Liên quan đến vụ án bán rẻ đất vàng cho tư nhân tại xảy ra tại Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty Bình Dương) và một số đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 28 bị can liên quan.
Trong số này có 22 bị can bị đề nghị truy tố về hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Trong đó, có nhiều bị can từng là lãnh đạo cao nhất của tỉnh Bình Dương, gồm: Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Văn Cành, cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh…
6 bị can bị đề nghị truy tố về tội “tham ô tài sản”, gồm: Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương; Trần Nguyên Vũ, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương; Nguyễn Thục Anh, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát Triển (con gái bị can Nguyễn Văn Minh)… Riêng 3 bị can Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ và Huỳnh Thanh Hải (cựu Thành viên HĐTV, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương) bị đề nghị truy tố cả 2 tội danh.
Ngoài trách nhiệm hình sự của 28 bị can, C03 cho biết còn có trách nhiệm của các cá nhân trong Đoàn kiểm toán Nhà nước kiểm tra việc Tổng công ty Bình Dương thực hiện kết luận, kiến nghị tại Báo cáo kiểm toán ngày 28.8.2017 của Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, do thời hạn điều tra vụ án đã hết nhưng hành vi vi phạm và đối tượng vi phạm chưa được làm rõ nên sau khi kết luận điều tra vụ án, C03 sẽ tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Một góc khu đất vàng 145 ha |
NHật Mai |
Theo hồ sơ vụ án, cuối năm 2015, UBND tỉnh Bình Dương ban hành quyết định cổ phần hoá Tổng công ty Bình Dương, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tỉnh uỷ Bình Dương. Theo quy định pháp luật về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, Tổng công ty Bình Dương xây dựng phương án sử dụng đất để trình cơ quan nhà nước phê duyệt để làm cơ sở cổ phần hoá. Phương án sau đó được Tỉnh uỷ Bình Dương phê duyệt ngày 29.7.2016 theo hướng: Tổng công ty Bình Dương giữ lại khu đất 145 ha đưa vào cổ phần hoá, còn khu đất 43 ha trả về cho một doanh nghiệp nhà nước khác.
Tuy nhiên, cả 2 khu đất này đã được bị can Nguyễn Văn Minh xử lý theo 2 hướng khác nhau, và cùng làm thất thoát tài sản nhà nước.
Cụ thể, với khu đất 145 ha, bị can Nguyễn Văn Minh đã chỉ đạo thuộc cấp làm việc với công ty định giá đưa vào diện “tài sản đang dùng” sang “tài sản chờ thanh lý” (tức là không nằm trong giá trị doanh nghiệp chờ cổ phần hoá với lý do khu đất đã góp vốn với Công ty đầu tư phát triển Tân Thành (Công ty Tân Thành) để thực hiện dự án “CLB sân golf và khu nghỉ dưỡng Đảo Hồ Điệp”, với giá trị được xác định hơn 152 tỉ đồng.
Trong khi đó, với hợp đồng liên doanh thành lập Công ty Tân Thành để thực hiện dự án trên khu đất 145 ha, sổ sách kế toán của Tổng công ty Bình Dương xác định giá trị khu đất là 424 tỉ đồng.
Làm trái kiến nghị Kiểm toán Nhà nước
Từ tháng 4.2017, Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý tài chính của Tổng công ty Bình Dương. Quá trình kiểm toán, do phương án sử dụng đất mới được Tỉnh ủy phê duyệt, chưa được UBND tỉnh phê duyệt theo quy định pháp luật cổ phần hóa nên tại biên bản kiểm toán ngày 11.7.2017, Kiểm toán Nhà nước đã có kiến nghị "Tổng công ty Bình Dương trình UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt phương án sử dụng đất theo phương án được Tỉnh uỷ Bình Dương phê duyệt ngày 29.7.2016.
Tháng 10.2017, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành văn bản phê duyệt phương án sử dụng đất khi thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Bình Dương, theo đó, khu đất 145 ha doanh nghiệp tiếp tục kế thừa tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Tuy nhiên, Tổng công ty Bình Dương đã không thực hiện đúng nội dung như Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị. Trước khi UBND tỉnh Bình Dương có ý kiến về việc khu đất 145 ha thì bị can Nguyễn Văn Minh đã chỉ đạo thuộc cấp chuyển quyền sử dụng khu đất cho Công ty Tân Thành để hoàn tất thủ tục góp vốn theo hợp đồng thỏa thuận đã ký vào ngày 25.8.2017.
Đến tháng 11.2017, việc tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp kết thúc, Tổng Công ty Bình Dương được xác định có giá trị để cổ phần hoá là hơn 4.346 tỉ đồng mà không có giá trị khu đất 145 ha. Đến tháng 11.2018, Tổng công ty Bình Dương chuyển sang công ty cổ phần, trong đó nhà nước nắm giữ hơn 60%.
Kết luận điều tra cho rằng, việc Tổng công ty Bình Dương không đưa khu đất 145 ha vào định giá doanh nghiệp là trái pháp luật, gây thiệt hại lớn tài sản cho nhà nước.
Cuối năm 2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương trưng cầu giám định khu đất 145 ha có giá trị 2.091 tỉ đồng tại thời điểm tháng 6.2017. Đến năm 2021, C03 trưng cầu giám định giá trị khu đất vào thời điểm tháng 12.2019, có giá trị lên tới 4.472 tỉ đồng. Do đó, cơ quan tố tụng cho rằng việc Tổng công ty Bình Dương tự định giá và kê khai khu đất 145 ha có giá trị 424 tỉ đồng đã gây thiệt hại cho n nhà nước hơn 1.468 tỉ đồng.
Đối với khu đất 43 ha, dù phương án là trả về cho tỉnh nhưng bị can Nguyễn Văn Minh và đồng phạm đã chuyển nhượng do doanh nghiệp tư nhân. Hậu quả, nhà nước mất toàn bộ sở hữu tại khu đất nêu trên với số thiệt hại là trên 201 tỉ đồng. Tổng cộng, bị can Nguyễn Văn Minh và các đồng phạm trong vụ án đã gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 1.850 tỉ đồng.
Bình luận (0)