(TNO) Sáng 15.1, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm "đại án" Huyền Như, một luật sư bảo vệ quyền lợi bị hại nhận định: Đang có dấu hiệu quy tội cho Huyền Như để "giải thoát" cho Vietinbank.
|
Phạm Anh Tuấn không phạm tội?
Mở đầu ngày bào chữa thứ ba, luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho Phạm Anh Tuấn (nguyên giám đốc công ty Thái Bình Dương), khẳng định Phạm Anh Tuấn không phạm tội.
Theo cáo trạng, Phạm Anh Tuấn (nguyên Giám đốc công ty Thái Bình Dương) đem tiền Nhà nước đi gửi tiết kiệm lấy lãi vì tư lợi, hưởng lợi lãi suất chênh lệch 121 tỉ đồng, gây thất thoát 80 tỉ đồng. Tuấn bị đề nghị xử phạt từ 13 - 15 năm tù.
Theo luật sư Thiệp, việc truy tố Phạm Anh Tuấn phải xem xét lại vì chưa đáp ứng đầy đủ các yếu tố cấu thành của tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong công vụ. Muốn truy tố bị cáo về tội này, phải có 4 yếu tố: vì tư lợi, lợi dụng quyền hạn, làm trái công vụ và gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội... Nếu thiếu 1 trong 4 yếu tố đó thì không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Luật sư Thiệp cho rằng nếu kết luận Tuấn lấy tiền Nhà nước cho vay lấy lãi là không đúng, vì đây là hợp đồng hợp tác đầu tư, bảo toàn vốn, và mang về 58 tỉ đồng tiền lãi. Tuấn không làm trái công vụ.
"Không có quy định nào cấm doanh nghiệp lấy tiền đi gửi ngân hàng để sinh lời. Việc làm của Tuấn là việc làm năng động. Tuấn ký hợp đồng với pháp nhân là Vietinbank Nhà Bè và Vietinbank TP.HCM, không ký với cá nhân. Dấu giả, chữ ký giả chỉ bị phát hiện qua giám định, chứ trước đó Tuấn không biết", luật sư Thiệp nói.
Cũng theo luật sư Thiệp, trong quá trình quản lý đều có báo cáo, được đại hội đồng cổ đông thông qua, trong đó có chuyện gửi tiền lấy lãi. Nếu nói hành vi này là sai thì trách nhiệm còn thuộc về tập thể.
Luật sư Thiệp lý luận, bản chất của sự việc, Tuấn không thực hiện trực tiếp tất cả mọi việc mà cán bộ, phòng chức năng của công ty Thái Bình Dương đi giao dịch, liên hệ. Nếu có tư lợi thì Tuấn không dại gì giao cho nhân viên thực hiện giao dịch vì sẽ bị lộ thỏa thuận "đen", giao dịch ngoài luồng.
Luật sư Thiệp phân tích với vị trí là giám đốc để thất thoát tiền thì Tuấn phải chịu trách nhiệm nhưng là tội gì thì phải truy tố cho đúng. Cáo trạng truy tố Tuấn hưởng lợi 121 tỉ đồng chỉ dựa vào lời khai của Như, lời khai của những người hưởng lương, ruột thịt của Như và USB chứa thông tin của Như cung cấp.
Luật sư Thiệp nghi vấn số liệu này có thể bị điều chỉnh. Việc điều chỉnh số liệu ai sẽ là người hưởng lợi? Chính là người chiếm đoạt số tiền, Huyền Như, lợi cả về giảm trách nhiệm hình sự lẫn trách nhiệm dân sự. Hậu quả quy buộc Tuấn chịu trách nhiệm 80 tỉ là không công bằng trong khi 15 hợp đồng đã tất toán, mang lợi về cho doanh nghiệp thì không được xem xét, luật sư Thiệp lý luận.
"Huyền Như lấy con dấu của Vietinbank sử dụng, giả chữ ký của lãnh đạo và Tuấn giao dịch với phó giám đốc Vietinbank Nhà Bè, có văn bản xác nhận của người chủ sở hữu có dấu, cho thấy Vietinbank phải chịu trách nhiệm về người có chức danh, trách nhiệm của Vietinbank và chịu trách nhiệm về con dấu của mình", luật sư Thiệp nói.
|
Cùng bào chữa cho Phạm Anh Tuấn, luật sư Nguyễn Thiều Dương cho rằng tính toán lãi suất thiếu logic, thiếu khoa học, không thể giải thích được tại sao lại cho ra con số 121 tỉ đồng. Có 15 hồ sơ vay nhưng Như lại chuyển tiền đến 21 lần khi Như nói là chuyển tiền ngay khi ký hợp đồng, chuyển tiền. Thời điểm chuyển tiền, số lần chuyển tiền không phù hợp, khớp với nhau.
"Đỗ Quốc Thái khai tại tòa là những lần chuyển tiền đó là do nhìn vào thông tin trên USB đọc lại mà khai. Đây không phải là chứng cứ vì không phải Thái nhớ mà khai, nên không thể được xem là nguồn chứng cứ quy buộc, kết tội Tuấn", luật sư Dương.
Từ những căn cứ này, luật sư đề nghị tòa tuyên Phạm Anh Tuấn không phạm tội.
Có dấu hiệu bất thường?
