Quan chức này là ông Vladimir Rogov hôm 2.7 nói: "Đối phương đã sẵn sàng cho giai đoạn 2 của một cuộc tấn công toàn diện. Nó có thể bắt đầu bất cứ ngày nào, bất cứ lúc nào. Đối phương hiện đang cố gắng gây rối thông tin tình báo của chúng tôi, vì vậy dọc theo toàn bộ đường liên lạc trên mặt trận Zaporizhzhia, họ liên tục điều động và chuyển quân. Điều này được thực hiện để che giấu vị trí của các lực lượng chính".
Ông nói rằng lực lượng Ukraine có thể tập trung sức mạnh để đột phá tại bất kỳ vị trí nào của chiến tuyến.
Ông Rogov cũng cho biết trong 4 tuần qua, phía Ukraine nỗ lực tối đa hoạt động trinh sát trong chiến đấu, nghiên cứu các phương án tấn công, đột phá, nghiên cứu phản ứng và tương tác giữa các đơn vị Nga để chuẩn bị phản công. Song song đó, Ukraine còn pháo kích thường xuyên vào hậu phương của Nga nhằm đánh vào các cơ sở hạ tầng như cầu, đầu mối giao thông, các đơn vị, kho chứa thiết bị và đạn dược, sân bay.
Ukraine chưa bình luận về thông tin trên, nhưng cho biết lực lượng nước này đang dần tiến lên ở gần Bakhmut.
Đài CNN ngày 2.7 đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến Odessa, thành phố ở tây nam nước này bên bờ biển Đen. Nhà lãnh đạo cho biết ông đã nghe báo cáo từ Tư lệnh Hải quân Ukraine Oleksiy Neizhpapa, và Tư lệnh Chiến dịch Lực lượng Hỗn hợp Odessa Eduard Moskaliov.
Báo cáo này đề cập tình hình ở biển Đen, khả năng phòng thủ của Hải quân Ukraine và các chiến lược phát triển của họ cho cả trong chiến sự và khi chiến sự kết thúc.
Ông Zelensky cảnh báo Nga "sẽ phải sợ hãi khi tiếp cận Crimea và bờ biển Azov của chúng ta, cũng như các tàu Nga đã sợ hãi khi tiếp cận bờ biển biển Đen của chúng ta".
Theo trang The Kyiv Independent dẫn ước tính của hải quân Ukraine, Nga hiện có 9 tàu chiến ở biển Đen, trong đó có 4 tàu trang bị tên lửa hành trình Kalibr với số lượng lên đến 24 tên lửa. Tại biển Azov, Nga duy trì một tàu chiến.
Trở lại với tình hình tại các mặt trận trên bộ, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar hôm 2.7 tiếp tục khẳng định nước này đang ngày càng đạt được thêm nhiều bước tiến ở cả phía đông và phía nam, và đã giành lại 37,4 km2 lãnh thổ.
Tuy nhiên, bà Maliar cũng xác nhận "Giao tranh ác liệt đang diễn ra khắp mọi nơi" và "tình tình rất phức tạp".
Bà Maliar mô tả lực lượng Ukraine phải đối mặt với "sức kháng cự dữ dội của đối phương" ở miền nam nên chỉ có thể "tiến lên từ từ". Tuy nhiên, vị thứ trưởng khẳng định lực lượng Ukraine "đang rất kiên trì và không ngừng nỗ lực để tiến công nhanh nhất có thể".
Theo đài CNN, mọi ánh mắt sẽ đổ dồn vào ông Vladimir Putin trong tuần này, khi tổng thống Nga dự kiến sẽ xuất hiện lần đầu tiên trên trường quốc tế kể từ khi cuộc nổi dậy bất thành của nhóm quân sự tư nhân Wagner gây rúng động nước Nga.
Ông Putin dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào ngày 4.7. SCO là nhóm an ninh khu vực do Bắc Kinh và Moscow dẫn đầu.
Hội nghị sẽ có sự góp mặt của Tổng thống Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cũng như đại diện từ các quốc gia châu Á bao gồm Pakistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.
Theo các chuyên gia, ông Putin sẽ sử dụng diễn đàn này để thể hiện hình ảnh quyền lực và trấn an các đối tác của Moscow, hay nói rộng ra là cả thế giới.
Trong những dư âm của cuộc nổi loạn bất thành gần đây của nhóm quân sự tư nhân Wagner tại Nga, đã xuất hiện thêm nhiều chỉ trích nhắm vào người lãnh đạo nhóm này là ông Yevgheni Prigozhin.
Hãng thông tấn Nga RIA Novosti hôm 2.7 dẫn lời lãnh đạo tập đoàn truyền thông Rossiya Segodnya Dmitry Kiselev cáo buộc ông Prigozhin đã hành xử sai sau khi nhận hơn 858 tỉ rúp (tức khoảng 9,7 tỉ USD) từ ngân sách Nga.
