Quân đội Ukraine ngày 14.2 cho biết lực lượng nước này đã đẩy lùi những đợt tấn công ở 5 khu vực thuộc Luhansk và 6 vùng của Donetsk, bao gồm Bakhmut, trong vòng 24 giờ qua. Thành phố Bakhmut, mục tiêu chính của quân Nga ở Donetsk, đang trong tình thế nguy hiểm.
Còn Bộ Quốc phòng Nga hôm nay tuyên bố lực lượng thuộc Quân khu Trung tâm đã xuyên thủng hai lớp phòng tuyến của Ukraine trong một khu rừng tại tỉnh Luhansk. Phía Nga nói lực lượng Ukraine đã phải rút lui khoảng 3 km so với phòng tuyến đầu tiên, nhưng không tiết lộ vị trí giao tranh cụ thể.
Giới chức Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Hỏa lực Nga cũng được ghi nhận ở Kherson, Kharkiv, Sumy, Mykolaiv, Chernihiv, Zaporizhzhia ở phía nam và phía bắc Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 14.2 cho biết tình hình ở tiền tuyến cực kỳ khó khăn, đặc biệt tại miền đông, nơi Nga đang đẩy mạnh các cuộc tấn công.
Ông Zelensky mô tả giao tranh ở miền đông "thật sự là cuộc chiến giành giật từng mét đất".
Nga hiện tập trung phần lớn hỏa lực pháo binh vào Bakhmut, thành phố ở tỉnh Donetsk và là điểm nóng giao tranh khốc liệt nhất trong nhiều tháng qua. Quân đội Ukraine tại Bakhmut đã củng cố các vị trí phòng ngự, sẵn sàng giành giật từng con đường khi lực lượng Nga áp sát.
Việc kiểm soát Bakhmut sẽ tạo bàn đạp để Nga tiến vào hai thành phố lớn hơn của Donetsk là Kramatorsk và Sloviansk, đồng thời giúp lực lượng Moscow lấy lại nhuệ khi trước cột mốc 1 năm chiến dịch quân sự.
Các bộ trưởng quốc phòng NATO đã gặp nhau tại Brussels hôm 14.2 để thảo luận về chiến sự và kho dự trữ. Trong bài phát biểu tối qua, ông Zelensky cho rằng Nga đang tìm cách đạt được nhiều bước tiến nhất có thể, trước khi Ukraine tiếp nhận các loại vũ khí hạng nặng hiện đại của phương Tây.
Một trong những mối lo lớn của Ukraine và các đồng minh phương Tây là không có đủ đạn pháo để đáp ứng yêu cầu của chiến sự.
Kể từ khi chiến sự bùng phát cuối tháng 2.2022, Ukraine và Nga đã sử dụng lượng đạn pháo khổng lồ. Một quan chức Mỹ cuối tháng 11.2022 ước tính Nga bắn khoảng 20.000 viên đạn pháo mỗi ngày. Ukraine mỗi ngày chỉ bắn từ 4.000-7.000 viên, thấp hơn nhiều so với Nga nhưng vẫn vượt quá khả năng sản xuất của các công ty vũ khí phương Tây.
Trong một thông cáo ngày 14.2, lục quân Mỹ thông báo đã đặt hàng lượng đạn pháo 155 mm trị giá 522 triệu USD để viện trợ Ukraine.
Đơn đặt hàng được chuyển tới hai công ty vũ khí Northrop Grumman Systems và Global Military Products, trong bối cảnh nhiều quan chức Mỹ và NATO lo ngại tốc độ bắn của Ukraine đang nhanh chóng làm cạn kiệt kho đạn pháo dự trữ từ các đồng minh. Đợt giao hàng dự kiến bắt đầu từ tháng 3 năm nay, nguồn tiền đến từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine của Lầu Năm Góc.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 13.2 thừa nhận tình hình tiêu thụ đạn pháo của Ukraine đang đặt ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây vào “tình trạng căng thẳng".
Khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đang dần tiến tới cột mốc 1 năm, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley cho rằng Moscow "đã thua về mặt chiến lược, tác chiến và chiến thuật".
Phát biểu tại hội nghị Nhóm Liên lạc quốc phòng Ukraine ở Bỉ vào ngày 14.2, Tướng Milley nói: "Tổng thống Nga Vladimir Putin nghĩ rằng ông ấy có thể đánh bại Ukraine nhanh chóng, phá vỡ liên minh NATO và hành động mà không bị trừng phạt. Ông ấy đã sai".
Tướng Milley, sĩ quan cấp cao nhất trong quân đội Mỹ, chỉ ra rằng sau gần một năm chiến sự, Ukraine vẫn là quốc gia độc lập, NATO đang phát triển lớn mạnh hơn, trong khi Nga gánh chịu hàng loạt lệnh cấm vận chưa từng có và bị cô lập.
Ông Milley cũng khẳng định các đồng minh phương Tây sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine những khí tài, năng lực cần thiết để tự vệ cho đến khi Tổng thống Putin chấm dứt chiến dịch quân sự ở nước này.
