Xem nhanh: Ngày 565 chiến dịch, Ukraine giành lại giàn khoan chiến lược; tình báo Mỹ nói gì về phản công?

Xem nhanh: Ngày 565 chiến dịch, Ukraine giành lại giàn khoan chiến lược; tình báo Mỹ nói gì về phản công?

12/09/2023 23:44 GMT+7

Theo CNN, giới chức Nga và Ukraine cho biết giao tranh ác liệt vẫn diễn ra ở một khu vực nhỏ ở mặt trận phía nam, không có dấu hiệu rõ ràng về việc bên nào có thể chiếm ưu thế.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết các đơn vị của họ dọc theo tiền tuyến phía nam đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraine gần làng Robotyne, nơi đã trở thành tâm điểm giao tranh trong vài tuần qua.

Trong khi đó, các quan chức Ukraine lại đưa ra thông tin trái ngược. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hanna Maliar cho biết đã có tiến bộ ở khu vực phía nam làng Robotyne và phía tây làng Verbove. Bà nói gần 5 km2 lãnh thổ đã giành được trong tuần trước, nâng tổng diện tích lãnh thổ lên 256 km2 kể từ khi cuộc phản công bắt đầu.

Hiện không thể xác minh các tuyên bố của hai phía về diễn biến trên thực địa. Theo CNN, thông tin video định vị địa lý cho thấy các đơn vị Ukraine đang kiểm soát Robotyne và tấn công Verbove gần đó.

Ở một diễn biến khác, Ukraine hôm 11.9 tuyên bố đã chiếm lại một số giàn khoan ở biển Đen từ tay Nga. Kyiv ca ngợi đây là một chiến dịch “độc đáo”.

Dù Kyiv ca ngợi thành công này, nhưng không ít nhà bình luận quân sự xem đây chỉ là một hình ảnh mang tính biểu tượng chứ không có nhiều hiệu quả thực chất.

Như trong video Ukraine công bố, Nga không đóng quân trên các giàn khoan này, và nhóm binh sĩ Ukraine sau khi lên giàn khoan cũng đã rút đi chứ không ở lại. Việc đưa quân ra trú đóng tại đây là rất khó hình dung, vì hầu như không thể phòng thủ, chẳng hạn trong trường hợp Nga muốn triệt hạ bằng tên lửa.

Tại đảo Rắn ở biển Đen, kể cả sau khi Nga rút quân khỏi đây hơn 1 năm trước thì lực lượng Ukraine vẫn chưa thể duy trì chỗ đứng tại đây lâu dài. Vì vậy, chiến dịch “tái kiểm soát” giàn khoan có lẽ có vai trò lớn nhất là gây tiếng vang và nâng cao nhuệ khí, giống như chiến dịch đưa quân đặc nhiệm Ukraine đổ bộ lên bán đảo Crimea cắm cờ rồi rút đi hồi tháng 8.

Nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un hôm nay đến Nga để dự hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản hôm 12.9 dẫn một nguồn tin chính thức cho biết đoàn tàu bọc thép của ông Kim đã đến ga Khasan, cửa ngõ đường sắt chính dẫn tới vùng Viễn Đông của Nga từ Triều Tiên.

Cuộc họp thượng đỉnh dự kiến sẽ được tổ chức vào chiều 12.9 bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông tại thành phố cảng Vladivostok của Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết chuyến đi tới Nga của ông Kim sẽ là chuyến thăm toàn diện nhằm tăng cường quan hệ.

Tuy nhiên, phương Tây lo ngại rằng Bình Nhưỡng có kế hoạch cung cấp vũ khí cho Moscow để bù đắp kho dự trữ đã cạn sau 18 tháng giao tranh ở Ukraine. Tuần trước, Mỹ đã cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ trả giá nếu điều đó xảy ra.

Theo đài CNN, nhà phân tích quân sự Joseph Dempsey của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhận định rằng đạn dược Triều Tiên khó có thể xoay chuyển tình hình chiến sự mà chỉ giúp bổ sung nguồn cung cho Nga.

Ngày hôm nay, tại Diễn đàn kinh tế phương Đông đang diễn ra ở Vladivostok, Tổng thống Vladimir Putin cho biết 270.000 người Nga đã tình nguyện gia nhập ngũ trong những tháng gần đây.

Theo đài CNN, ông Putin cho biết đợt tuyển quân này nhằm bổ sung cho đợt huy động một phần quân nhân dự bị cách đây đúng một năm.

Trong một diễn biến khác, tình báo Bộ Quốc phòng Anh cho biết Nga đã điều chỉnh lại hệ thống phòng thủ tên lửa xung quanh Moscow khi nước này phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hàng ngày.

Bộ Quốc phòng Anh nhận định việc điều chỉnh này ngoài việc nhằm mục đích cải thiện khả năng phòng thủ của mình, những thay đổi này có thể còn nhằm trấn an người dân.

Chuyển sang một thông tin khác thì sau khi hiệu quả của đạn chùm được thể hiện trong thực tế, Mỹ được cho là đang cân nhắc gửi tên lửa tầm xa mang đạn chùm cho Ukraine.

Việc chuyển giao ATACMS cho thấy dẫn chứng mới nhất về việc Mỹ đang dần dần cung cấp những loại vũ khí ngày càng mạnh mẽ hơn cho Ukraine. Những ví dụ trước đây là lựu pháo, tổ hợp pháo phản lực phóng loạt, hệ thống phòng không Patriot, xe tăng Abrams và đạn chùm. Nhà Trắng ban đầu tỏ ra lưỡng lự, nhưng cuối cùng vẫn cung cấp cho Kyiv. Một ví dụ khác là chiến đấu cơ F-16. Tổng thống Joe Biden và giới lãnh đạo, tướng lĩnh của Lầu Năm Góc hồi đầu năm nay nói Ukraine không cần đến chiến đấu cơ F-16, nhưng đến tháng 5 đã nhượng bộ, tuyên bố Mỹ sẽ hỗ trợ liên minh huấn luyện F-16 cho Ukraine và cho phép đồng minh chuyển giao loại máy bay này cho Ukraine.

Một nước phương Tây khác cũng thường bị Ukraine chỉ trích vì chần chừ trong viện trợ vũ khí là Đức. Kyiv đang rất trông đợi Berlin chấp nhận cung cấp loại tên lửa hành trình tầm xa Taurus để giúp tấn công sâu vào hậu phương của Nga. Hôm 11.9, tổng thống Ukraine đã đưa ra phát ngôn dường như ám chỉ rằng Đức cũng sắp chuyển loại tên lửa này cho Kyiv.

Theo báo Financial Times, NATO chuẩn bị tổ chức cuộc tập trận lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh vào đầu năm tới.

Dự kiến sẽ có khoảng 41.000 binh sĩ, hơn 50 tàu tham gia cuộc tập trận này. Các quan chức NATO nói với Financial Times rằng cuộc tập trận "được coi là một phần quan trọng để chứng minh cho Moscow rằng liên minh đã sẵn sàng chiến đấu".

Cuộc tập trận dự kiến diễn ra ở Đức, Ba Lan và các nước vùng Baltic, giáp biên giới với Nga, vào tháng 2 và tháng 3 năm sau. Thụy Điển, nước nộp đơn xin gia nhập NATO, cũng sẽ tham gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.