Xem nhanh: Ngày 505 chiến dịch, Ukraine đã có đạn chùm Mỹ; sếp CIA bàn chuyện gì với Nga?

Xem nhanh: Ngày 505 chiến dịch, Ukraine đã có đạn chùm Mỹ; sếp CIA bàn chuyện gì với Nga?

14/07/2023 23:28 GMT+7

Dư âm của hội nghị thượng đỉnh NATO vẫn còn sau khi sự kiện này đã kết thúc. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 13.7 tiếp tục khẳng định Ukraine sẽ gia nhập NATO nhưng chỉ sau khi chiến sự kết thúc.

Ông Biden nhận định rằng Nga không thể kéo dài cuộc chiến ở Ukraine, và Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối cùng cũng phải nhận ra rằng việc tiếp tục cuộc xung đột không mang lại lợi ích cho Nga.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 13.7 nói ông "không nghi ngờ" việc Ukraine sẽ được kết nạp vào NATO sau khi chiến sự kết thúc.

Trên thực tế, điều này có nghĩa là Ukraine vẫn chưa có đường tắt để gia nhập NATO trong lúc xung đột với Nga tiếp tục nổ ra.

Khi được hỏi Ukraine còn phải làm gì để đáp ứng hết các tiêu chuẩn của khối, ông Austin thừa nhận vẫn còn nhiều vấn đề cần phải thực hiện, chẳng hạn như cải cách về tư pháp.

Trước những thông tin trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo việc NATO kết nạp Ukraine sẽ càng làm gia tăng căng thẳng trên trường quốc tế.

Cũng trong ngày 13.7, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết Kyiv chuẩn bị nhận được 1,5 tỉ euro giá trị viện trợ quân sự từ các đồng minh phương Tây. Ukraine sẽ được chuyển giao các tên lửa SCALP tầm xa, xe tăng Leopard, các hệ thống phòng không Patriot và các khóa huấn luyện phi công lái tiêm kích F-16.

Bên cạnh đó, đạn chùm cũng được Mỹ chuyển giao cho Ukraine.

Cũng trong ngày 13.7, hãng tin AFP dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo người đứng đầu lực lượng quân sự tư nhân Wagner, ông Yevgeny Prighozin, nên cẩn trọng theo sau cuộc nổi dậy thất bại.

Ông Biden nói tại một cuộc họp báo ở thủ đô Phần Lan rằng: "Nếu tôi là ông Prigozhin, tôi sẽ vô cùng cẩn thận khi ăn uống. Tôi sẽ nhìn chằm chằm vào thực đơn của mình".

Ông Prigozhin đã lãnh đạo một cuộc nổi loạn dù thất bại nhưng gây chấn động nước Nga vào hôm 24.6. Hiện chưa rõ tung tích của ông Prighozin sau khi có thông tin ông đến Belarus và quay lại Nga.

Lầu Năm Góc cho biết các tay súng Wagner không còn tham gia đáng kể vào bất kỳ hoạt động chiến đấu nào ở Ukraine, sau hơn 2 tuần xảy ra cuộc nổi loạn ở Nga.

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder hôm 13.7 Mỹ nhận định phần lớn các tay súng Wagner vẫn còn ở các khu vực mà Nga kiểm soát ở Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin hôm 13.7 bất ngờ tuyên bố Nga không công nhận sự tồn tại của công ty quân sự tư nhân Wagner.

Wagner đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột ở Ukraine, đặc biệt là trong trận chiến khốc liệt giành Bakhmut.

Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Wagner có khoảng 5.000 thành viên, nhưng sau đó con số này đã tăng lên 25.000, theo lời người lãnh đạo nhóm, ông Yevgheni Prigozhin.

Kể từ khi cuộc nổi loạn thất bại, đã có nhiều đồn đoán rằng có thể có một cuộc cải tổ trong giới lãnh đạo quân sự của Nga, tuy nhiên điều này dường như vẫn chưa diễn ra.

Hôm 13.7, khi đề cập tới quân đội Nga sau vụ nổi loạn của Wagner, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nói: "Rõ ràng là đang có những bất đồng và bối rối đáng kể ở cấp độ chiến lược. Giới lãnh đạo cấp cao của quân đội Nga đang trải qua những diễn biến rất kịch tính".

