Những chuyển động đầy phức tạp của hình thể, những bước vặn mình khiến người xem phải tư duy, thổn thức, những vũ đạo đồng điệu trong từng chi tiết nhỏ... hội tụ trong bốn tác phẩm J-Dance lần đầu trình diễn tại VN, khiến người xem mãn nhãn.
Bốn tác phẩm của 5 nghệ sĩ múa đến từ Nhật Bản với Khúc tạ tội (Otsuka Ikumi biểu diễn), Rỉ sét (Suzuki Ryu), Ánh chiều tàn (Ishii Norihito) và Cơ thể biết nói (Shinohe Yoshika, Kihara Kota) được trình diễn (miễn phí) trong hai ngày 7 và 8.12 tại Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội, giới thiệu đến người xem một loại hình nhảy múa nghệ thuật đương đại đang phát triển mạnh ở Nhật Bản là “biểu hiện cơ thể”. Kể chuyện bằng hình thể
Mỗi tác phẩm trình diễn, là một câu chuyện cụ thể, được nghệ sĩ sáng tác đưa người xem vào không gian riêng theo từng chuyển động hình thể đầy phức tạp. Nữ nghệ sĩ Otsuka Ikumi sinh năm 1993, lần đầu ra nước ngoài, cũng là lần đầu trình diễn múa đơn, đã mang đến câu chuyện về con người từ trước khi sinh ra, đã gánh vác hiện tại. Các chuyển động trong vở múa được Ikumi phỏng theo hình dáng chú ếch trong tiểu thuyết nổi tiếng Nhật Bản có tên Thiên đường của ếch, bắt đầu từ dáng tĩnh, rồi chuyển qua nét động bằng các kỹ thuật mang độ khó cao.
|
tin liên quan
Âm nhạc, múa đương đại thành liệu pháp tinh thầnTác phẩm là sự kết hợp của yếu tố mỹ thuật trong sắp đặt, các “bạn diễn” là những thanh sắt rỉ sét, cùng với nỗ lực của người nghệ sĩ - tự cho mình là già - trong từng động tác chuyển động cơ thể. Ryu lý giải sự già dặn của mình rằng: “Tác phẩm này tôi sáng tác khi đã 30 tuổi, tôi cảm giác mình đã già nua, cũ kỹ, rỉ sét như kim loại, nhiều chuyển động, nhiều bước nhảy không nhuần nhuyễn, thuần thục như thời đôi mươi. Tôi là người nhạy cảm nên cảm nhận rõ tuổi già đang đến, và lấy kim loại làm ẩn dụ, bởi nó cũng giống con người”.
Một ngôn ngữ hình thể độc đáo khác xuất xứ từ Nhật, là tác phẩm múa butoh (vũ đạp) có tên Ánh chiều tàn (After Glow) do vũ công Ishii Norihito - từng đi qua 26 quốc gia để giới thiệu bộ môn nghệ thuật múa butoh - trình diễn. Ở Nhật Bản, những nghệ sĩ theo bộ môn múa butoh rất hiếm, lý do được Norihito cho biết: “Người Nhật coi trọng tính giải trí trong nghệ thuật, còn butoh không mang nặng tính giải trí, nó luôn khiến người ta phải suy nghĩ nhiều, do vậy ít người tập luyện và khi trình diễn rất kén chọn khán giả”. Trong màn hóa thân trắng toát bằng phấn, Norihito dẫn dắt người xem vào sự ngộ nhận của cuộc sống, và do có nhiều ngộ nhận nên con người dần đánh mất những thứ quý giá trong đời. Norihito nói thêm: “Vở múa này thể hiện cuộc hành trình tìm lại những thứ đã mất do ngộ nhận. Tôi muốn người xem có được những phút giây chơi đùa với cảm xúc của tôi trong vở diễn”.
Bài múa đôi duy nhất của chương trình J-Dance là tác phẩm Cơ thể biết nói do hai nghệ sĩ Shinohe Yoshika và Kihara Kota thực hiện. Người xem sẽ thấy được những chuyển động cơ thể hòa quyện ăn ý và vô cùng tinh tế, thông qua những màn hội thoại, tương tác giữa hai nghệ sĩ được tung hứng bằng ngôn ngữ cơ thể. Để có được sự ăn ý trong từng động tác, nghệ sĩ Kota tiết lộ: “Chúng tôi đã 7 năm tập luyện cùng nhau, do vậy những cử động dù là nhỏ nhất khi diễn, chúng tôi đều dễ dàng phối hợp ăn ý. Cũng là vở diễn này những nếu với hai người khác thì sẽ rất khó thực hiện”. Đây cũng là lần đầu tiên Shinohe Yoshika và Kihara Kota đến VN.
Chương trình J-Dance nằm trong khuôn khổ các hoạt động giao lưu văn hóa nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt - Nhật do Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại VN giới thiệu.
|
Bình luận (0)