Xin chào Việt Nam lan tỏa di sản văn hóa Việt

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
15/09/2024 07:00 GMT+7

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã có buổi giao lưu, giới thiệu dự án hợp tác phát triển văn hóa, du lịch mang tên Xin chào Việt Nam ngày 13.9 tại TP.HCM.

Bảo tàng sống cho di sản truyền thống

Nhà thiết kế (NTK) Sĩ Hoàng cho biết dự án Xin chào Việt Nam không chỉ là nơi thưởng thức và tìm hiểu về văn hóa mà còn là một bảo tàng sống, tái hiện di sản truyền thống một cách sinh động bằng cổ vật, âm nhạc, thời trang, áo dài và ẩm thực tại TP.HCM - trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước.

Xin chào Việt Nam lan tỏa di sản văn hóa Việt- Ảnh 1.

Poster dự án Xin chào Việt Nam

Xin chào Việt Nam lan tỏa di sản văn hóa Việt- Ảnh 2.

Tiết mục Hát bội trong dự án

Xin chào Việt Nam lan tỏa di sản văn hóa Việt- Ảnh 3.
Xin chào Việt Nam lan tỏa di sản văn hóa Việt- Ảnh 4.
Xin chào Việt Nam lan tỏa di sản văn hóa Việt- Ảnh 5.

Bộ sưu tập 54 trang phục dân tộc Việt của NTK Sĩ Hoàng

Xin chào Việt Nam lan tỏa di sản văn hóa Việt- Ảnh 6.

Bộ sưu tập áo dài xưa của NTK Sĩ Hoàng

Xin chào Việt Nam lan tỏa di sản văn hóa Việt- Ảnh 7.

Những mẫu áo dài hiện đại của NTK Sĩ Hoàng

Xin chào Việt Nam lan tỏa di sản văn hóa Việt- Ảnh 8.

Tranh vẽ của các bé được in trên áo dài

Xin chào Việt Nam lan tỏa di sản văn hóa Việt- Ảnh 9.

Ảnh chụp áo dài của NTK Sĩ Hoàng và hoa sen

Xin chào Việt Nam lan tỏa di sản văn hóa Việt- Ảnh 10.

Bản vẽ và áo dài cao cấp thiết kế riêng của NTK Sĩ Hoàng

Xin chào Việt Nam lan tỏa di sản văn hóa Việt- Ảnh 11.

NTK Sĩ Hoàng tiếp Vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf và Vương hậu Silvia Renate đến xem chương trình Điểm một thời năm 2004

Dự án thuộc chuỗi hoạt động góp phần hưởng ứng chủ trương phát triển chương trình Du lịch văn hóa di sản quốc gia, phát triển du lịch trong nước và quốc tế, góp phần quảng bá du lịch TP.HCM với thông điệp: Văn hóa VN - Di sản thế giới.

"Hy vọng dự án trở thành điểm đến độc đáo về du lịch - văn hóa chuyên sâu với các đoàn, cơ quan ngoại giao, thương mại nước ngoài tại TP.HCM và T.Ư, sinh viên trong lẫn ngoài nước nghiên cứu về văn hóa Việt, du khách Việt và toàn cầu khám phá phong tục tập quán Việt", NTK Sĩ Hoàng tâm sự.

Dự án Xin chào Việt Nam xuất phát từ thành công của chương trình Điểm một thời từ năm 2002 - 2007 và 2017 - 2019. Điểm một thời đã trở thành nơi giới thiệu nghệ thuật văn hóa truyền thống Việt, từng được thành phố chọn là điểm tiếp đón các đoàn ngoại giao quốc tế, quốc khách. Ban tổ chức chương trình mong muốn dự án Xin chào Việt Nam cũng sẽ trở thành nơi hằng đêm tổ chức các hoạt động đậm chất văn hóa, nghệ thuật và giải trí tầm cao.

Nhiều chương trình đặc sắc

Đến với Xin chào Việt Nam, du khách sẽ được thưởng thức không gian di sản thế giới: trưng bày cổ vật quý của VN và thế giới, nhạc cụ dân tộc; không gian văn hóa nghệ thuật: giới thiệu văn hóa đặc trưng của TP.HCM và VN; không gian ẩm thực: những món ăn cung đình, hương vị phương Nam; không gian quà tặng du lịch: bán các sản phẩm vùng miền, làng nghề.

Xin chào Việt Nam lan tỏa di sản văn hóa Việt- Ảnh 12.

Long bào Hoàng thái tử được nghệ nhân ưu tú Vũ Văn Giỏi cùng 8 người thợ làng nghề phục chế

Xin chào Việt Nam lan tỏa di sản văn hóa Việt- Ảnh 13.

NTK Sĩ Hoàng trình bày dự án hôm 13.9

Đặc biệt, Xin chào Việt Nam sẽ có nhiều tiết mục văn nghệ như Đêm hoa lệ kể lại quá trình hình thành và phát triển đời sống văn nghệ Sài Gòn từ đầu thế kỷ 20 bằng hát bội, cải lương, nhạc bolero... Ngoài ra còn có hát quan họ, hát xẩm, ca trù, tiết mục tương tác với khán giả bằng hoạt cảnh…

Điểm nhấn dự án là bộ trang phục 54 dân tộc Việt của NTK Sĩ Hoàng cùng lịch sử hình thành và phát triển chiếc áo dài. Khách tham quan có thể đặt may áo dài cách tân hay áo dài xưa theo nguyên mẫu, tham quan xưởng may áo dài, thuê áo dài mặc để chụp ảnh kỷ niệm…

"23 năm trước, tôi đã đặt mua chiếc long bào Hoàng thái tử (vua Bảo Đại mặc khi lên ngôi) do nghệ nhân ưu tú Vũ Văn Giỏi cùng 8 người thợ làng nghề thực hiện với giá 1,35 tỉ đồng, tương đương 215 lượng vàng thời đó. Đây là công trình Nghệ nhân Ưu tú Vũ Văn Giỏi hợp tác cùng nhà nghiên cứu Trịnh Bách, phục dựng từ nguyên bản long bào vua Bảo Đại tại Bảo tàng cung đình Huế, được dệt bằng sợi tơ tằm kết hợp sợi kim tuyến vàng, đính kim sa, cườm, ngọc trai. Tất cả công đoạn đều làm bằng tay từ tháng 7.1998 - 12.1999. Chiếc áo này sẽ được trưng bày trong dự án", NTK Sĩ Hoàng cho biết.

Dự án Xin chào Việt Nam do NTK Sĩ Hoàng lên ý tưởng, lập kế hoạch với sự tham gia của iVietnam Business Center trong vai trò hợp tác đầu tư. Ngoài ra, còn có sự tham gia của "vua đồ cổ Sài Thành" Hoàng Văn Cường, họa sĩ - NSND Trà Giang trong vai trò hướng dẫn lớp hội họa.

"Tôi thương chiếc áo dài và di sản văn hóa Việt nên đây là dự án tâm huyết của sự nghiệp. Nếu thành công, TP.HCM sẽ có thêm điểm đến văn hóa thú vị, hấp dẫn du khách thập phương từ chính nguồn gốc, cội rễ của dân tộc", NTK Sĩ Hoàng bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.