Ông Kiselev nói ông Prigozhin đã “hành xử sai lầm vì nhận được số tiền lớn. Ông ta nghĩ mình có thể thách thức Bộ Quốc phòng và chính phủ Nga". Ông cho rằng các hoạt động của Wagner ở Syria và châu Phi đã khiến ông Prigozhin ảo tưởng rằng mình có thể hành động tùy tiện mà không bị trừng phạt. Cảm giác này sau đó càng được củng cố bởi những thành công trên chiến trường Donbass.
Sau cuộc nổi loạn bất thành hôm 24.6, theo thỏa thuận với chính phủ Nga thì ông trùm Prigozhin và các thành viên Wagner có thể sang Belarus. Hình ảnh vệ tinh hôm 30.6 cho thấy dường như Belarus đang xây doanh trại cho Wagner tại một căn cứ quân sự cũ ở một thị trấn cách biên giới Ukraine 230 km về phía bắc.
Việc Wagner hiện diện tại Belarus đã khiến nhiều láng giềng của nước này tỏ ra lo ngại. Ba Lan mới đây đã cử 500 cảnh sát chống khủng bố tới biên giới với Belarus để bổ sung cho lực lượng quân sự tại đây.
Một tài khoản Telegram do các nhân viên Wagner quản lý hôm 2.7 có đăng nội dung cho biết nhóm này dừng tuyển quân một tháng. Cụ thể, thông tin này cho biết: "Do Wagner hiện không tham gia chiến sự và đang chuyển tới Belarus, chúng tôi dừng hoạt động của các trung tâm tuyển quân trong một tháng". Chỉ mới tuần trước, tập đoàn quân sự tư nhân Wagner vẫn tiếp tục tuyển mộ thành viên trên khắp nước Nga sau cuộc nổi loạn hôm 24.6.
Chuyển sang một thông tin khác. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gần đây cho biết ông sợ mất đi sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ, sau thông điệp nguy hiểm đến từ một số đảng viên Cộng hòa.
Trong một cuộc họp báo với truyền thông Tây Ban Nha ở Kyiv cuối tuần qua, ông Zelensky nói: "Ông Mike Pence đã đến thăm chúng tôi và ông ấy ủng hộ Ukraine. Trước hết, với tư cách là một người Mỹ, sau đó là một đảng viên Cộng hòa. Chúng tôi có sự hỗ trợ của lưỡng đảng. Tuy nhiên, có những thông điệp khác nhau liên quan đến hỗ trợ cho Ukraine. Có những thông điệp đến từ một số đảng viên Cộng hòa, đôi khi là những thông điệp nguy hiểm, rằng có thể sẽ ít được ủng hộ hơn".
Chủ đề liệu Mỹ có nên tiếp tục hỗ trợ Ukraine chống lại Nga hay không đã tạo ra rạn nứt trong nội bộ đảng Cộng hòa. Như truyền hình báo Thanh Niên hôm qua có đề cập, cựu Tổng thống Donald Trump, một ứng cử viên sáng giá cho đường đua bầu cử Mỹ, đã có những tuyên bố không làm yên lòng Kyiv, như là nếu trở thành tổng thống ông sẽ xem xét lại viện trợ quân sự cho Ukraine và cố gắng dàn xếp một cuộc ngưng chiến.
Trong khi đó, chính phủ Thụy Sĩ cũng đang có cuộc tranh luận liên quan đến vấn đề chuyển giao vũ khí cho Ukraine.
Theo hãng tin TASS, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) hôm nay tuyên bố đã bắt một nghi phạm âm mưu đánh bom xe lãnh đạo bán đảo Crimea.
TASS dẫn thông báo từ Cơ quan An ninh Liên bang Nga thông báo nghi phạm "là người Nga sinh năm 1988, được cơ quan ninh Ukraine tuyển mộ và huấn luyện" để đánh bom xe của ông Aksyonov. Nghi phạm bị bắt "khi đang lấy thuốc nổ ra khỏi nơi cất giấu" và đã khai nhận hành vi của mình.
Giới chức Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Trong một thông tin khác, người đứng đầu ủy ban quốc tế tại thượng viện Nga, ông Grigory Karasin, hôm 2.7 cho biết Moscow đã đưa 700.000 trẻ em từ các vùng xung đột Ukraine vào lãnh thổ Nga, theo Reuters.
Ông Karasin nói: "Trong những năm gần đây, 700.000 trẻ em đã tìm nơi ẩn náu cùng chúng tôi, chạy trốn khỏi các vụ đánh bom và pháo kích từ các khu vực xung đột ở Ukraine".
Cũng theo Reuters, Moscow cho biết chương trình đưa trẻ em từ Ukraine vào lãnh thổ Nga là để bảo vệ trẻ mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi trong các vùng xung đột.
Tuy nhiên, Ukraine cáo buộc nhiều trẻ em đã bị đưa sang Nga bất hợp pháp.
Bình luận (0)