Cũng trong ngày 14.2, Điện Kremlin cáo buộc NATO thể hiện sự thù địch đối với Nga mỗi ngày và ngày càng dính líu sâu hơn vào xung đột tại Ukraine.
Moscow trước nay cáo buộc rằng vũ khí của NATO cung cấp cho Kyiv khiến chiến sự kéo dài và làm gia tăng khả năng leo thang hơn nữa. Trong khi đó, Ukraine và phương Tây cho rằng việc cung cấp vũ khí hiện đại là trọng yếu giúp Ukraine phòng thủ.
Tuy nhiên, tờ The Washington Post mới đây dẫn lời một số quan chức Mỹ đưa ra một thông tin khá cấp bách: Kyiv đang đối diện thời khắc then chốt để thay đổi quỹ đạo cuộc chiến, và những gói viện trợ gần đây của Mỹ là cơ hội tốt nhất cho Kyiv thay đổi mang tính quyết định đối với cục diện cuộc chiến.
Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby hôm 14.2 cho biết lực lượng Nga đã đạt được bước tiến trong cuộc tấn công vào Bahkmut. Tình báo Anh nhận định các tay súng thuộc lực lượng tư nhân Wagner tiên phong trong cuộc tấn công của Nga vào Bakhmut đã chiếm được một số mục tiêu ở vùng ngoại ô phía bắc thành phố trong vài ngày qua.
Tuy nhiên ông Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo lực lượng Wagner cho rằng giao tranh tại Bakhmut còn lâu mới kết thúc. Ông Prigozhin thừa nhận lực lượng phòng thủ Ukraine vẫn kháng cự quyết liệt và “ngày càng chủ động hơn".
Theo lời người lãnh đạo Wagner, mỗi ngày “Ukraine đưa khoảng 300-500 quân tiếp viện tới Bakhmut từ mọi hướng" và hỏa lực pháo binh Ukraine cũng tăng cường theo thời gian.
Ông Denis Pushilin, lãnh đạo vùng Donetsk do Điện Kremlin bổ nhiệm, hôm 14.2 cũng xác nhận chưa thấy dấu hiệu Ukraine sẽ từ bỏ thành phố mà Tổng thống Volodymyr Zelensky mô tả là "pháo đài".
Dù vậy, cũng có những khu vực khác trên chiến tuyến miền đông mà lực lượng phòng thủ Ukraine chưa phải chịu quá nhiều sức ép, vẫn còn thời gian để kể về ngày lễ Valentine 14.2.
Báo Wall Street Journal ngày 14.2 đưa tin, quân đội Mỹ có lẽ đang xem xét gửi cho Ukraine một lượng vũ khí rất lớn mà Mỹ đã chặn bắt được trên đường vận chuyển tới cho lực lượng thân Iran ở Yemen.
Theo nguồn tin này, số vũ khí này bao gồm 5.000 khẩu súng trường tấn công, 1,6 triệu viên đạn cỡ nhỏ, tên lửa chống tăng và hơn 7.000 ngòi nổ. Đây là các vũ khí bị tịch thu được trong những tháng gần đây ngoài khơi bờ biển Yemen từ những nhóm bị nghi làm việc cho Iran.
Dĩ nhiên Ukraine sẽ chào đón mọi hỗ trợ vũ khí để củng cố sức mạnh. Nhưng như quý vị đã biết, trong thời gian qua yêu cầu mà Ukraine liên tục nêu ra cho các đồng minh phương Tây là các loại vũ khí có tầm tấn công xa hơn. Lầu Năm Góc đầu tháng này đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 2,175 tỉ USD cho Ukraine, trong đó, Mỹ sẽ lần đầu tiên cung cấp loại Bom đường kính nhỏ phóng từ trên bộ (GLSDB) với tầm hoạt động 150 km cho Ukraine, theo Reuters.
Trong một cuộc họp với các thẩm phán Nga ngày 142, Tổng thống Vladimir Putin nói nước này hiện đang chịu áp lực từ vô số lệnh cấm vận do các quốc gia không thân thiện áp đặt. Tuy nhiên, ông Putin nhấn mạnh Nga đang tỉnh táo đối phó với những biện pháp này một cách hiệu quả.
Tháng 9 năm ngoái, Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) Mikhail Ulyanov cho biết các quốc gia phương Tây đã áp tổng cộng 11.000 lệnh cấm vận khác nhau lên Nga này. Đến thời điểm hiện tại con số này có thể đã tăng thêm, biến Nga trở thành quốc gia bị cấm vận nhiều nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, các chỉ số về nền kinh tế Nga trong thời gian qua cho thấy nước này dường như đã tìm được cách đối phó với lệnh trừng phạt.
Ví dụ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng GDP dự kiến của Nga sẽ là 0,3% trong năm nay, là chỉ số tốt hơn nhiều so với ước tính trước đó là giảm đến 2,3%.
Bình luận (0)