Xếp học sinh giỏi kế bạn yếu, có giúp nhau cùng tiến bộ?

07/11/2024 02:19 GMT+7

'Học thầy không tày học bạn' vốn là cách học nhiều giáo viên áp dụng khi xếp học sinh có học lực giỏi kèm học sinh có học lực chưa tốt để cả cùng tiến bộ. Thế nhưng, cách học này liệu có hiệu quả trong nhiều trường hợp?

“Nhiệm vụ của học sinh là học, kèm bạn yếu là việc của thầy cô”?

học sinh giỏi được giao trách nhiệm kèm bạn yếu hơn, L.Đ.Q, học sinh lớp 12 tại một trường THPT ở quận 1, TP.HCM, thẳng thắn nêu quan điểm: “Nhiệm vụ của học sinh là học, kèm bạn yếu là việc của thầy cô”. Q. cho hay, bạn cùng bàn của em học yếu nhưng không có thái độ hợp tác, việc kèm cặp bạn khiến thành tích của em thụt lùi.

“Em đã nhiều lần giảng bài và nhắc nhở bạn làm bài tập, nhưng bạn không hợp tác. Khi thầy cô kiểm tra bài tập, bạn chép bài em, đến lúc kiểm tra trên lớp, bạn lại nài nỉ em cho nhìn bài. Điều này ảnh hưởng đến việc học của em, điểm em đã giảm nhiều so với năm ngoái”, Q. bộc bạch.

Xếp học sinh giỏi kế bạn yếu, có giúp nhau cùng tiến bộ? - Ảnh 1.

Một học sinh giỏi chưa chắc đã biết cách giải thích để bạn học giỏi như mình

ẢNH MINH HỌA: NGỌC LONG

Học khá yếu môn toán và tiếng Anh, L.H.G, học sinh lớp 9 Trường THCS Quang Trung (Q.4, TP.HCM) được giáo viên xếp ngồi cùng lớp phó học tập. “Nhiều bài cô giảng em không hiểu nên nhờ bạn giải thích, vì giảng lại cho em mà bạn không chép bài kịp. Dần dần, em thấy tự ti, áp lực và ngại hỏi bài bạn”, G. thổ lộ.

Tương tự, T.Q.T, học sinh lớp 11 Trường THPT Tân Phong (Q.7, TP.HCM), kể rằng bạn cùng bàn của em học tốt nhưng không giỏi giao tiếp, việc ngồi cùng bạn “không giúp gì được”. T. cho hay: “Bạn chỉ là học sinh, không có khả năng giảng bài như thầy cô nên những bài chưa biết làm, em hỏi bạn cũng như không".

Thầy Nguyễn Văn Ba, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), cho biết, việc sắp xếp bạn giỏi kèm bạn yếu là cách làm phổ biến với nhiều thầy cô. “Tuy nhiên, cần lưu ý việc truyền đạt kiến thức là nhiệm vụ của giáo viên, một học sinh giỏi chưa chắc đã biết cách giải thích để bạn học giỏi như mình. Các em chưa có kỹ năng sư phạm, kỹ năng giảng dạy hay hiểu tâm lý như thầy cô. Các bạn học yếu cũng dễ cảm thấy rụt rè, tự ti khi ngồi cạnh một bạn quá giỏi”, thầy Ba nhận xét.

Giáo viên nên thường xuyên quan sát và theo dõi lớp để sắp xếp chỗ ngồi hợp lý và có phương án hỗ trợ các bạn phù hợp. Theo Chương trình GDPT mới, nhiều thầy cô tổ chức bài tập và dự án theo nhóm. Khi đó, nên xếp nhóm dựa trên trình độ để các em dễ dàng hỗ trợ lẫn nhau. Đối với các nhóm học sinh yếu, giáo viên có thể tổ chức phụ đạo, bổ sung kiến thức cần thiết cho các em”, vị phó hiệu trưởng thông tin.

"Học thầy không tày học bạn"

Đó là trường hợp của Mai Phương Di, học sinh lớp 9 Trường THCS Tăng Bạt Hổ (Q.4, TP.HCM), khi nhận nhiệm vụ hỗ trợ bạn yếu hơn ngồi cạnh. Di chia sẻ bạn của em rất cầu tiến và chăm chỉ, nhưng học hơi chậm nên thành tích chưa tốt. “Em thường giảng bài cho bạn bằng cách đặt câu hỏi gợi mở, đôi lúc giả vờ quên bài để bạn nhắc lại cho em. Dần dần, việc kèm cặp trở thành những buổi thảo luận bài tập của cả hai”, nữ sinh nói.

Phương Di nhận xét việc trao đổi bài vở với bạn bè là phương pháp học tập hiệu quả. “Khi nghe thầy cô giảng, em đã nhớ bài 1 lần, tự mình giảng lại cho bạn giúp em ghi nhớ thêm lần nữa. Nhờ vậy, em hiểu sâu hơn bản chất vấn đề và áp dụng tốt hơn khi làm các bài tập nâng cao”, Di chia sẻ.

Xếp học sinh giỏi kế bạn yếu, có giúp nhau cùng tiến bộ? - Ảnh 2.

Hỗ trợ nhau trong học tập, nhiều học sinh trở thành đôi bạn cùng tiến

ẢNH MINH HỌA: NGỌC LONG

Học cùng trường, Nguyễn Lê Khôi Việt gặp không ít khó khăn trong quá trình học tập vì là học sinh hòa nhập. “Vì không theo kịp bài giảng của thầy cô, em thường hỏi bài bạn cùng bàn khi ở lớp lẫn lúc về nhà, bạn luôn vui vẻ giải thích và hướng dẫn lại cho em. Nhờ đó, em giải bài tập tốt hơn và có nhiều tiến bộ”, Việt chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết, giáo viên tiếng Anh tại Trường THCS Tăng Bạt Hổ (Q.4), cho biết cô thường áp dụng cách xếp chỗ này để học sinh có thể hỗ trợ nhau trong học tập. “Nhiều khi các em khó chia sẻ với phụ huynh hoặc thầy cô, nhưng trò chuyện cùng bạn bè lại dễ dàng hơn. Khi bạn giỏi giảng bài cho bạn yếu, đôi lúc các em tiếp thu nhanh hơn vì có cùng lứa tuổi, chung tâm lý và sở thích”, nữ giáo viên chia sẻ.

“Có những bài tập đặt câu cùng từ vựng mới học, các em giỏi hướng dẫn các em yếu bằng những tình huống theo ‘trend’ (xu hướng) của giới trẻ khiến các em thích thú và nhớ từ vựng tốt hơn. Đây là những điều chỉ các em trong cùng thế hệ mới dễ dàng nắm bắt và hiểu nhau, chứ các thầy cô khó cập nhật kịp”, cô Tuyết nêu ví dụ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.