Phát biểu trên kênh Telegram của quân đội Ukraine, Thượng tướng Oleksandr Syrskyi, tư lệnh lục quân Ukraine, nói các đợt tấn công của lực lượng Wagner của Nga ở Bakhmut đã bị đẩy lui.
Ông cho biết tình hình quanh Bakhmut vẫn rất khó khăn khi các tay súng Wagner tiến từ nhiều hướng, cố gắng bẻ gãy tuyến phòng thủ để tiến vào các quận trung tâm dù phải chịu tổn thất lớn.
Hiện các tay súng thuộc tập đoàn an ninh tư nhân Nga Wagner đang là lực lượng chủ công bên phía Nga tại điểm nóng này. Người sáng lập Wagner, ông Yevgeny Prigozhin, thông báo trên Telegram hôm 12.3 rằng giao tranh ở Bakhmut rất khốc liệt khi quân đội Ukraine tiếp tục tung nguồn chi viện lớn vào đây, sử dụng pháo binh, xe tăng để đối phó với lực lượng của ông.
Bộ Quốc phòng Anh đánh giá chiến sự đang diễn ra dữ dội nhất ở khu vực trung tâm Bakhmut, nơi có chiến tuyến là sông Bakhmutka cắt ngang thành phố. Nơi đây đã trở thành một "vùng đất chết". Theo báo cáo của tình báo quốc phòng Anh thì "lực lượng Ukraine đang cố thủ ở nửa tây Bakhmut và đã phá hủy các cây cầu vượt sông Bakhmutka. Các tay súng bắn tỉa của họ có thể khai hỏa từ những tòa nhà kiên cố cạnh đó, khiến khu vực trống trải rộng 200-800 m ở hai bờ sông trở thành 'vùng chết', gây khó khăn cho các đơn vị Wagner".
Báo The Guardian dẫn một báo cáo từ Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) của Mỹ cho rằng mâu thuẫn đang gia tăng giữa Bộ Quốc phòng Nga và ông Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo nhóm Wagner hiện đang tiên phong trong lực lượng Nga tấn công thành phố Bakhmut.
Theo báo cáo này, Bộ Quốc phòng Nga hiện đang ưu tiên loại lực lượng Wagner ra khỏi vùng giao tranh Bakhmut.
ISW cho biết mâu thuẫn bắt đầu khi ông Prigozhin liên tục chỉ trích các quan chức cấp cao trong quân đội Nga, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Nga Valery Gerasimov.
Theo ISW, hiện nay nhóm lính đánh thuê Wagner không đạt được nhiều bước tiến trên chiến trường và quan chức Bộ Quốc phòng Nga đang tận dụng cơ hội này để tìm cách dập tắt tham vọng tranh giành sức ảnh hưởng của ông Prigozhin ở Điện Kremlin.
ISW nói Tổng thống Vladimir Putin có thể đã lo lắng trước tham vọng chính trị của lãnh đạo Wagner vào tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, "Tổng thống Putin có khả năng đã ngăn Bộ Quốc phòng Nga tấn công trực tiếp ông Prigozhin, mà thay vào đó tạo ra các điều kiện để giới lãnh đạo quân đội Nga có thể nắm lại nhiều quyền lực hơn. Những điều kiện như vậy có thể khiến ông Prigozhin cảm thấy bị đe dọa và bắt đầu tăng cường chỉ trích Bộ Quốc phòng Nga, làm cho mâu thuẫn giữa Wagner và giới lãnh đạo quân sự ngày càng sâu sắc hơn".
Phía lãnh đạo lực lượng Wagner và giới chức Nga chưa có bình luận gì về báo cáo của ISW.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba mới đây cho biết Kyiv sẽ không sớm được cung cấp máy bay do phương Tây sản xuất.
Giới chức Nga hôm nay thông báo lực lượng phòng không nước này đã đánh chặn 4 rocket trên vùng trời tỉnh Belgorod giáp biên giới Ukraine.
Tỉnh trưởng Belgorod, ông Vyacheslav Gladkov, nói một người bị thương đã được đi cấp cứu và đang trong tình trạng ổn định, và mảnh vỡ rocket cũng làm hư hại hai căn nhà.
Ông Gladkov không cho biết rocket do ai bắn ra, nhưng giới chức Nga từng nhiều lần cáo buộc Ukraine tập kích các tỉnh giáp biên giới như Belgorod, Kursk và Bryansk.
Ukraine chưa bình luận về thông tin này. Kyiv thường không công khai nhận trách nhiệm về các vụ tập kích lãnh thổ Nga.
