Ngày 31.10, HĐXX bắt đầu xét hỏi các bị cáo trong nhóm tham gia giúp sức, vận chuyển gần 200 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam. Cụ thể, cáo trạng truy tố Nguyễn Minh Khoa (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư vận tải biển Thuận Phát tại Hải Phòng, anh họ của bị cáo Đào Ngọc Viễn) cùng với Trần Văn Việt (thuyền trưởng) và Nguyễn Tuấn Việt (thuyền phó Tàu Pacific Ocean) cùng nhiều bị cáo khác về hành vi buôn lậu khi tham gia vận chuyển hơn 197 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ, trị giá phạm pháp gần 2.600 tỉ đồng.
Thuyền trưởng đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu kêu oan |
Chiêu trò xóa dấu vết
Trong phần xét hỏi, bị cáo Khoa thừa nhận cáo trạng truy tố đúng tội, nhưng lại băn khoăn về hành vi bị truy tố vì quá trình tham gia vận chuyển hơn 197 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam không nghĩ đó là... buôn lậu. Cụ thể, bị cáo Khoa trình bày bản thân là người cho Viễn thuê tàu (Pacific Ocean và Western Sea) để hưởng chênh lệch (khoảng 50 triệu đồng/tháng); điều hành tàu đi nhận hàng, giao hàng chứ không tham gia bàn bạc, chia lợi nhuận với các đối tượng cầm đầu để buôn lậu.
Chủ tọa hỏi trong quá trình vận chuyển có biết Viễn buôn lậu xăng, bị cáo Khoa trả lời: “Chỉ nghi ngờ đôi chút. Sau này Công an tỉnh Đồng Nai triệt phá đường dây buôn lậu xăng dầu bị cáo nghĩ mình không liên quan, còn động viên anh em làm việc cho đến khi bị bắt”.
Trong khi đó, bị cáo Trần Văn Việt (thuyền trưởng tàu Pacific Ocean) cũng khai nhận không biết việc làm của mình là giúp sức cho buôn lậu, mà chỉ nghĩ làm công ăn lương (do Khoa trả hằng tháng), nên làm theo chỉ đạo của Khoa đi giao nhận hàng theo tọa độ hướng dẫn. Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng bị cáo đã biết hành vi buôn lậu ngay từ những chuyến đầu tiên. Cụ thể, bị cáo đã hủy hết hồ sơ hàng hóa cũng như không ghi vị trí tọa độ giao nhận xăng trên biển theo chỉ đạo của Khoa.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm |
Lê Lâm |
Đại diện VKS hỏi việc hủy hồ sơ được thực hiện ra sao? Bị cáo Việt khai: “Mỗi chuyến xăng khi về đến Việt Nam, Khoa đều chỉ đạo phải hủy hết hồ sơ không cần thiết để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng”. Chủ tọa phiên tòa cũng công bố lời khai của Việt, sau chuyến đầu tiên đã biết hành vi buôn lậu khi xăng được giao, nhận ngoài biển; bàn giao hàng hóa không niêm phong, không bấm chì; không lấy hóa đơn...
“Nếu bị cáo không tham gia giúp sức, vận chuyển xăng từ Singapore về Việt Nam thì không có vụ buôn lậu”, chủ tọa phân tích. Tương tự, thuyền phó Nguyễn Tuấn Việt cũng có lời khai tương tự, nhưng bị chủ tọa và đại diện VKS bác bỏ khi công bố nhiều lời khai (kể cả khi có sự tham gia của luật sư bào chữa) thừa nhận hành vi tiếp tay cho hành vi buôn lậu. Lúc này, Tuấn Việt đổ lỗi: “Do điều tra viên mớm cung phải nhận tội buôn lậu”.
Chi hằng tháng để bôi trơn
Trước đó, trả lời xét hỏi của các luật sư, bị cáo Phan Thanh Hữu tiếp tục “kêu oan” về số tiền thu lợi bất chính khoảng 102 tỉ đồng cho 127,7 triệu lít xăng đã bán tại thị trường Việt Nam chứ không phải 156 tỉ đồng cho hơn 197 triệu lít xăng; lợi nhuận mỗi lít xăng không đến 1.500 đồng, chứ không phải 2.000 đồng như cáo trạng truy tố. “Vì 67,7 triệu lít xăng bán sang thị trường Campuchia và 2,5 triệu lít xăng trong kho không gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong nước”, bị cáo Hữu trình bày.
Theo cáo trạng từ năm 2019, Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn cùng cựu đại tá Phùng Danh Thoại (cựu Trưởng phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã bị Tòa án quân sự Quân khu 7 tuyên phạt 7 năm tù về tội buôn lậu) và Phạm Hùng Cường tham gia góp vốn 32,4 tỉ đồng để buôn lậu xăng dầu từ Singapore về Việt Nam.
Từ tháng 3.2020 - 2.2022, đường dây này vận chuyển hơn 197 triệu lít xăng A95 về Việt Nam với trị giá gần 2.600 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Hữu thu lợi 156 tỉ đồng, bị cáo Viễn thu lợi gần 47 tỉ đồng. Cáo trạng cáo buộc Viễn có nhiệm vụ giới thiệu chủ hàng ở Singapore cho Hữu thỏa thuận mua hàng. Sau đó, Viễn cho 2 tàu biển Pacific Ocean và tàu Western Sea qua lấy hàng, chở về vùng biển Việt Nam rồi sang qua cho các tàu của Hữu chở vào đất liền tiêu thụ. Hữu có nhiệm vụ tìm mối bán xăng lậu nhập về và quan hệ với các lực lượng chức năng, đưa hối lộ để đưa xăng về Việt Nam.
Luật sư cũng đặt câu hỏi về các chi phí thực tế cho mỗi chuyến hàng, bị cáo Hữu khai chỉ nhớ được phí hoa tiêu, phí neo đậu, phí đại lý... Luật sư hỏi tiếp: “Thế còn phí bôi trơn”. Bị cáo Hữu trả lời: "Phí bôi trơn thì chi theo hằng tháng, nhưng không nhớ cụ thể vì thường xuyên chuyển tiền cho Phạm Hùng Cường (hiện đang bỏ trốn - PV) để chi. Còn Cường đưa cho ai bị cáo không biết”.
Bị cáo Hữu khai thêm khi có chi đột xuất, Cường bảo chuyển là chuyển nhưng không nhớ chính xác bao nhiêu. Còn chi thường xuyên hằng tháng thì có ghi vào sổ sách, cơ quan điều tra đã thu giữ.
Bình luận (0)