Xét tuyển ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp: “Liệu cơm gắp mắm”

Thúy Hằng
Thúy Hằng
19/03/2022 08:00 GMT+7

Thi và xét tuyển ĐH bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 có gì mới? Vì sao nói thí sinh phải “liệu cơm gắp mắm” với phương thức này?

Đây là chủ đề đầu tiên trong chuỗi chương trình Tư vấn mùa thi “Bí quyết trúng tuyển ĐH” của Báo Thanh Niên phát sóng trên các đài truyền hình đồng thời được phát sóng trực tuyến tại thanhnien.vn, Facebook, YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên. Chương trình do Vingroup tài trợ.

Chương trình phát sóng chiều qua 18.3 trên Đài phát thanh - truyền hình Bình Dương giải đáp được nhiều băn khoăn của thí sinh (TS).

Các chuyên gia cho thí sinh lời khuyên lựa chọn đăng ký xét tuyển vào trường, ngành học phù hợp sức mình

LÊ THANH HẢI

Đăng ký nguyện vọng sau khi biết điểm thi tốt nghiệp ?

Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhắc lại dự kiến điều chỉnh về tuyển sinh 2022 do Bộ GD-ĐT vừa công bố: TS đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường sau khi biết kết quả kỳ thi tốt nghiệp.

Điểm thứ 2 dự kiến thay đổi là ứng dụng công nghệ thông tin sẽ mạnh hơn. Cổng thông tin của Bộ GD-ĐT được mở, TS đăng ký nguyện vọng trực tuyến, chỉ trong trường hợp bất khả kháng mới sử dụng cách đăng ký bằng giấy.

Bàn về điều này, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết mọi điều chỉnh đều hướng tới thuận lợi hơn cho TS. Đồng thời đòi hỏi sự chủ động cao hơn của các em. Sau khi biết điểm thi, TS biết mình đang ở phân khúc nào để tính toán nộp vào trường phù hợp.

Ông Võ Ngọc Nhơn, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhấn mạnh TS sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT mới đăng ký nguyện vọng cần cân nhắc, đong đếm kỹ càng. “Phải “liệu cơm gắp mắm”. Lưu ý cốt lõi là đăng ký số lượng nguyện vọng vừa phải, tập trung ở một nhóm ngành các em đam mê nhất, sắp xếp theo thứ tự từ thích nhất xuống thấp dần, tham chiếu điểm chuẩn trong khoảng 2 - 3 năm gần đây”, ông Nhơn nói.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho hay đăng ký nguyện vọng khi rời trường THPT, các em cần phát huy sự độc lập. Còn PGS-TS Nguyễn Quốc Hưng, Trưởng khoa Kỹ thuật, Trường ĐH Việt Đức, khuyên TS nên ôn tập tốt, không quá áp lực, hầu hết mỗi trường sẽ có từ 3 - 4 hoặc nhiều hơn phương thức tuyển sinh, để các em chọn lựa phù hợp nhất.

“Sức mình đủ, sức người khác còn vượt hơn”

Đó là lời khuyên của thạc sĩ Cao Quảng Tư đối với TS khi đăng ký nguyện vọng. Theo thạc sĩ Tư, kinh nghiệm “xương máu” là TS nên tự vào website của trường đọc đề án tuyển sinh, chú ý số lượng chỉ tiêu. “Nhiều em 28, 29 điểm vẫn rớt ĐH. Ví dụ các ngành y dược, công an, quân đội chỉ tiêu rất ít, cạnh tranh rất cao. Các em thấy sức mình đủ, nhưng sức người khác còn vượt hơn, do nhiều bạn có điểm ưu tiên khu vực, đối tượng nữa”, thạc sĩ Tư khuyên.

Thí sinh phải liệu cơm gắp mắm, lưu ý cốt lõi là đăng ký số lượng nguyện vọng vừa phải, tập trung ở một nhóm ngành các em đam mê nhất, sắp xếp theo thứ tự từ thích nhất xuống thấp dần, tham chiếu điểm chuẩn trong khoảng 2 - 3 năm gần đây.

Ông VÕ NGỌC NHƠN, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

Theo dự kiến, Bộ GD-ĐT sẽ dành từ 3 - 4 tuần cho TS đăng ký nguyện vọng lên cổng thông tin điện tử. Thạc sĩ Nguyễn A Say, Phó trưởng khoa Xã hội truyền thông, Trường ĐH Văn Hiến, đánh giá đây là quãng thời gian để TS tìm hiểu và quyết định nguyện vọng. “Tuy nhiên, thách thức ở đây cũng là thời gian dài, các em dễ phân vân, thay đổi. Nên tham khảo ý kiến thầy cô. Quan trọng nhất là căn cứ vào năng lực cá nhân, sở thích của mình, đừng chọn đại”, cô Say khuyên.

“TS trúng tuyển ĐH bằng xét học bạ thì cũng chỉ mới đặt 1 chân vào trường thôi, các em nhớ thi tốt nghiệp THPT cho thật tốt”, cô Say nhắn nhủ.

Bao nhiêu chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm THPT ?

Tiến sĩ Trần Thiện Lưu cho biết Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dành gần 50% chỉ tiêu dựa vào kết quả thi THPT. Với TS đăng ký nguyện vọng trong nhóm ngành sức khỏe, giáo dục mầm non cần chú ý cả ngưỡng điểm đầu vào (Bộ GD-ĐT sẽ công bố).

PGS-TS Nguyễn Quốc Hưng cho hay Trường ĐH Việt Đức dành 60% chỉ tiêu cho phương thức kỳ thi riêng của nhà trường, xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT khoảng 20% chỉ tiêu. Theo ông Hưng, khoảng 10 năm trở lại đây, ngưỡng điểm trúng tuyển của trường là 20 - 21.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ thông tin, với phương thức xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM dành 85 - 90% chỉ tiêu, tương đương với 1.500 - 1.600 chỉ tiêu xét tuyển vào các ngành trong đào tạo ĐH chính quy chuẩn. Bên cạnh đó là 400 - 500 chỉ tiêu cho chương trình chất lượng cao; 30 chỉ tiêu cho chương trình quốc tế song bằng. “Các năm 2020, 2021 cho thấy điểm chuẩn có xu hướng tăng. TS đừng đoán điểm chuẩn, nên lưu ý chiến lược đăng ký nguyện vọng chính xác, xác định phương thức tuyển sinh phù hợp”, ông Vũ khuyên.

Ông Võ Ngọc Nhơn nói năm nay Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dành 75% chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm tốt nghiệp THPT. Còn thạc sĩ Cao Quảng Tư cho hay Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn có 40% chỉ tiêu phương thức này. Cô Say cho biết năm 2022 Trường ĐH Văn Hiến tuyển sinh với 5 phương thức (xét học bạ, điểm thi THPT, tuyển thẳng, điểm thi đánh giá năng lực, xét kết hợp thi tuyển với piano, thanh nhạc).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.