Ông Medvedev từng là tổng thống và thủ tướng Nga, và là người có quan điểm cứng rắn về cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong bài đăng trên kênh Telegram, ông Medvedev cảnh báo phương Tây đang đẩy thế giới đến gần hơn với một cuộc xung đột toàn cầu chưa từng thấy kể từ Thế chiến II bằng cách cung cấp thêm vũ khí ngày càng uy lực hơn cho Ukraine.
Bình luận được vị cựu Tổng thống Nga đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine xác nhận xe tăng M1 Abrams đã được Mỹ chuyển đến nước này. Đồng thời cũng đã xuất hiện thông tin Washington cam kết sẽ cung cấp cho Kyiv các tên lửa ATACMS tầm bắn đến 300 km.
Về thông tin xe tăng M1 Abrams được chuyển đến cho Ukraine, báo Wall Street Journal bình luận rằng loại xe tăng này có thể có “một số lợi thế kỹ thuật” so với các xe tăng phương Tây khác mà Ukraine đã có, nhưng khác biệt không quá lớn. Tuy nhiên, tờ báo này xe tăng Mỹ sẽ giúp “nâng cao nhuệ khí” cho lực lượng Ukraine cho dù không thể làm thay đổi cục diện xung đột.
Kể từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, phương Tây đã cung cấp cho Kyiv các loại vũ khí ngày càng uy lực hơn, từ tên lửa chống tăng Javelin, lựu pháo, pháo tự hành, tổ hợp pháo phản lực HIMARS, cho đến xe tăng, tên lửa Patriot, tên lửa hành trình Storm Shadow. Ở thời điểm này, Ukraine đang tập trung vào việc tiếp nhận tên lửa ATACMS và máy bay F-16.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia gần đây tuyên bố xe tăng Abrams và máy bay F-16 cũng sẽ chịu chung số phận như các trang bị tối tân khác của phương Tây tại Ukraine, nhưng xe bọc thép Bradley, xe tăng Leopard hay Challenger.
Và như để minh họa cho cảnh báo này, một video mới xuất hiện cho thấy hai xe tăng Leopard 2 của Ukraine bị Nga tấn công ở Ukraine. Một điểm đáng lưu ý là đây là lần đầu tiên ghi nhận tổn thất xe tăng Leopard 2 tại mặt trận miền đông, vì những tổn thất trước đây là ở hướng phản công miền nam.
Theo hãng tin Reuters, Đức vừa lên tiếng hoan nghênh quyết định của Thụy Sĩ về việc bán lại một số xe tăng Leopard 2, qua đó giúp Berlin có nguồn dự trữ sau khi đã viện trợ xe tăng cho Ukraine.
Để tuân thủ luật trung lập của Thụy Sĩ, Berlin đã đảm bảo với Berne rằng số xe tăng này sẽ không đến Kyiv mà chỉ ở lại Đức hoặc với một đồng minh NATO hoặc EU.
Quốc hội Thụy Sĩ hôm 26.9 thông qua việc loại biên 25 xe tăng Leopard 2, mở đường cho việc bán lại cho Đức.
Đại sứ Đức tại Thụy Sĩ sau đó nói Berlin “rất vui và biết ơn về quyết định này. Số xe tăng này sẽ bổ sung cho kho [dự trữ] đã cạn kiệt của Đức và các đối tác châu Âu".
Trước đây, Đức, Đan Mạch và Tây Ban Nha từng đề nghị Thụy Sĩ cho phép chuyển cho Ukraine số vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất mà các nước này đã mua trước đây. Tuy nhiên, Thụy Sĩ đã không cho phép, vì theo lập trường trung lập, nước này không gửi vũ khí trực tiếp hoặc gián tiếp đến nơi đang xảy ra xung đột.
Trong khi đó, Ukraine chắc chắn sẽ rất mong các đồng minh cung cấp theo xe tăng và xe bọc thép sau khi đã tổn thất không ít trong cuộc phản công đang diễn ra.