Tướng Milley thừa nhận chưa thể xác định chắc chắn tác động của những sự kiện đã xảy ra, nhưng ông đánh giá rằng vụ nổi loạn sẽ ít tác động tới tình hình chiến trường Ukraine.

Theo tinh thần thỏa thuận giữa chính phủ Nga và nhóm Wagner để chấm dứt cuộc nổi loạn, hôm 13.7, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã nhận hơn 2.000 thiết bị quân sự mà nhóm Wagner giao nộp, bao gồm cả xe tăng.

Theo CNN, Tổng thống Biden hôm 13.7 đã ủy quyền cho Lầu Năm Góc gửi lực lượng dự bị 3.000 người tới châu Âu khi cuộc xung đột ở Ukraine đang diễn ra.

Mỹ hiện đã triển khai hơn 100.000 quân nhân ở châu Âu, con số này đã tăng lên kể từ khi chiến sự bắt đầu từ tháng 2 năm ngoái.

Theo ủy quyền mới của Tổng thống Biden, những binh sĩ dự bị sẽ nằm trong đợt triển khai luân phiên đang diễn ra nhằm củng cố NATO và sườn phía đông của khối.

Động thái này mang lại cho Lầu Năm Góc một lựa chọn khác để hỗ trợ thêm cho Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ. Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng cho biết có thể mất khoảng 6 tháng để đưa số lính dự bị này đến châu Âu vì cần phải thông báo trước.

Cũng liên quan đến cuộc nổi loạn Wagner thì theo một số báo Mỹ, trong thời gian xảy ra biến cố này, giám đốc cơ quan tình báo Mỹ CIA đã đã gọi điện cho lãnh đạo cơ quan tình báo nước ngoài của Nga để đảm bảo với Điện Kremlin rằng Mỹ không có vai trò gì trong cuộc nổi loạn ngắn.

Người lãnh đạo cơ quan tình báo Nga mới đây đã hé lộ thêm nhiều thông tin về cuộc điện đàm này. Và theo lời ông, nội dung trao đổi chính không phải là chuyện Wagner.

Tổng thống Ukraine Volodymyr và Bộ trưởng Quốc phòng Anh có những phát ngôn đối chọi nhau.

Cụ thể là sau khi ông Zelensky bày tỏ thất vọng vì không được NATO mời gia nhập liên minh, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói Ukraine nên bày tỏ lòng biết ơn với phương Tây thay vì coi họ như cửa hàng vũ khí.

Ông Zelensky sau đó nói: "Chúng tôi luôn rất biết ơn Anh, luôn biết ơn Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Wallace. Nhưng tôi không hiểu ý ông ấy là gì, chúng tôi còn phải bày tỏ lòng biết ơn của mình như thế nào? Ông ấy có thể nhắn tin cho tôi để giải thích. Mỗi sáng thức dậy, chúng tôi có thể đích thân cảm ơn bộ trưởng".

Phát ngôn của Tổng thống Ukraine sau đó đã bị chính đại sứ nước này tại Anh chỉ trích là một “lời mỉa mai tiêu cực”.

Hôm 13.7, Đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko nói với đài Sky News rằng những hành động như vậy của Tổng thống Zelensky chỉ thể hiện rằng Kyiv và các đồng minh phương Tây không đoàn kết.

Ông kêu gọi Ukraine và các đồng minh phải “thể hiện đang phối hợp cùng nhau".

Chuyển sang một thông tin khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 13.7 cho biết Moscow đang cân nhắc việc dừng tham gia thỏa thuận ngũ cốc do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, cho đến khi rào cản xuất khẩu lương thực và phân bón đối với Nga được dỡ bỏ.

Phát biểu này được đưa ra sau khi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres được cho là đã chấp nhận nhượng bộ yêu cầu của Nga để cứu thỏa thuận ngũ cốc.

Chính phủ Nga hôm nay 14.7 thông báo đóng cửa lãnh sự quán Ba Lan ở thành phố Smolensk, để đáp trả "những động thái không thân thiện, bài Nga" của Ba Lan. Theo Moscow, những động thái này gồm việc Warsaw tịch thu tòa nhà đặt trường trung học của đại sứ quán Nga hồi tháng 4 và giảm hiện diện ngoại giao của Moskva.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki sau đó cảnh báo sẽ đáp trả tương đương nếu Nga đóng cửa lãnh sự quán nước này ở Smolensk.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.