Xét xử vụ Trầm Bê: Viện KSND kháng nghị tăng án, các bị cáo xin giảm nhẹ

09/12/2020 14:45 GMT+7

Ngày 9.12, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm bị cáo Trầm Bê cùng đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng Phương Nam hơn 505 tỉ đồng.

Ngày 9.12, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án Trầm Bê (61 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam - năm 2015 sáp nhập vào Sacombank), Phan Huy Khang (47 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Nam), Dương Thanh Cường và đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng Phương Nam hơn 505 tỉ đồng.
Trước đó, ngày 11.11, phiên tòa tạm hoãn vì các bị cáo vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên tòa. Phiên tòa phúc thẩm hôm nay được mở ra do các bị cáo có đơn kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt. Đồng thời Viện KSND TP.HCM và Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cũng kháng nghị đối với bản án sơ thẩm theo hướng tăng nặng hình phạt các bị cáo. 

Bị cáo Dương Thanh Cường xin bồi thường 185 tỉ đồng

Tại phiên xét xử phúc thẩm, các bị cáo đều giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Bị cáo Dương Thanh Cường trình bày, do không có khả năng nên xin HĐXX cho bị cáo khắc phục số tiền 185 tỉ đồng. Bản án sơ thẩm "ép" bị cáo phải bồi thường 505 tỉ đồng là quá sức. Tại phiên xét xử sơ thẩm trước đó, bị cáo cũng chỉ chấp nhận bồi thường 331 tỉ đồng, gồm 185 tỉ đồng nợ gốc và 146 tỉ đồng tiền lãi.
Về việc không kháng cáo, bị cáo Cường trình bày do đang thi hành án chung thân, nếu kháng cáo sẽ tiếp tục bị tạm giam, không tính vào việc lao động cải tạo, ảnh hưởng đến việc xem xét giảm thời gian thụ án từ chung thân xuống tù có thời hạn.
Bị cáo Trầm Bê, Phan Huy Khang trình bày HĐXX kháng cáo kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt. Đồng thời, bị cáo Trầm Bê đề nghị cho thanh toán tài sản để tất toán công nợ. Đối với tài sản là 23 sổ đỏ, bị cáo Trầm Bê đề nghị giao lại cho Ngân hàng Sacombank để khắc phục hậu quả.
Các bị cáo Phan Thị Hồng Vân, Ngô Văn Huổi, Nguyễn Văn Phong trình bày tại tòa xin giảm nhẹ hình phạt.

Viện KSND kháng nghị tăng nặng hình phạt

Theo nội dung bản án sơ thẩm, năm 2007, Dương Thanh Cường lấy danh nghĩa Công ty TNHH sản xuất, xây dựng và thương mại Thanh Phát (gọi tắt Công ty Thanh Phát) mua 10,5 ha đất của các hộ dân có 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tại xã Phong Phú, H.Bình Chánh, TP.HCM.
Sau đó, Cường đã thế chấp 23 sổ đỏ này tại Ngân hàng Agribank chi nhánh 6, vay 628 tỉ đồng. Đến tháng 4.2008, Cường dùng nhiều thủ đoạn mượn lại 23 sổ đỏ đến gặp Trầm Bê đề nghị vay tiền và thế chấp 23 sổ đỏ trên. Dù hồ sơ vay vốn không đủ điều kiện nhưng Trầm Bê vẫn đồng ý và phê duyệt.
Đến đầu năm 2010, khi không còn khả năng trả nợ, Cường gán toàn bộ 23 sổ đỏ cho Ngân hàng Phương Nam để thanh lý các khoản nợ. Kết quả điều tra được Dương Thanh Cường đã mang tài sản đang thế chấp tại Agribank đi vay Ngân hàng Phương Nam, gây thiệt hại hơn 505 tỉ đồng cho Ngân hàng Phương Nam, hơn 170 tỉ đồng cho Agribank.
Xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên bị cáo Dương Thanh Cường 16 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp với án chung thân năm 2018, Cường bị tuyên chung thân.
Bị cáo Trầm Bê 3 năm tù, tổng hợp 4 năm tù trong “đại án Ngân hàng Xây dựng” (VNCB) là 7 năm tù; Phan Huy Khang 2 năm 6 tháng tù, tổng hợp 3 năm tù trong “đại án VNCB” là 5 năm 6 tháng tù; 7 bị cáo nguyên cán bộ NH Phương Nam lãnh từ 1 năm tù (cho hưởng án treo) - 2 năm tù về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". 
Về phần dân sự, HĐXX sơ thẩm buộc bị cáo Dương Thanh Cường bồi thường toàn bộ thiệt hại cho NH Phương Nam 505 tỉ đồng. Tiếp tục kê biên 23 sổ đỏ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của Dương Thanh Cường tại Agribank và NH Phương Nam. 
Sau đó, Viện KSND TP.HCM có kháng nghị theo hướng tăng hình phạt đối với các bị cáo Trầm Bê, Phan Huy Khang và 6 bị cáo nguyên cán bộ tại NH Phương Nam; không đồng ý cho bị cáo Trầm Viết Trung hưởng án treo. Buộc bị cáo Dương Thanh Cường trả lại 185 tỉ đồng; buộc 9 bị cáo liên đới cùng Dương Thanh Cường bồi thường hơn 319 tỉ đồng cho Sacombank. Tiếp đó, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cũng kháng nghị, tăng hình phạt đối với bị cáo Dương Thanh Cường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.