Xếp bậc lương giáo viên cao nhất: Cần thiết nhưng phải hài hòa với ngành khác

20/11/2024 10:27 GMT+7

Các đại biểu đồng tình với các chính sách ưu đãi về phụ cấp và lương giáo viên, nhưng cho rằng cần có sự hài hòa với các ngành nghề khác, điển hình là y tế.

Sáng 20.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Nhà giáo. Theo đề xuất tại dự thảo, tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Đồng thời, nhà giáo vẫn được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng, theo quy định của pháp luật.

Lương giáo viên cao, chất lượng cũng phải cao

Cho ý kiến thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) bày tỏ sự tán thành cao về đề xuất tại dự thảo. Quy định như vậy sẽ tháo gỡ được khó khăn cũng như phù hợp với tính đặc thù của nhà giáo.

Xếp bậc lương giáo viên cao nhất: Cần thiết nhưng phải hài hòa với ngành khác- Ảnh 1.

Đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn Đắk Nông

ẢNH: GIA HÂN

Nhưng ông Mai cũng lưu ý rằng, để chính sách trên thực sự phát huy hiệu quả, việc xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đối với nhà giáo phải đi đôi với chất lượng của đội ngũ này.

Theo vị đại biểu đoàn Đắk Nông, đội ngũ nhà giáo có vai trò quan trọng, quyết định đến vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, đại đa số đội ngũ giáo viên có năng lực, trình độ, đạo đức rất tốt, nhưng vẫn còn một số giáo viên, kể cả lãnh đạo cấp quản lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, để xảy ra những câu chuyện đáng buồn đến mức phải xử lý.

Do vậy, ông Mai đề nghị phải có các quy định về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, từng bước xây dựng đội ngũ nhà giáo thực sự giỏi về chuyên môn, đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức, tận tâm với nghề nghiệp.

Đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề cập tới đề xuất của dự thảo quy định về việc nhà giáo tại cấp học mầm non, công tác tại nơi đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ven biển, hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, thực hiện nhiệm vụ giáo dục hòa nhập, là người dân tộc thiểu số… được ưu tiên chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với nhà giáo khác.

Ông Mai đề nghị cần rà soát, đánh giá cho phù hợp; chỉ nên áp dụng chính sách ưu tiên nêu trên đối với nhà giáo tại cấp học mầm non, chuyên biệt và công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, ông Mai cho rằng, cần hết sức cân nhắc về đề xuất nhà giáo khi tuyển dụng lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương. Bởi lẽ, việc xếp lương lần đầu cần đặt trong hệ thống quy định về xếp lương của công chức, viên chức, đảm bảo đồng bộ với ngành nghề khác.

Vị đại biểu so sánh với ngành y tế, thời gian đào tạo, áp lực công việc, độ khó công việc không kém so với nhà giáo, nhưng cũng chưa có ưu đãi này.

Ông Mai kiến nghị việc xếp tăng 1 bậc lương chỉ nên áp dụng với nhà giáo tại cấp học mầm non, công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, hải đảo… và phải có cam kết công tác 3 - 5 năm.

Xếp bậc lương giáo viên cao nhất: Cần thiết nhưng phải hài hòa với ngành khác- Ảnh 2.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy, đoàn Ninh Thuận

ẢNH: GIA HÂN

Đại biểu Quốc hội: Học thêm là nhu cầu cần thiết, cần có cơ chế quản lý

Đã hết cảnh "chuột chạy cùng sào"

Cùng cho ý kiến thảo luận, đại biểu Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) thống nhất chủ trương về việc chú trọng công tác chăm lo chế độ chính sách đối với nhà giáo.

Bà Thủy đánh giá thời gian qua, chính sách hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho sinh viên sư phạm đã thu hút nhiều học sinh giỏi dự thi vào ngành này. Chất lượng đầu vào ngành sư phạm ngày càng tăng, "mức độ cạnh tranh khốc liệt", những mùa tuyển sinh gần đầu đã hết cảnh "chuột chạy cùng sào".

Đầu vào ngành sư phạm ngày càng tốt hơn, nhưng theo bà Thủy, điều cần quan tâm tiếp theo là đầu ra, phải có chính sách để các thầy cô sống khi ra trường được bằng nghề, theo đuổi được đam mê nghề nghiệp, thu hút nhân tài.

Dự thảo luật và nghị định quy định 9 nhóm chính sách về tiền lương, phụ cấp và thu hút nhà giáo. Bà Thủy cho rằng cần xem xét đến việc ngân sách liệu có đảm bảo để thi hành các chính sách này hay không, phải có đánh giá tác động chính sách thật kỹ.

Theo nữ đại biểu, nếu xây dựng chính sách ưu tiên với nhà giáo thì cần đặt trong mối quan hệ hài hòa với đội ngũ trí thức và nghề nghiệp khác, nhất là đội ngũ cùng hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Ví dụ như lĩnh vực y tế hiện cũng có nhiều khó khăn, nhất là y tế công.

Đại biểu đoàn Ninh Thuận cho rằng chỉ nên áp dụng với nhà giáo ở cấp học mầm non, chuyên biệt, làm việc ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới hải đảo…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.