Xét xử đại án cao tốc vừa đi đã hỏng: Không tuân thủ kỹ thuật, thiết kế

Trần Cường
Trần Cường
02/12/2021 06:38 GMT+7

Đại diện Viện KSND cho biết cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi phải có kết cấu loại A với tốc độ 120 km/giờ và tính toán độ bền trên 20 năm, nhưng trong năm đầu tiên đưa vào sử dụng cao tốc đã hư hỏng.

Ngày 1.12, TAND TP.Hà Nội tiếp tục ngày làm việc thứ 9, xét xử 36 bị cáo trong vụ án “vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Các bị cáo là cựu lãnh đạo Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các cán bộ, kỹ sư đơn vị tư vấn, giám sát.

Tại phiên tòa, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội cho rằng 2 cựu Phó tổng giám đốc VEC là các bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng và Lê Quang Hào đã cố ý phạm tội, cùng với 34 bị cáo còn lại gây thiệt hại lớn cho tài sản nhà nước. Đại diện Viện KSND TP.Hà Nội phân tích dự án trên là công trình trọng điểm quốc gia, có chi phí đầu tư rất lớn nhưng chủ đầu tư, nhà thầu, giám sát… đã không tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dẫn đến việc tuyến đường không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn nghiệm thu, vừa đưa vào sử dụng đã hỏng. Đại diện Viện KSND cho biết cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi phải có kết cấu loại A với tốc độ 120 km/giờ và tính toán độ bền trên 20 năm, nhưng trong năm đầu tiên đưa vào sử dụng cao tốc đã hư hỏng.

Tại phiên tòa, nhiều bị cáo, luật sư nghi ngờ kết luận giám định, con số thiệt hại hơn 811 tỉ đồng và cho rằng cần có một cơ quan có chuyên môn sâu để giám định lại, cũng như cần tính toán lại con số thiệt hại. Bên cạnh đó, nhiều bị cáo, luật sư cũng cho rằng việc chuyển công nghệ VTO sang Novachip khi thi công tuyến đường là có căn cứ. Tuy nhiên, theo kiểm sát viên, căn cứ kết quả điều tra, giám định và diễn biến phiên tòa, cơ quan tố tụng đánh giá việc chuyển đổi này chưa đảm bảo về kỹ thuật và sai về pháp lý.

Theo đại diện Viện KSND, các bị cáo Hùng và Hào biết công trình không đảm bảo nhưng vẫn cố tình nghiệm thu cơ sở để đưa vào sử dụng. Quá trình xét xử, 2 bị cáo này đều thừa nhận hành vi của mình, nhưng viện lý do yêu cầu về tiến độ nên mới ký nghiệm thu. Chủ đầu tư và đơn vị liên quan vẫn ký nghiệm thu, thanh toán cho các nhà thầu trên 811 tỉ đồng trong giai đoạn 1 của dự án, đây là thiệt hại lớn mà các bị cáo đã gây ra cho nhà nước.

Ngoài ra, sau khi phát hiện sai phạm, Bộ GTVT có văn bản cảnh báo về việc sử dụng vật liệu đá kém chất lượng, nhưng VEC cùng ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan không có phương án, biện pháp để kiểm tra, loại bỏ vật liệu này. Viện KSND TP.Hà Nội giữ nguyên quan điểm, quy kết 36 bị cáo cùng phạm tội “vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đại án đường cao tốc ngàn tỉ vừa đi đã hỏng: cựu lãnh đạo VEC hầu tòa
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.