Trong một video được Bộ Quốc phòng Nga công bố tối 26.9, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết hơn 17.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong tháng 9 và hơn 2.700 vũ khí đã bị phá hủy, trong đó có 7 xe chiến đấu Bradley của Mỹ.
Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến trước nhiều tướng lĩnh Nga, ông Shoigu nói: "Các lực lượng vũ trang Ukraine đang chịu tổn thất nghiêm trọng dọc theo toàn bộ chiến tuyến", đồng thời khẳng định chiến phản công của Ukraine cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả.
Ông Shoigu cũng cáo buộc "Mỹ và các đồng minh của họ tiếp tục trang bị vũ khí cho các lực lượng vũ trang của Ukraine, và chế độ Kyiv đã ném những binh sĩ chưa qua huấn luyện vào cảnh tàn sát trong các cuộc tấn công vô nghĩa".
Kyiv không lập tức bình luận về thông tin mới nhất từ Bộ Quốc phòng Nga.
Tuy nhiên, khi theo dõi video về cuộc họp trực tuyến của Bộ Quốc phòng Nga, thì mọi sự tập trung có lẽ đều dồn về Đô đốc Viktor Sokolov, Tư lệnh Hạm đội Biển Đen của Nga. Bởi vì đây chính là người mà quân đội Ukraine trước đó một ngày tuyên bố đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng tên lửa vào tổng hành dinh Hạm đội Biển Đen.
Trong bản cập nhật tình báo ngày 26.9, Bộ Quốc phòng Anh cho rằng Hạm đội Biển Đen của Nga đã hứng chịu một loạt vụ tấn công lớn trong vài tuần gần đây, gồm vụ tấn công sở chỉ huy hôm 20 và 23.9. Các cuộc tấn công này được cho là gây tổn hại lớn hơn nhiều và có sự phối hợp nhiều hơn so với trước đó.
Bộ Quốc phòng Anh đánh giá rằng thiệt hại vật chất đối với hạm đội Nga gần như chắc chắn là nặng nề nhưng mang tính cục bộ. Vì vậy, hạm đội này được cho là vẫn đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu cốt lõi là tấn công bằng tên lửa hành trình và tuần tra an ninh trong khu vực.
Tuy nhiên, tình báo quốc phòng Anh cho rằng “có khả năng là năng lực tiếp tục tuần tra an ninh khu vực rộng hơn và thi hành việc phong tỏa trên thực tế các cảng của Ukraine sẽ bị suy giảm. Cũng có khả năng năng lực bị suy giảm trong việc phòng thủ các khí tài tại cảng và thực hiện bảo dưỡng định kỳ".
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Anh cho rằng một cuộc chiến tấn công thọc sâu của Ukraine đang diễn ra tại biển Đen, có thể buộc Nga vào thế bị động. Điều này cũng chứng minh rằng quân đội Ukraine có thể gây thiệt hại cho việc phô diễn sức mạnh biểu tượng và chiến lược của Nga từ cảng Sevastopol.
Theo một tài liệu mà Ukraine gửi cho các đồng minh phương Tây, các máy bay không người lái (UAV) tự sát được sử dụng trong các cuộc tấn công gần đây vào các thành phố của Ukraine chứa đầy các linh kiện châu Âu.
Tài liệu này dài 47 trang, do chính phủ Ukraine đệ trình lên nhóm G7 vào tháng 8, trong đó Kyiv khẳng định UAV chứa công nghệ phương Tây đã tiến hành 600 cuộc tấn công vào Ukraine trong 3 tháng trước đó.
Báo The Guardian dẫn báo cáo này cho biết có 52 linh kiện điện do các công ty phương Tây sản xuất đã được tìm thấy trong UAV tự sát Geran của Nga, mà Ukraine và phương Tây cho là loại Shahed của Iran.
Năm công ty châu Âu bao gồm một công ty con ở Ba Lan của tập đoàn đa quốc gia Anh được nêu tên là nhà sản xuất ban đầu của các linh kiện đó.
Nga chưa có phản ứng về thông tin này.
Bình luận (0)