trước hai lựa chọn khó khăn là cố thủ đến cùng hay rút quân để bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ phản công.

Nếu chọn cố thủ, Ukraine có thể bào mòn lực lượng Nga trong hình thức giao tranh đô thị, qua đó có thêm thời gian chờ vũ khí hiện đại từ phương Tây được chuyển đến chiến trường.

Bên cạnh đó, tuy giới chỉ huy Ukraine cho rằng Bakhmut không mang nhiều giá trị chiến lược, nhưng việc mất thị trấn này vào tay lực lượng Nga có thể giúp lực lượng Nga xốc lại tinh thần sau nhiều bước lùi lớn.

Hơn nữa, nếu trận chiến bảo vệ Bakhmut gây thương vong lớn cho lực lượng Ukraine thì có thể làm xói mòn niềm tin ở trong nước và quốc tế đối với năng lực quân sự của chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Trong khi đó, hãng tin TASS hôm 14.2 dẫn lời ông Andrey Marochko, trung tá nghỉ hưu của lực lượng ly khai “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” tự xưng, nói rằng đã phát hiện các đơn vị của quân đội Ukraine rời khỏi vị trí chiến đấu gần thị trấn Bakhmut.

Ông Marochko cho biết hành động của binh sĩ Ukraine "có dấu hiệu hỗn loạn, hoảng loạn".

Ở một diễn biến khác, lãnh đạo nước Cộng hòa Chechnya thuộc Nga Ramzan Kadyrov, được xem là một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, mới đây tuyên bố rằng Moscow sẽ đạt được các mục tiêu của mình ở Ukraine từ đây cho đến cuối năm và không cần đàm phán với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Phía Ukraine cũng xuất hiện những phát ngôn rất mạnh mẽ về thắng lợi trước quân Nga. Ông Oleksiy Dmytrashkivskyi, một quan chức của Ukraine, tuyên bố với báo Politico của Mỹ rằng Nga có thể đã mất toàn bộ lữ đoàn lính thủy đánh bộ 155 tinh nhuệ khi tấn công thành phố Vuhledar ở miền đông Ukraine.

Ông Dmytrashkivskyi nói lực lượng Nga mất 150-300 lính thủy đánh bộ mỗi ngày gần Vuhledar. Ông ước tính lữ đoàn nói trên có tổng cộng khoảng 5.000 binh sĩ.

Quan chức này cho biết một "số lượng lớn" quân nhân Nga, trong đó có cả chỉ huy, đã bị "tiêu diệt" gần các thành phố Vuhledar và Mariinka ở tỉnh Donetsk của Ukraine. Ngoài ra, vị quan chức này nói Nga cũng đã mất khoảng 130 đơn vị thiết bị, gồm 36 xe tăng, trong tuần qua,.

Nga chưa lập tức phản hồi về phát biểu của ông Dmytrashkivskyi.

Thưa quý vị, trong ngày hôm nay 14.2, các bộ trưởng quốc phòng từ hơn 50 quốc gia dự kiến sẽ thảo luận về hỗ trợ quân sự cho Kyiv tại hội nghị của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, dẫn đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, diễn ra ở Brussels (Bỉ). Ở lần họp gần đây nhất, nhóm này đã thảo luận về việc cung cấp xe tăng do Đức sản xuất và những chiếc xe tăng đầu tiên trong số này dự kiến đến Ukraine sớm nhất vào cuối tháng 3.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông hy vọng vấn đề máy bay sẽ được thảo luận trong cuộc họp ngày 14.2 tại Brussels, nhưng nhấn mạnh rằng Ukraine đang cần hỗ trợ khẩn cấp cho lực lượng trên bộ.

Ngoài ra, ông Stoltenberg còn nói rằng NATO đã lên kế hoạch tăng mục tiêu dự trữ đạn dược vì Kyiv đang sử dụng đạn nhanh hơn nhiều so với năng lực sản xuất của phương Tây. Ông Stoltenberg cho biết các đối tác của NATO cần đẩy mạnh sản xuất và đầu tư vào năng lực sản xuất.

Nga đã nhiều lần cảnh báo việc NATO viện trợ vũ khí cho Ukraine có nguy cơ dẫn đến can thiệp trực tiếp vào xung đột, khiến cuộc xung đột kéo dài mà vẫn không thay đổi kết quả.

Liên quan đến căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và NATO, mới đây xuất hiện thông tin 2 tiêm kích F-35 của Hà Lan đã xuất kích ngăn chặn 3 máy bay quân sự Nga tại không phận Ba Lan.

Ukraine trong thời gian qua nhiều lần nhắc lại đề nghị Mỹ cung cấp các tổ hợp tên lửa chiến thuật (ATACMS) có tầm bắn lên tới 300 km. Tuy nhiên, đến nay chính quyền Mỹ vẫn không chấp nhận đề nghị này.

Theo báo Politico của Mỹ, lý do cho quyết định từ chối của Washington là lo ngại Mỹ sẽ không có đủ vũ khí tấn công tầm xa trong kho vũ khí của mình.

Một số quan chức tiết lộ trong những cuộc họp gần đây rằng giới chức quân đội Mỹ thừa nhận việc chuyển giao các tên lửa tầm xa sẽ làm giảm kho dự trữ của Mỹ, qua đó gây tổn hại đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của nước này cho các cuộc xung đột trong tương lai.

Chuyển sang một thông tin khác thì mới đây, tình báo Nga đã cáo buộc Mỹ đang chuẩn bị các tay súng Hồi giáo để tấn công các mục tiêu ở Nga.

Trong bối cảnh xung đột đang diễn ra căng thẳng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo nhà ngoại giao hàng đầu của nước này sẽ có chuyến thăm Nga.

Theo đài CNN, ông Vương Nghị sẽ đến thăm Nga trong chuyến công du quốc tế kéo dài 8 ngày.

Ông Vương cũng sẽ đến thăm Pháp, Ý, Hungary và phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần tới. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng có thể tham dự hội nghị này.

Thưa quý vị, khi cuộc xung đột tiến dần đến cột mốc 1 năm, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 12.2 khẳng định đối với liên minh quân sự này thì “cuộc xung đột đã không nổ ra vào tháng 2.2022 mà đã bắt đầu từ năm 2014".

Ông cho biết từ năm 2014, NATO đã “tiến hành những bước củng cố lớn nhất về phòng thủ tập thể, kích hoạt việc thích ứng của liên minh với tình trạng sẵn sàng cao nhất của lực lượng vũ trang, với sự hiện diện lớn hơn của NATO ở sườn phía đông, với nhiều hoạt động huấn luyện hơn".

Vậy thì điều gì đã xảy ra vào năm 2014? Chúng ta đều biết, đó là việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Cũng chính từ năm này, Ukraine đã dành nhiều năm để xây dựng quân đội để có thể đương cự chiến dịch quy mô lớn của nước láng giềng.

Theo Reuters, Đại sứ quán Mỹ tại Moscow ngày 13.2 đã yêu cầu công dân nước này rời khỏi Nga ngay lập tức do xung đột ở Ukraine và nguy cơ bị các cơ quan thực thi pháp luật Nga bắt giữ hoặc gây khó dễ.

Cũng trong hôm 13.2, Pháp đã khuyến cáo công dân nước này không nên đến Belarus vì "cuộc tấn công mới mà Nga phát động ở Ukraine".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.