Thực tế cho thấy, sau nới lỏng giãn cách, chính quyền cơ sở và người dân nhiều nơi có biểu hiện "chóng quên" hoặc coi nhẹ yêu cầu thực hiện 5K.
Nhiều người không đeo khẩu trang, nhiều nơi hội họp hoặc tập trung hàng trăm người mà không test Covid-19. Tâm lý chủ quan hoặc buông xuôi sau khi tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ngày càng phổ biến. Nhiều người quên rằng dù có tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì cũng vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác. Không chỉ người có bệnh nền mới đáng quan tâm mà người bình thường thì thể trạng cũng không ổn định. Mệt mỏi, sức khỏe suy yếu là Covid-19 tấn công, đe dọa tính mạng. Những ca tử vong không đáng có vì Covid-19 tiếp tục gia tăng. Không ít người khỏe mạnh đã tiêm đủ liều đã không qua khỏi khi mắc Covid-19…
Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác có tỷ lệ đã tiêm đủ 2 mũi rất cao. Thế nhưng số ca nhiễm và ca tử vong vẫn tăng cao. Biến thể Delta đang thống trị còn biến thể Omicron đang diễn biến phức tạp, với tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ xâm nhập nước ta rất cao.
Một quốc gia ngay từ đầu đã xác định sống chung với Covid-19, phần lớn người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin từ lâu và luôn sẵn sàng làm mọi cách để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, không làm cho kinh tế, đời sống tệ hơn vì Covid như Singapore cũng đã phải hạn chế đi lại.
Mới đây, Chính phủ nước này cho biết sẽ chỉ thí điểm cho phép những người đã tiêm đủ 2 mũi được tham gia nhiều hoạt động hơn, ví dụ như hoạt động thể thao, hội nghị, triển lãm,… với điều kiện bổ sung là phải có kết quả xét nghiệm âm tính test nhanh kháng nguyên. Nếu thành công, kiểm soát được dịch, Singapore mới mở rộng ra với nhiều hoạt động khác cho những người có kết quả xét nghiệm âm tính.
PGS - bác sĩ Đỗ Văn Dũng, Trường đại học Y dược TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn chính sách phục hồi kinh tế của TP.HCM, phát biểu trên báo chí rằng, trong giai đoạn này, tất cả khách bay nội địa cần phải xét nghiệm Covid-19. Trong bối cảnh này, yêu cầu xét nghiệm và cần có kết quả âm tính mới được bay đối với tất cả khách bay nội địa là phù hợp với tình hình hiện nay. Như chúng ta đã biết, nếu không làm tốt công tác kiểm soát dịch cho khách bay, dịch lại bùng phát, hậu quả sẽ khôn lường và việc xử lý F0 tại sân bay hoặc trên tàu bay sẽ phức tạp và tốn kém. Đó là chưa kể việc mang F0 từ nơi này đến nơi khác sẽ nhanh chóng làm đổi màu cấp độ dịch. Nhiều vùng sẽ biến thành vùng vàng, vùng đỏ, đồng nghĩa với việc buộc phải phong tỏa, cách ly hoặc hạn chế đi lại, sản xuất kinh doanh… Hậu quả sẽ rất lớn. Vì ngay ở trong nước, không ai muốn đến tiếp xúc, làm ăn với "vùng đỏ". Ở tầm quốc gia, khách quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài sẽ e ngại đến Việt Nam. Khi đó, các quốc gia không muốn mở lại đường bay quốc tế với nước ta…
Trong bối cảnh ấy, việc tuần trước Hiệp hội doanh nghiệp hàng không gửi công văn lấy ý kiến các hội viên là hãng bay hoặc doanh nghiệp trong hệ sinh thái hàng không góp ý về các biện pháp phòng, kiểm soát dịch là hành động có trách nhiệm cao với chính khách hàng của mình và với cộng đồng, đất nước.
Bởi vậy, chính quyền cơ sở cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm những người không thực hiện 5K. Đồng thời, cần quy định bắt buộc tất cả khách bay nội địa phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi bay. Quy định này sẽ làm tăng chi phí cho khách bay, nhất là khi mùa cao điểm tết Dương lịch và tết cổ truyền đang đến gần. Nhưng kinh phí phải chi thêm hơn 100.000 đồng cho mỗi lần bay sẽ là quá nhỏ nếu so với sức khỏe của mỗi người, của cộng đồng và càng không đáng kể so với thiệt hại kinh tế rất lớn mà mỗi F0 gây ra.
Cùng với đó, cần mở rộng danh mục được phép nhập khẩu các thiết bị xét nghiệm tân tiến, chính xác trên thế giới để phổ cập, giảm thiểu chi phí xét nghiệm, giảm phiền hà cho người dân. Đồng thời, xử lý thật nghiêm các đơn vị cá nhân trục lợi, thu phí xét nghiệm cao vô lý như vừa qua.
Ngành hàng không đã có kinh nghiệm xét nghiệm tại cảng hàng không đối với khách nhập cảnh và khách bay từ TPHCM, Cần Thơ (2 địa phương bắt buộc phải xét nghiệm âm tính trước khi bay nội địa). Để đơn giản, thuận tiện cho khách và tránh ùn ứ xét nghiệm tại cảng hàng không trong bối cảnh vừa tăng các chuyến bay nội địa và chuẩn bị đón khách quốc tế, các hãng, các cảng hàng không cần tăng cường phối hợp với ngành y tế địa phương để xét nghiệm nhanh cho cho khách. Kết quả xét nghiệm nên trả online, trên những ứng dụng chuyên ngành, như PC Covid hay Vietnamkhoemanh... Khách không phải cập nhật, khai báo kết quả test khi bay. Điều này cũng góp phần giảm được tình trạng mua bán kết quả xét nghiệm khống đang diễn ra.
Việc tăng cường quản lý, giám sát di chuyển bằng công nghệ, tăng tốc tiêm vắc xin, nghiêm túc thực hiện 5K và không lơi là trong việc xét nghiệm… sẽ góp phần kiểm soát, tránh bùng phát dịch lần thứ năm ở nước ta.
Nới lỏng giãn cách xã hội là cần thiết, thích ứng linh hoạt là đương nhiên nhưng phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Thời gian qua, ngành hàng không đã tổ chức kiểm soát, phòng chống dịch rất tốt, rất trách nhiệm. Nhưng bối cảnh hiện nay đòi hỏi không chỉ ngành hàng không mà cả các ngành giao thông khác, các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế, xã hội cũng cần vào cuộc đồng bộ. Từ đó chủ động kiểm soát và đề xuất Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống dịch Covid-19 hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm soát dịch. Tất cả đều cần phải hướng đến lợi ích chung của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, của cộng đồng, của quốc gia và quốc tế, cả trong hiện tại và tương lai.
Bình luận (0)