Ngày 13.2, TAND tỉnh Kon Tum đưa ra xét xử sơ thẩm 2 bị cáo Trần Thị Hoàng Diễm và Võ Thị Ngân (cùng trú H.Đắk Glei, Kon Tum) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định, đây là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Vay lãi cao để kinh doanh
Cáo trạng nêu, năm 2015, Diễm thành lập Công ty TNHH MTV Hà Nguyên (tại H.Đắk Glei) và để Ngân (em dâu) đứng ra làm giám đốc. Tuy nhiên, do công việc làm ăn không thuận lợi nên nhiều năm liền công ty thua lỗ, phải vay tiền nhiều nơi với lãi suất cao.
Đến năm 2017, Diễm nghe thông tin làm đại lý kinh doanh bia lãi cao nên đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh buôn bán đồ uống có cồn và không có cồn cho công ty.
Do không có tiền kinh doanh nên Diễm và Ngân tiếp tục vay lãi suất cao của nhiều người để vừa duy trì kinh doanh vừa lấy trả lãi cho các khoản vay trước đó. Diễm và Ngân còn nghĩ thêm hình thức huy động vốn khác là nhận tiền đặt cọc mua bia với số lượng lớn, giá thấp hơn giá thị trường.
Sau khi vay, Diễm dùng tiền có được để xoay vòng trả nợ cho các khoản vay trước. Các bị cáo chỉ dùng một phần tiền đặt trước để mua bia về giao cho những người đã trả tiền.
Đến tháng 5.2019, khi các bị hại liên tục yêu cầu Diễm, Ngân trả tiền hoặc trả bằng bia thì Diễm không thể trả được và đã viết giấy cam kết trả nợ cho các bị hại. Cáo trạng xác định Diễm và Ngân đã chiếm đoạt của các bị hại 29,5 tỉ đồng.
HĐXX nhận định, do việc kinh doanh không thuận lợi, các bị cáo đã đưa ra thông tin gian dối về việc kinh doanh bia có lãi cao để tạo niềm tin cho các bị hại. Từ đó các bị hại dễ dàng cho các bị cáo vay tiền. Sau đó các bị cáo không sử dụng đúng mục đích đã cam kết mà sử dụng vào mục đích cá nhân.
Hành vi phạm tội của bị cáo Diễm và Ngân đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản, gây hại hoạt động bình thường của nền kinh tế, gây bất bình dư luận. Do đó cần phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc, cao nhất đối với bị cáo Diễm, và mức án tù có thời hạn đối với bị cáo Ngân.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Thị Hoàng Diễm mức án chung thân, bị cáo Võ Thị Ngân 17 năm tù giam. HĐXX yêu cầu các bị cáo bồi thường, hoàn trả toàn bộ số tiền đã vay cho các bị hại.
Không xử lý người cho vay lãi cao?
Tại phiên tòa, ông Nguyễn Xuân Phùng, luật sư bào chữa cho các bị cáo trình bày, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc đã cho bị cáo Diễm, Ngân vay tổng số tiền 19 tỉ đồng bằng hàng chục giấy mượn tiền, cam kết trả nợ với lãi vay 6%/tháng và 9%/tháng. Bị hại Trúc cho rằng các bị cáo đã chiếm đoạt của mình 27 tỉ đồng, trong đó 19 tỉ đồng tiền nợ gốc và 8,8 tỉ tiền lãi.
Tuy nhiên theo bảng sao kê tài khoản của bà Trúc, trong 11 tháng, các bị cáo và người thân đã chuyển vào tài khoản của bà Trúc và chồng hơn 23,8 tỉ đồng. Ngoài ra anh Trần Thanh Hà (em rể bị cáo Diễm) cũng đã trả cho bà Trúc 16,3 tỉ đồng. Như vậy các bị cáo và người thân đã trả cho bà Trúc 40 tỉ đồng, quá số tiền vay là hơn 21 tỉ đồng.
"Do đó, lấy số tiền đã trả chia cho số tiền đã vay là 40/19 tỉ đồng sẽ có lãi suất tương ứng trên 211%/11 tháng, tương đương 230%/năm. Mức lãi suất này cao hơn 23 lần so với quy định trong giao dịch dân sự", luật sư Phùng trình bày.
Ngoài ra, cũng theo luật sư Phùng, từ tháng 6.2018, các bị cáo đã vay của bà Huỳnh Nguyễn Đài Nguyên 300 triệu đồng với lãi suất từ 12 - 15%/tháng. Theo bà Nguyên thừa nhận, các bị cáo đã chuyển cho mình trên 730 triệu đồng trong 8 tháng. Bà Nguyên cũng cho rằng các bị cáo vẫn còn nợ mình 300 triệu đồng. Từ đó có thể tính ra lãi suất vay là cực kỳ cao với mức trên 246%/8 tháng tương đương 369%/năm. Mức lãi suất này cao gấp 37 lần theo lãi suất quy định trong giao dịch dân sự.
Tuy nhiên, theo cáo trạng, Diễm và Ngân vay của bà Trúc 19 tỉ đồng với lãi suất 9%/tháng; còn bà Trúc khai cho vay lãi suất 6%/tháng. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan chức năng nhận thấy chưa đủ cơ sở để xử lý bà Trúc về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Ngoài ra, sau khi cho đối chất giữa Diễm, Ngân với những người cho vay; đồng thời căn cứ hồ sơ thu thập được, cơ quan chức năng nhận thấy cũng chưa đủ cơ sở để xử lý họ về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Việc này cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ, khi có cơ sở sẽ xử lý sau.
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Phùng cho hay, các bị cáo sẽ làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Kon Tum. "Người cho vay với lãi suất cao, chiếm hưởng trái luật với số tiền đặc biệt lớn (40 tỉ đồng) thì không bị xử lý theo quy định. Trong khi người vay đã trả hết, thậm chí trả dư thì phải chịu trách nhiệm hình sự, do đó các bị cáo sẽ làm đơn kháng cáo bản án trên", luật sư Phùng nói.
Bình luận (0)