Mở đầu cho nhóm bị hại, luật sư Nguyễn Minh Tâm, bảo vệ quyền lợi cho Công ty chứng khoán Saigonbank - Berjaya (cáo trạng quy buộc Huyền Như chiếm đoạt 210 tỉ đồng của công ty chứng khoán này), có phần bào chữa đầu tiên. Ngay phần đầu của bài bảo vệ quyền lợi, luật sư Tâm đã đề cập đến việc các luật sư gặp những khó khăn nhất định từ việc Hội đồng xét xử cho phép Vietinbank không trực tiếp trả lời từng câu hỏi của luật sư như thường lệ, vì một số lý do.
Theo luật sư Tâm, đây là việc làm "hiếm thấy" trong hoạt động tố tụng, xét hỏi.
“Đây được xem là đại án với số tiền chiếm đoạt lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam. Nhưng những ngày qua, diễn biến của phiên tòa cho thấy có những dấu hiệu gì đó không bình thường, như: VKS không cần xét hỏi khi còn quá nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề mâu thuẫn nảy sinh qua các lời khai của các bị cáo, thậm chí có bị cáo kêu oan, đặc biệt là ý kiến của pháp nhân, ngân hàng, công ty phản đối tư cách “nguyên đơn dân sự” của họ. Những vấn đề này cần phải được đại diện Viện KSND xét hỏi cho rõ để bảo vệ quan điểm truy tố và kết luận của bản cáo trạng...”, luật sư Tâm nêu ý kiến.
|
Cũng theo luật sư Tâm, cáo trạng quy trách nhiệm cho Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối, ký 14 hợp đồng ủy thác đầu tư giả, hướng dẫn Saigonbank - Berjaya mở tài khoản ở Vietinbank TP.HCM để chiếm đoạt 210 tỉ đồng. Theo lập luận này, Saigonbank - Berjaya trở thành pháp nhân bị thiệt hại do chính hành vi lừa đảo của Huyền Như gây ra.
Luật sư Tâm nói: “Có nhận định này là do Viện KSND không đi sâu phân tích mối quan hệ Nhân - Quả giữa các thủ đoạn gian dối của Huyền Như với hậu quả chiếm đoạt tiền do các sở hở của Vietinbank để xác định trách nhiệm thiệt hại, lại quy kết cho Huyền Như chịu trách nhiệm để “giải thoát” cho Vietinbank”.
Luật sư Tâm phân tích Công ty của Saigonbank - Berjaya không phải là nguyên đơn dân sự vì không yêu cầu Huyền Như bồi thường, không bị Như chiếm đoạt. Luật sư Tâm dẫn chứng, Như dùng nhiều thủ đoạn dụ Saigonbank ký hợp đồng. Saigonbank - Berjaya ký hợp đồng, chuyển tiền vào tài khoản của đơn vị này mở ở Vietinbank.
Theo luật sư Tâm, rõ ràng rằng, nếu Huyền Như không chiếm đoạt thì số tiền này vẫn còn nằm trong tài khoản của Saigonbank - Berjaya, nên việc chuyển tiền không phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả số tiền đó bị chiếm đoạt mà nguyên nhân bị chiếm đoạt tiền là do Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối trong nghiệp vụ ngân hàng để rút tiền từ tài khoản hợp pháp của Saigonbank - Berjay.
Các thủ đoạn đó là: giả chữ ký chủ tài khoản, giả con dấu của Saigonbank - Berjaya đóng vào lệnh chuyển tiền. Thủ đoạn này của Như đã lừa cả giao dịch viên, qua mặt cả Vietinbank. Công ty Saigonbank - Berjaya không phải là người bị lừa trong thủ đoạn gian dối này, nạn nhân chính là Vietinbank, họ mới là bị hại, bị Như chiếm đoạt 210 tỉ đồng, theo luật sư Tâm.
Luật sư Tâm còn khẳng định Vietinbank phải có trách nhiệm hoàn trả 210 tỉ đồng vì tài khoản của Saigonbank được mở hợp pháp, có chữ ký thật của hai bên, hồ sơ mở tài khoản không bị Huyền Như làm giả. Tài khoản này đang được Vietinbank quản lý. Đối chiếu với trách nhiệm của ngân hàng được quy định ở Quyết định 1284 thì Vietinbank đã vi phạm khi: thực hiện lệnh thanh toán giả, không làm đúng thủ tục, không kiểm soát để phát hiện ngăn chặn các lệnh thanh toán giả… Ngoài ra, theo giao kết giữa hai bên, Vietinbank phải thông báo in sao kê các giao dịch tài khoản hàng tháng nhưng đơn vị này không thực hiện nên Saigonbank - Berjaya không biết để ngăn chặn kịp thời.
Luật sư Tâm kết luận trong phần bào chữa: Vietinbank đã có lỗi để tội phạm lợi dụng sơ hở trong quản lý nghiệp vụ chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng nên phải bồi thường.
Chiều nay (15.1) phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư
Bài, ảnh: Lê Quang
>> Đại án lừa đảo: Siêu lừa Huyền Như trong vòng vây tín dụng đen
>> Sắp xét xử ‘siêu lừa’ gần 4.000 tỉ đồng Huỳnh Thị Huyền Như
>> Siêu lừa hơn 228 tỉ đồng lãnh án chung thân
>> Xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Các bị cáo vi phạm quy định cho vay được vô tội ?
>> Đại án Huyền Như lừa đảo: Các bị cáo là nạn nhân của 'sếp
>> Xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Đề nghị 2 án chung thân và khởi tố bổ sung nhiều cá nhân
>> Các luật sư cho rằng để Huyền Như lừa đảo được là do Vietinbank
Bình luận (0)