Xét xử 2 cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa và 5 đồng phạm: Giao đất dự án vì... tin cấp dưới?

05/04/2022 05:53 GMT+7

Ngày 4.4, TAND tỉnh Khánh Hòa đưa vụ án sai phạm trong quản lý đất đai xảy ra tại Khánh Hòa ra xét xử công khai.

Trong vụ án này, Viện KSND tỉnh Khánh Hòa truy tố 7 bị can, gồm: Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, cùng là cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Đào Công Thiên, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh; Lê Mộng Điệp, cựu Giám đốc Sở TN-MT; Võ Tấn Thái, cựu Giám đốc Sở KH-ĐT và Sở TN-MT; Lê Văn Dẽ, cựu Giám đốc Sở Xây dựng và Trần Văn Hùng, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN-MT.

Xét xử 2 cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và 5 đồng phạm

Toàn cảnh phiên xét xử và các bị cáo tại tòa

Hiền Lương

Hành vi mà các bị cáo bị truy tố có liên quan đến việc triển khai 2 dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự (513 ha) và Biệt thự sông núi Vĩnh Trung (hơn 19,6 ha) trên núi Chín Khúc, TP.Nha Trang giai đoạn 2012 - 2015. Hai dự án này đều do Công ty TNHH xây dựng và đầu tư Khánh Hòa (trụ sở Khánh Hòa) làm chủ đầu tư.

Luật sư đề nghị sáp nhập các tội danh đối với 7 bị cáo

Có 16 luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ án này. TAND tỉnh Khánh Hòa cũng triệu tập 2 người làm chứng và 4 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Tại phiên xét xử, có 6/7 bị cáo có mặt, ông Võ Tấn Thái vắng mặt tại phiên xét xử. Theo nguồn tin riêng của Thanh Niên, ông Thái vắng mặt do đang điều trị bệnh tại TP.HCM. Trong ngày đầu tiên, HĐXX chủ yếu xoay quanh nội dung thẩm tra hồ sơ, lý lịch các bị cáo và người làm chứng, người có nghĩa vụ liên quan. Buổi chiều, HĐXX tập trung xét hỏi phần liên quan đến dự án Cửu Long Sơn Tự trên núi Chín Khúc, có liên quan đến ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Các cơ quan báo chí được tác nghiệp trong phòng riêng, có màn hình theo dõi vụ xét xử.

Tại phiên xét xử, luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị HĐXX triệu tập các bên liên quan gồm đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở KH-ĐT, Sở TN-MT để làm rõ một số vấn đề của vụ án. Luật sư bào chữa đề nghị HĐXX thu thập thêm các chứng cứ liên quan kế hoạch sử dụng đất từ năm 2012 - 2015 của TP.Nha Trang và các địa phương có liên quan. Nguyên nhân là trong hồ sơ vụ án, các luật sư bào chữa cho các bị cáo không thể tiếp cận được các kế hoạch sử dụng đất nói trên.

Ngoài ra, các luật sư cũng đề nghị giám định bệnh hiểm nghèo đối với bị cáo Võ Tấn Thái để xem xét có thuộc trường hợp được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Các luật sư cũng đề nghị sáp nhập các tội danh đối với 7 bị cáo vì không thể một tội danh mà xét xử nhiều vụ án khác nhau. Việc này khi tuyên án sẽ gây thiệt thòi cho các bị cáo.

Sau khi xem xét, HĐXX không đồng ý triệu tập đối với đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa và sở, ban, ngành liên quan vì vụ án này chỉ xét xử các cá nhân vi phạm. Về việc thu thập các kế hoạch sử dụng đất ở TP.Nha Trang và các địa phương có liên quan, HĐXX không đồng ý. Riêng đối với đề nghị giám định sức khỏe ông Võ Tấn Thái, HĐXX cho rằng không cần thiết. Đối với yêu cầu của luật sư về việc sáp nhập tội danh của các bị cáo, HĐXX cho hay việc này là không có căn cứ. Hơn nữa, vụ án “vi phạm quy định về quản lý đất đai” khi triển khai dự án trên núi Chín Khúc là vụ án độc lập.

