Ngày 23.12, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên sơ thẩm, xét xử 36 bị cáo trong “đại án” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Công ty CP Tiến Bộ Quốc tế (Công ty AIC, do bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm Chủ tịch HĐQT, đang bỏ trốn), gây thiệt hại cho nhà nước hơn 152 tỉ đồng.
Trong ngày làm việc thứ 3 này, tòa dành toàn bộ thời gian cho luật sư (LS) xét hỏi các bị cáo.
Tài sản bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và công ty AIC có đủ bồi thường 152 tỉ đồng? |
Theo cáo buộc, dù biết rõ AIC không đủ năng lực nhưng để trúng thầu tại dự án Bệnh viện (BV) đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn đã thiết lập mối quan hệ với lãnh đạo địa phương và dùng nhiều thủ đoạn gian lận như dùng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng với chủ đầu tư… để tham gia đấu thầu và trúng 16 gói thầu tại dự án, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 152 tỉ đồng.
Bà Nhàn bị xét xử về 2 tội “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, với cáo buộc là kẻ chủ mưu, cầm đầu. Tuy nhiên, bà Nhàn đang bỏ trốn cùng 7 đồng phạm khác, trong đó có Trần Mạnh Hà, cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC và các “quân xanh, quân đỏ”: Nguyễn Đăng Thuyết, cựu Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội; Ngô Thế Vinh, cựu Giám đốc Công ty nha khoa Việt Tiên; Đỗ Mỹ Hạnh, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa…
Toàn cảnh phiên tòa trong buổi làm việc ngày 23.12 |
kiến trần |
Thêm 2 bị cáo “trình diện”
Trong vụ án, Nguyễn Đăng Thuyết bị cáo buộc đã làm “quân xanh, quân đỏ” để thông thầu, giúp AIC trúng 5 gói thầu, gây thiệt hại 55,5 tỉ đồng, hưởng lợi 1,9 tỉ đồng. Bị cáo Hạnh thông thầu dưới hình thức ký khống 13 bảng báo giá thiết bị để chuyển cho đơn vị thẩm định giá. Việc này giúp AIC và các công ty “quân đỏ” trúng 13 gói thầu theo báo giá mà Hạnh ký, gây thiệt hại 128,1 tỉ đồng và Hạnh hưởng lợi 1,2 tỉ đồng. Về phía Vinh, bị cáo này thông thầu dưới hình thức làm “quân xanh” giúp AIC trúng 10 gói thầu, gây thiệt hại 74,9 tỉ đồng và hưởng lợi 120 triệu đồng từ việc bán 11 thiết bị để cung cấp vào dự án.
Tại phiên tòa, LS bào chữa cho bị cáo Thuyết đã công bố bản tường trình mà thân chủ gửi từ Mỹ về cho tòa. Nội dung nêu bị cáo Thuyết đang cư trú tại Mỹ, có địa chỉ rõ ràng và bản thân không bỏ trốn như cáo buộc của cơ quan tố tụng. Bị cáo Thuyết cho hay thông qua luật sư và báo chí mới biết việc mình bị truy tố, đưa ra xét xử. Do nhận được thông tin về vụ án quá gấp và thời gian mở phiên tòa nhanh nên không thu xếp về VN dự tòa được.
Xem nhanh 20h ngày 24.12: Tỉ phú bỏ trốn và chuyện bồi thường 152 tỉ | Diễn biến vụ tài xế ném va li |
Về cáo buộc làm “quân xanh, quân đỏ” giúp AIC trúng 5 gói thầu, bị cáo Thuyết cho biết do sự việc xảy ra đã lâu nên bị cáo không nhớ và tôn trọng cáo trạng. Riêng việc quy kết bỏ trốn, bị cáo này khẳng định mình không bỏ trốn bởi từ tháng 4.2021, Thuyết đã xuất cảnh sang Mỹ giám hộ cho 2 con nhỏ, thời điểm này vụ án chưa hình thành. Trước khi phiên tòa diễn ra, Thuyết đã gửi tiền về nhờ gia đình nộp lại toàn bộ 1,9 tỉ đồng hưởng lợi bất chính.
Tại tòa, LS của bị cáo Đỗ Mỹ Hạnh thông báo về việc thân chủ của mình vắng mặt, nhưng sẽ sớm có bản tường trình gửi tòa để giải trình những hành vi của mình. LS của bị cáo Ngô Thế Vinh cũng cho biết thân chủ của mình đang điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ tại Mỹ, ngoài ra Vinh cũng phải chăm sóc con bị tự kỷ nên không thể về dự tòa.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và hai cựu lãnh đạo Đồng Nai bị đề nghị án tù |
Nhân viên AIC “than” phải chịu áp lực lớn
Trả lời thẩm vấn của LS tại tòa, bị cáo Hoàng Thế Quỳnh, cựu nhân viên AIC, cho hay quá trình làm việc tại công ty, bị cáo này phải chịu áp lực lớn mà không được hứa hẹn cũng như hưởng lợi gì ngoài lương, thưởng.
Một cựu nhân viên khác của AIC là bị cáo Lê Chí Tuân, Trưởng nhóm Hồ sơ dự thầu của AIC, cũng thừa nhận đã phải chịu nhiều áp lực từ công ty. Bị cáo Tuân khai nhận nhiệm vụ của mình và những thành viên trong nhóm chủ yếu là tập hợp tài liệu, giấy tờ để các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu thầu tại dự án BV đa khoa Đồng Nai. Quá trình làm việc, không chỉ bị cáo Tuân mà cả nhóm hồ sơ đều chịu rất nhiều áp lực từ phía lãnh đạo. Cả nhóm nhiều lần bị nhắc nhở, cảnh cáo nếu không cố gắng làm thì sẽ bị kỷ luật, cắt tiền thưởng lương tháng thứ 13, thậm chí bị đuổi việc.
Là cựu lãnh đạo duy nhất của AIC hầu tòa, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, cựu Phó tổng giám đốc AIC, cho hay bản thân cũng từng bị cắt thưởng tháng lương thứ 13 khi để trượt 1 gói thầu tại BV đa khoa Đồng Nai.
Xét xử đại án AIC: Một bị cáo ở Mỹ gửi tiền về bồi thường thiệt hại |
Bình luận (0)