Xin đừng bêu dương các em

13/03/2015 18:12 GMT+7

Thói thường, ai cũng thích khen, nhất là khen trước nhiều người, càng đông càng tốt. Chê thì ngược lại. Với người lớn, đã vậy; với trẻ em, càng phải cân nhắc.

Thói thường, ai cũng thích khen, nhất là khen trước nhiều người, càng đông càng tốt. Chê thì ngược lại. Với người lớn, đã vậy; với trẻ em, càng phải cân nhắc.

 Học sinh TP.HCM - Ảnh minh họa: Đào Ngọc Thạch

Điều này được khẳng định rất rõ trong bộ môn tâm lý giáo dục của các trường Sư phạm. Việc giáo dục dựa vào tập thể cũng được đề cao và tạo điều kiện cho những hành động tốt phát triển. Từ xưa, trẻ em Việt Nam vốn bị xem thường và chịu nhiều thiệt thòi. Chẳng biết từ bao giờ, những thành ngữ “Đồ con nít, biết gì?”, “Làm như đồ trẻ con”… đã hình thành nhiều kiểu phân biệt đối xử của người lớn đối với trẻ em.

Nhiều nhà trường và gia đình, nơi đáng lẽ các em được tôn trọng và trân quí nhất lại trở thành chốn hành hạ tinh thần của tuổi thơ. Không biết từ bao giờ, nhiều buổi sinh hoạt tập thể, lễ chào cờ đầu tuần và những bữa cơm gia đình trở thành dịp bêu dương các em. Do đặc điểm tâm lý, tuổi vị thành niên chưa đủ chín chắn nên có những việc làm bộc phát, thiếu suy nghĩ. Khi hành động, hầu hết các em chưa hình dung hết hậu quả, thường bị chi phối bởi bạn bè. Nhiều việc làm bốc đồng gây hậu quả xấu, các em không lường được. Trước những việc làm sai trái mà không cố ý, không ít cha mẹ và thầy cô, thay vì tìm hiểu để cảm thông và chia sẻ, lại lên án và kết tội các em. Bình thường, xem các em là “Đồ con nít”, nhưng khi các em phạm lỗi thì lại xử như người lớn, thậm chí hơn người lớn.

Như nhiều người lớn khác, tôi từng đi qua tuổi thơ. Nhiều lần, từng buồn trách bố mẹ và thầy cô trách mắng và xử phạt mình oan ức. Rất nhiều em vì vô tình hoặc không ý thức được hậu quả nên lỡ vi phạm, lại được xem là cố ý, phải xử phạt nặng nề mà không hề có chút lắng nghe. Có lỗi thì phải chịu, các em đều biết vậy, nhưng xử phạt thế nào để các em “tâm phục, khẩu phục”. Quan trọng hơn là thái độ tin cậy và tạo điều kiện cho các em sửa sai. Chẳng em nào muốn bị la mắng. Cũng chẳng em nào muốn cha mẹ và thầy cô buồn vì những việc làm của mình. Những hành vi cá biệt nhiều khi là để phản kháng lại thói áp đặt và cách nhìn méo mó, thiếu tin cậy, thậm chí là thành kiến của người lớn. Việc làm sai, thường không cố ý; nhưng bị xử oan ức, các em sẽ cố tình vi phạm thêm cho đáng tội. Lỡ xấu rồi, xấu thêm cũng chẳng ngại. Có tốt, cũng đâu ai hiểu cho mình.

Nhiều em rơi vào cô độc trong chính ngôi nhà và lớp học. Các em sợ những bữa cơm gia đình mà như tòa án thiếu công bằng. Cha mẹ nhiều khi thiếu gương mẫu, chỉ nhìn một phía, không chịu lắng nghe và thấu hiểu. Ghét nhất là việc cứ đưa con mình ra so sánh với các bạn một cách phi lý. Sao bố mẹ không nhìn lại mình. Nếu con so sánh bố mẹ với người khác giỏi hơn thì sao? Các em sợ những buổi sinh hoạt tập thể lớp, những buổi chào cờ toàn trường vì khen thì ít mà chê thì nhiều. Những kiểu chê sỉ nhục, không phải lỗi của các em, mà vì nhà nghèo như chưa đóng kịp tiền học phí, không chịu đi học thêm, chưa có áo đồng phục… Vô tình, chính nhà trường tạo nên học sinh cá biệt thay vì chuyển hóa trẻ em cá biệt thành học sinh ngoan. Các bậc cha mẹ, có thể ít học, thiếu sư phạm nhưng thầy cô, được đào tạo bài bản vẫn hành xử tương tự, thậm chí còn tệ hơn.

Cá biệt chưa hẳn là xấu mà do phản kháng lại cách giáo dục áp đặt, đầy thành kiến của người lớn. Nếu được tin cậy và biết khơi đúng mạch, học sinh cá biệt sẽ cố chứng minh khả năng và thiện chí của mình, trở thành những thủ lĩnh xuất sắc. Những học sinh giỏi và có cá tính, thường không được xem là ngoan vì thường hay cãi lại, thích làm ngược với suy nghĩ độc đoán của người lớn. Trẻ em ngoan theo cách nghĩ người lớn thường là những ông bà cụ non, thiếu bản lĩnh và không có chính kiến. Đã đến lúc, ngành giáo dục và cả gia đình phải nghiêm túc nhìn lại chính mình. Xin hãy thật sự quan tâm và lắng nghe các em. Nếu phát hiện những hành vi khác thường, cần xem xét cặn kẽ và có cách giải quyết phù hợp. Nếu việc làm tốt, đừng tiếc lời khen để khuyến khích nhưng tránh thái quá, tạo cho các em tự cao. Nếu việc làm sai, phải tìm rõ ngọn nguồn và tốt nhất là gặp riêng tâm sự, phân tích phải trái để các em tự giác nhận ra sai lầm và đề ra cách khắc phục. Tuyệt đối không bêu dương các em trước cả nhà, cả xóm, cả lớp, cả trường.

Cha mẹ nào cũng thương con nhưng phải thương đúng cách mới hiệu quả. Thầy cô nào cũng mong muốn học sinh ngoan nhưng phải công bằng. Giáo dục nghiêm túc phải bắt đầu từ sự gương mẫu và trân trọng. Trước khi muốn các em yêu quí và kính trọng mình, người lớn hãy thật sự trân trọng các em như những người bạn nhỏ tin cậy. Hình phạt chỉ phát huy tác dụng răn đe và ngăn ngừa khi người phạm lỗi thấy rõ sai trái của mình. Ngược lại, sẽ ức chế, tạo thành sự phản kháng cả tâm lý lẫn hành động, rất phản giáo dục. Nếu giáo dục gia đình có khiếm khuyết thì giáo dục nhà trường sẽ bổ sung, thành chỗ dựa tin tưởng. Sự vô tâm của người lớn nhiều khi tạo thành những hố sâu ngăn cách, có tác hại đến rất lớn đến việc hình thành nhân cách các em.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.