Trong một thông tin khác, quân đội Thụy Sĩ mới đây đã tiêu hủy 60 hệ thống tên lửa đất đối không tầm ngắn Rapier và khoảng 2.000 tên lửa phòng không cũ. Số vũ khí này đã được loại biên từ năm ngoái.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Thụy Sĩ từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine. Việc tiêu hủy vấp phải chỉ trích của một số chính trị gia Thụy Sĩ vì họ cho rằng thay vì tiêu hủy, nước này vẫn có thể tái xuất hợp pháp sang Ukraine.
Theo một nghị quyết năm 2006 của chính phủ Thụy Sĩ, vũ khí, khí tài bị loại biên có thể thanh lý cho quốc gia sản xuất. Do đó, Thụy Sĩ được phép tái xuất Rapier cho Anh, và sau đó London có thể cung cấp cho Kyiv.
Tuy nhiên, chính phủ Thụy Sĩ cuối tuần trước khẳng định sẽ tiếp tục tuân thủ quy định cấm tái xuất vũ khí sang những nước đang có xung đột.
Đối với Ukraine, đây có lẽ là một điều đáng tiếc. Vì dù đã cũ, các hệ thống Rapier vẫn có thể chống lại các mục tiêu tầm thấp như máy bay không người lái. Các hệ thống nâng cấp thậm chí còn có thể đối phó máy bay trực thăng hoặc máy bay chiến đấu.
Kể từ tháng 10 năm ngoái Nga đã bắt đầu tiến hành các đợt tập kích đường không ồ ạt vào cơ sở hạ tầng ở Ukraine. Qua thời gian, lực lượng phòng không Ukraine ngày càng tiến bộ trong năng lực đánh chặn, và giới quan sát nhận định Nga dường như cũng đang thay đổi, áp dụng chiến lược mới trong các cuộc tấn công tên lửa gần đây.
Việc truyền thông Mỹ và Đức dẫn nguồn tin giấu tên trong giới tình báo và ngoại giao phương Tây cho hay cơ quan điều tra đã phát hiện dấu hiệu cho thấy một nhóm ủng hộ Ukraine đã dùng thuốc nổ tấn công đường ống Nord Stream hồi tháng 9.2022.
Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev hôm 12.3 tỏ ra nghi ngờ thông tin này.
Ông bình luận: "Kyiv không mất gì hay được gì từ việc phá hoại Nord Stream. Hơn nữa, chính quyền Ukraine đang mong Đức tăng cường hỗ trợ quân sự và các viện trợ khác, cho nên không cần phải tiến hành hoạt động như vậy".
Ông Patrushev cho rằng thông tin "nhóm thân Ukraine phá hoại đường ống" đã được "nhồi cho truyền thông" nhằm che giấu "thủ phạm thực sự". Ông tin rằng chỉ có các lực lượng đặc nhiệm như của Mỹ và Anh mới đủ khả năng tiến hành những vụ phá hoại như vậy.
Ông Patrushev cũng cho biết Nga chưa biết chắc chắn ai đứng sau vụ tấn công, vì Moscow chưa được tham gia cuộc điều tra vụ nổ.
Cũng liên quan đến các động thái trên biển, thì giới quan chức quân đội Mỹ và một số chuyên gia đầu tháng này dự đoán rằng yếu tố hải quân sẽ giảm mạnh vai trò trong xung đột giữa Nga và Ukraine trong năm nay.
Báo Anh The Guardian hôm nay dẫn báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết Ukraine đã trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ 3 vào năm 2022.
Viện này cho biết Ukraine là nước nhập khẩu lớn thứ 14 trong giai đoạn 2018-2022. Năm nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất trong cùng giai đoạn là Ấn Độ, Ả Rập Xê Út, Qatar, Úc và Trung Quốc.
Chỉ riêng Ukraine đã chiếm 2% lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 5 năm từ 2018-2022.
Trong khi đó, xuất khẩu vũ khí của Nga thì lại giảm do vũ khí và thiết bị được chuyển hướng đến để hỗ trợ cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong một thông tin khác, hãng tin Reuters hôm nay dẫn các nguồn tin cho hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự định sẽ thăm Nga và gặp Tổng thống Vladimir Putin vào tuần tới, sớm hơn thời điểm truyền thông dự báo trước đó.
Thông tin về kế hoạch thăm Nga rộ lên trong bối cảnh Trung Quốc cho biết đang đề xuất làm trung gian nhằm đạt hòa bình tại Ukraine.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa phản hồi đề nghị bình luận về thông tin ông Tập có thể đến Moscow, trong khi Điện Kremlin từ chối bình luận.
Trước đó vào ngày 30.12, hãng TASS đưa tin Tổng thống Putin đã mời Chủ tịch Tập đến thăm vào mùa xuân.
Bình luận (0)