Văn bản dày, đọc 45 ngày không hết

Nói về nguồn gốc dự án Cửu Long Sơn Tự từ 75 ha nhưng sau đó nâng lên 123 ha rồi đến 513 ha, ông Thắng cho biết năm 2011 có doanh nghiệp đăng ký thực hiện dự án Cửu Long Sơn Tự bằng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với mục đích hoàn vốn cho dự án tỉnh lộ 3 của tỉnh. Tuy nhiên, nhà đầu tư không có năng lực, không triển khai nên chính quyền thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư. Khi làm dự án Cửu Long Sơn Tự chỉ thông qua là ủy ban quyết định. Sau này có nhà tài trợ làm dự án tâm linh, UBND tỉnh mới báo cáo Tỉnh ủy, thông qua HĐND.

Trả lời câu hỏi của Viện KSND, vì sao dự án này 75 ha, sau này sáp nhập dự án lên đến 513 ha. Ông Thắng giải thích, mục tiêu của tỉnh là tăng được độ che rừng, nên việc tăng dự án lên 513 ha là cần thiết và cấp thiết. “Việc tăng diện tích lên nếu làm thật, chủ đầu tư trồng rừng rất tốt. Thực tế sau này, cơ quan điều tra vào cuộc sau khi lập dự án là trồng rừng thật”, ông Thắng trả lời và cho rằng vấn đề mấu chốt, diện tích giao có đất thương mại dịch vụ và hơn 7.000 m2 đất ở không nằm trong quy hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt trước đó. Theo ông Thắng, việc này là doanh nghiệp đề xuất; ông có đồng ý và giao Sở TN-MT kiểm tra thực hiện theo quy định. Sở TN-MT không báo cáo lại mà trình tiếp đồng ý. Trong lúc đó, ông không biết khu đất có nằm trong quy hoạch này không.

“Khi đề xuất tờ trình điều chỉnh có 7.500 m2 đất ở, tôi nghĩ Sở TN-MT trình lên, Văn phòng UBND tỉnh đã kiểm tra nên tôi ký. Văn bản dày, đọc 45 ngày không hết. Tôi tin tưởng cấp dưới tham mưu, tin hoàn toàn vào Sở TN-MT”, ông Thắng nói.

Luật sư hỏi về vai trò tham mưu của các sở, ngành trong việc cấp phép dự án cũng như giao đất, ông Thắng cho biết quy trình đất đai, theo quy trình một cửa trình lên là ông ký. Sở TN-MT, các sở khi tham mưu lên văn phòng; sẽ có phòng xây dựng - nhà đất kiểm tra, văn thư đưa ông ký.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Thắng hỏi: Trước khi khởi tố vụ án bị can bị bắt tạm giam (giữa năm 2021), ông có nhận thức sai phạm liên quan đến các quyết định mà mình đã ký? Bị cáo Thắng trả lời: “Tôi thấy mình đã phạm tội, mong HĐXX xem xét ân giảm án để trở về với đời sống bình thường. Sau này khi tiếp cận với luật sư, tôi mới biết nếu lúc đó có những cách tiếp cận mới là áp dụng quy định pháp luật theo luật bảo vệ phát triển rừng, thì nó cũng giảm bớt phần nào đối với tội danh của tôi...”.

Ngày mai phiên tòa sẽ tiếp tục và dự kiến xét xử trong 5 ngày từ thứ hai đến thứ sáu tuần này.

Trả lời HĐXX, cựu Giám đốc Sở TN-MT Khánh Hòa Lê Mộng Điệp cho biết, Sở TN-MT chỉ thực hiện quy trình dự án, đơn vị tham mưu về dự án trước đó là Sở NN-PTNT. Theo ông Điệp, mình cũng đã ký 3 tờ trình tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc chuyển đổi hơn 1,7 ha đất rừng của dự án sang đất phi nông nghiệp để Chi cục Thuế tỉnh thu tiền sử dụng đất. Vì thế, ông Điệp nhận mình có một phần trách nhiệm trong sai phạm liên quan đến dự án Cửu Long Sơn Tự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.