Xét xử đại án 'chuyến bay giải cứu': Những lời sám hối muộn màng

Các bị cáo là cựu quan chức và đại diện doanh nghiệp đã lợi dụng dịch bệnh, tạo ra liên minh lợi ích, kiếm tiền từ sự khó khăn cùng cực của người dân.

Chiều muộn 21.7, sau 9 ngày làm việc, phiên tòa xét xử đại án "chuyến bay giải cứu" kết thúc phần tranh luận. Hội đồng xét xử (HĐXX) cho các bị cáo nói lời sau cùng trước khi vào nghị án. Tuy nhiên, do thời gian đã muộn và mới có khoảng 20 bị cáo nói xong, HĐXX quyết định tạm dừng làm việc, tiếp tục vào sáng nay.

Xin giảm án tử để được sống

Đứng trước tòa, hầu hết các bị cáo đều mong HĐXX cân nhắc. Trong số này, Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng, nói đến nay nhận thức rõ nên thành khẩn khai báo từ rất sớm. Bị cáo mong sớm được trở về với xã hội, gia đình và mẹ già. Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng mong được tha thứ và hưởng khoan hồng. Tương tự, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan vẫn cho rằng việc nhận hối lộ từ các doanh nghiệp (DN) là do nể nang và nhận thức chưa đầy đủ, đồng thời trình bày hoàn cảnh mẹ già, con nhỏ, mong được hưởng mức án thấp để sớm trở về với gia đình.

Xem nhanh 20h ngày 22.7: Chuyến bay giải cứu - Cựu thiếu tướng nói Hoàng Văn Hưng không hiểu luật

Một bị cáo khác là Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, nói bản án tử hình mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị với mình là rất nghiệt ngã, "không nghĩ phải đối diện với mức án cao như vậy khi mới ngoài 40 tuổi". Bị cáo Kiên xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội được sống.

Xét xử đại án 'chuyến bay giải cứu': Những lời sám hối muộn màng - Ảnh 1.

Các bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”

Trần Phan

Kiếm tiền trên nỗi đau của đồng bào

Trước đó, trong phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát cho biết trong số 54 bị cáo thì có tới 21 người bị truy tố tội nhận hối lộ, là các cựu quan chức thuộc nhiều bộ, ngành, địa phương. Khi bào chữa cho nhóm này, nhiều luật sư cho rằng việc nhận tiền của DN xuất phát từ sự cảm ơn, không hứa hẹn, không gây khó dễ.

Tuy nhiên, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa nêu rõ, các bị cáo là người có chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ liên quan đến công tác tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước; đã lợi dụng vị trí công việc được giao để trực tiếp hoặc thông qua trung gian nhận tiền nhằm tạo điều kiện cấp phép chuyến bay theo yêu cầu của người đưa tiền.

"Các bị cáo đưa, nhận hối lộ đều là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có đủ nhận thức và biết rõ hành vi đưa, nhận tiền là vi phạm pháp luật. Nhưng vì mong muốn đạt được mục đích của mình, các bị cáo vẫn thực hiện tội phạm với lỗi cố ý", kiểm sát viên đánh giá, đồng thời nhấn mạnh hành vi nhận hối lộ của nhóm cựu quan chức đã gián tiếp buộc DN phải nâng giá vé máy bay và các chi phí khác để bù đắp nguồn thu, người chịu thiệt thòi không ai khác chính là hàng ngàn công dân đang mắc kẹt ở nước ngoài.

Xem nhanh 20h ngày 21.7: Viện kiểm sát nói Hoàng Văn Hưng 'tráo trở’ | Xôn xao chuột bò trên túi bún

Kiểm sát viên "phẫn nộ" với quan điểm bào chữa của luật sư

Đại diện Viện kiểm sát cũng dành thời gian tranh luận quan điểm của từng bị cáo và luật sư bào chữa, trong số này có Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế. Luật sư của bị cáo Kiên cho rằng số tiền mà bị cáo nhận hối lộ nếu chia trung bình cho 18 DN đã chi tiền thì không lớn; 42,6 tỉ đồng là phép cộng của hơn 30.000 công dân về nước, mỗi người chỉ bỏ ra 500.000 - 2 triệu đồng, "có lớn không khi đổi lấy sự an toàn tính mạng và sức khỏe?".

Kiểm sát viên cho hay "rất phẫn nộ" với quan điểm bào chữa trên, bởi thể hiện sự thờ ơ trước những đau khổ, mất mát của đồng bào và của nhân loại; xúc phạm những người dân trải qua đại dịch đầy khốc liệt và đau thương. Hành vi của các bị cáo, điển hình là bị cáo Kiên, đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của chủ trương tổ chức chuyến bay combo; phản bội lại sự cố gắng của Đảng, Nhà nước, nhân dân trong cuộc chiến với đại dịch.

Bên cạnh đó, quá trình xét xử, nhóm bị cáo tại Cục Lãnh sự và luật sư bào chữa đều khẳng định họ chưa bao giờ gây khó khăn, sách nhiễu DN, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích của DN. Thế nhưng, đại diện Viện kiểm sát trích lời khai của một số bị cáo là đại diện DN, cho thấy thực tế hoàn toàn ngược lại với những lời "hoa mỹ" của các bị cáo. Điển hình như Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty TNHH và thương mại dịch vụ hàng không An Bình, cho biết: "Nếu không gặp chị Lan (cựu Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan - PV) để xin chuyến bay và cảm ơn quà, tiền, công ty của tôi chắc chắn không được cấp phép các chuyến bay. Chị Lan đồng ý nhận lời, nhận quà thì chắc chắn được duyệt…". 

Trình chiếu clip từ camera để buộc tội cựu điều tra viên

Vụ án này, Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên, cựu Trưởng phòng 5, Cục An ninh điều tra (Bộ Công an), bị cáo buộc lừa đảo 800.000 USD của Lê Hồng Sơn, cựu Tổng giám đốc Công ty Bluesky, và Nguyễn Thị Thanh Hằng, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky, thông qua phi vụ "chạy án" 2,65 triệu USD.

Quá trình xét xử, bị cáo Hưng liên tục kêu oan, đề nghị Viện kiểm sát chứng minh hành vi phạm tội của bản thân. Vì thế, đại diện Viện kiểm sát đã cho trình chiếu đoạn video trích xuất từ camera an ninh tại cổng trụ sở Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an). Video cho thấy Hưng đã nhận chiếc cặp số do bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, chuyển tới.

Theo kiểm sát viên, bên trong cặp chứa 450.000 USD, là tiền "chạy án" mà Hằng thông qua bị cáo Tuấn gửi cho Hưng, chứ không phải 4 chai rượu vang như lời Hưng khai. Tuy vậy, Hưng vẫn khẳng định: "Sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng của mình để tìm lại sự trong sạch cho bản thân".

Doanh nghiệp đề nghị được trả lại tiền 'chạy án' để hoàn cho người mua vé

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.