Xem nhanh: Ngày 396 chiến dịch, Ukraine nói Bakhmut 'cần thiết về quân sự', Nga xác nhận mất tàu đổ bộ

Xem nhanh: Ngày 396 chiến dịch, Ukraine nói Bakhmut 'cần thiết về quân sự', Nga xác nhận mất tàu đổ bộ

Thanh Niên
La Vi: Kịch bản Thanh Nguyên: Dựng phim - Thumbnail Thanh Hải: Quay phim Cẩm Tú: Dẫn chương trình
27/03/2023 23:34 GMT+7

Tại thành phố Avdiivka, nơi sức ép chiến sự đang nóng dần lên đến mức được ví như “Bakhmut thứ hai", giới chức Ukraine đang tổ chức sơ tán dân cư và nhân viên chính quyền địa phương.

Người đứng đầu chính quyền quân sự do Ukraine bổ nhiệm tại đây, ông Vitaliy Barabash, kêu gọi mọi người rời đi ngay, và mạng di động sẽ sớm bị cắt vì theo lời ông, "có nhiều kẻ chỉ điểm của Nga".

Giới chức Avdiivka cho biết sau các đợt không kích, pháo kích liên tục của lực lượng Nga, chỉ còn khoảng 2.000 dân thường bám trụ lại Avdiivka.

Trước chiến sự, có 30.000 người sinh sống tại Adiivka, đô thị lớn của tỉnh Donetsk ở miền đông Ukraine. Thành phố chỉ cách chiến tuyến vài km và đang là một trong những mục tiêu tấn công của quân đội Nga trong khu vực.

Còn tại Bakhmut, giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra dữ dội. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho biết việc tiếp tục giao tranh ở Bakhmut và Avdiivka đã trở nên “không chỉ vô nghĩa mà còn thực sự gây tổn hại cho sự chuẩn bị của Nga cho giai đoạn tiếp theo trong tuần này”.

ISW cho biết vì tổn thất nhân lực và thiết bị, các lực lượng Nga sẽ không đạt được bất kỳ lợi thế hoạt động nào từ việc chiếm Bakhmut và Avdiivka.

Trong khi đó, phía Ukraine cho rằng cố thủ Bakhmut là hoạt động cần thiết về mặt quân sự đối với Kyiv.

Ông Serhii Cherevatyi, phát ngôn viên Bộ chỉ huy miền Đông của Ukraine, ngày 26.3 lặp lại nhận định "tình hình Bakhmut ổn định". Ông giải thích điều này có nghĩa lực lượng Ukraine "giám sát, kiềm chế hướng hành động và kế hoạch của đối phương".

Ông cũng cho biết giới lãnh đạo Ukraine “biết mình đủ lực lượng và phương tiện cần thiết để giữ phòng tuyến, cũng như biết lực lượng dự bị ở đâu và có thể điều động thế nào". Ông cũng nói rằng các lực lượng Ukrane "biết cách có thể tấn công khiến quân Nga thiệt hại tối đa, suy yếu và mất năng lực tiến công".

Giới lãnh đạo Ukraine trong vài ngày gần đây tuyên bố đang ổn định tình hình Bakhmut, đồng thời khẳng định lực lượng nước này "đang cầm cự và sẽ giành chiến thắng” nhờ sự giúp đỡ của đồng minh phương Tây.

Trong khi đó, ISW nhận định Nga đang giành lợi thế trong và ngoài Bakhmut.

Cũng theo ISW, ngay cả khi Ukraine có một loạt cuộc phản công thành công thì cũng không đủ để buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin ngồi vào bàn đàm phán.

ISW nhận định: "... Ông Putin vẫn tập trung vào việc đạt được các mục tiêu chiến tranh ban đầu của mình thông qua cuộc xung đột kéo dài, trong đó ông giành chiến thắng bằng cách áp đặt ý chí của mình lên Ukraine bằng vũ lực hoặc bằng cách phá vỡ ý chí của Ukraine sau khi phương Tây từ bỏ".

Phía Nga chưa bình luận về nhận định vừa rồi của ISW.

Ở một diễn biến khác, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây đưa ra một phát biểu với hàm ý Ukraine có thể sẽ cần đến đàm phán ngoại giao để kết thúc xung đột.

Tổng thống Putin vào cuối tuần trước đã bất ngờ công bố kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân Belarus, đất nước có đường biên giới với Ukraine.

Ông Putin cho biết Nga đã triển khai 10 máy bay có khả năng mang loại vũ khí này ở quốc gia láng giềng và đã chuyển giao cho Belarus một số tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Theo The Guardian, Ukraine đã cáo buộc Nga gây bất ổn cho Belarus và biến nước láng giềng thành con tin hạt nhân.

Ông Oleksiy Danilov, người đứng đầu hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine, đã gọi thỏa thuận này là “một bước tiến tới sự bất ổn nội bộ” của Belarus.

Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng tuyên bố trên không đồng nghĩa Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để tạo bước ngoặt trên chiến trường Ukraine. Họ cho rằng Nga đang tìm cách khoét sâu nỗi lo sợ leo thang hạt nhân của phương Tây, từ đó phát thông điệp răn đe tới Mỹ và các nước châu Âu.

ISW nhận định "Nga từ lâu đã sở hữu vũ khí hạt nhân đủ khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào mà đầu đạn hạt nhân chiến thuật đặt tại Belarus có thể nhắm tới". Vì vậy, việc đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus không tạo thêm bất cứ lợi thế nào cho Nga. Bên cạnh đó, theo ISW, Tổng thống Putin "đã nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng chưa bao giờ có ý định hành động".

Khối liên minh quân sự NATO cũng lên tiếng chỉ trích quyết định của tổng thống Nga.

Thông tấn xã Tass ngày 27.3 dẫn lời ông Vladimir Rogov, quan chức thân Nga ở vùng Zaporizhzhia, nói Ukraine dường như tiếp tục tập hợp lực lượng theo hướng Zaporizhzhia. Ông nói Ukraine đang triển khai 75.000 quân tới khu vực này, dù phải chịu tổn thất lớn trong nỗ lực tấn công vào tuần trước.

Ông Rogov nói với TASS rằng “giới chức Ukraine đã thay đổi tình trạng của thành phố Zaporizhzhia từ khu vực có thể tiến hành hoạt động chiến đấu sang khu vực đang xảy ra hoạt động chiến đấu. Điều đó có nghĩa là họ dường như không chờ Nga tấn công tới mà họ sẽ chủ động tiến công trước".

Ông Rogov nói phía Ukraine hôm 23.3 đã tổ chức tấn công vào khu vực Zaporizhzhia mà Nga đang kiểm soát, nhưng đã phải chịu tổn thất lớn và rút lui.

Phía Ukraine chưa có bình luận về thông tin vừa rồi.

Chuyển sang một thông tin khác thì như quý vị đã biết Wagner là lực lượng đang đóng vai trò xung kích trong cuộc tấn công của Nga ở thành phố Bakhmut. Nhà lãnh đạo công ty quân sự tư nhân này mới đây tiết lộ hơn 5.000 tù nhân đã được trả tự do sau khi kết thúc hợp đồng đánh thuê ở chiến trường Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga thông báo phòng không nước này hôm 26.3 đã bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) Ukraine tấn công thị trấn Kireyevsk, tỉnh Tula, cách Moscow 220 km về phía nam.

Theo thông tấn xã TASS, chiếc UAV khi rơi xuống gây ra một vụ nổ làm ba người bị thương và một số tòa nhà chung cư bị hư hại ở trung tâm thị trấn Kireyevsk, của Nga dẫn lời đại diện cơ quan phản ứng khẩn cấp địa phương cho biết.

Bộ Quốc phòng Nga nói UAV thực hiện cuộc tấn công là mẫu Strizh Tu-141 của Ukraine. Một đơn vị tác chiến điện tử của Nga đã kích hoạt đối phó, kết quả là hệ thống định vị của UAV Ukraine đã ngừng hoạt động khiến thiết bị này bị rơi.

Ukraine chưa bình luận về thông tin Nga đưa ra.

Cũng liên quan đến hoạt động phá hoại nhắm vào Nga, hãng TASS đưa tin đã có âm mưu ám sát nhắm vào cảnh sát trưởng ở Mariupol vào sáng 27.3. Vị quan chức này đã may mắn sống sót.

Các tuyên bố đã không được xác minh độc lập.

Ở một diễn biến khác thì Nga mới đây dường như đã thừa nhận một tàu đổ bộ của mình đã bị đánh chìm trong một vụ tập kích tên lửa bất ngờ của Ukraine xảy ra đúng một năm trước đây. Tổng tư lệnh quân đội Ukraine sau đó cũng đăng một video nhắc đến sự kiện mà ông cho là đã đập tan “huyền thoại về sự bất khả chiến bại của hạm đội Nga”.

Theo hãng thông tấn TASS hôm 27.3, Nga có kế hoạch hoàn thiện cơ sở hạ tầng ven biển để làm căn cứ các tàu ngầm hạt nhân ở Thái Bình Dương.

Hồi tháng 1, Moscow cho biết họ đã sản xuất 4 ngư lôi Poseidon đầu tiên.

Có rất ít thông tin công khai về Poseidon, nhưng về cơ bản loại vũ khí này là sự kết hợp giữa ngư lôi truyền thống và thiết bị không người lái dưới nước có thể phóng từ tàu ngầm hạt nhân, theo Reuters. TASS cho biết Poseidon được thiết kế để triển khai trên các tàu ngầm hạt nhân Belgorod và Khabarovsk của Nga. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.