Rất nhiều bạn đọc bức xúc trước vụ một thanh niên đi đón vợ, bỗng dưng bị buộc tội cướp giật, phải ngồi tù oan hơn 2 năm, đề nghị cơ quan chức năng làm rõ việc oan sai này, công khai xin lỗi và bồi thường cho nạn nhân.
Như Thanh Niên đã đưa tin, theo nội dung vụ án, tối 19.1.2014, chị N.T.T bưng thức ăn ra bàn trong tiệc tất niên tại P.25, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) thì bị một thanh niên chạy xe máy áp sát, giật sợi dây chuyền đeo trên cổ. Chị T. tri hô “cướp, cướp...”. Chồng chị T. cùng một người bạn lấy xe đuổi theo. Khi đến chùa Bảo Minh (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh), nhìn thấy anh Bùi Minh Lý (nay 32 tuổi, ngụ tại H.Cần Giuộc, Long An) đang đi xe máy phía trước nên đã ép Lý vào lề, đánh và bắt giữ...
Anh Bùi Minh Lý sẽ được đại diện cơ quan tố tụng Q.Bình Thạnh (TP.HCM) xin lỗi công khai vào ngày 24.3.2021. Anh Lý cho biết đã làm đơn yêu cầu bồi thường hơn 3,6 tỉ đồng.
Bỗng dưng bị tù oan lãng xẹt
Dẫn nội dung vụ án “Lúc này, chồng chị T. đứng cách đó 2 m cùng một người bạn lấy xe đuổi theo. Khi đến chùa Bảo Minh (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh), nhìn thấy anh Lý đang đi xe máy phía trước nên đã ép Lý vào lề, đánh và bắt giữ...”, BĐ L.H bức xúc hỏi: “Bắt cướp nhẹ nhàng và quá dễ dàng nhỉ, 2 năm tù oan của người ta đó. Rồi nạn nhân nữa, muốn nhận dạng thế nào thì nhận dạng à?”. BĐ bl***@yahoo.com cũng đặt câu hỏi: “Tang chứng là sợi dây chuyền của chị T. bị giật biến đi đâu mà anh này phải đi tù cho xong việc nhỉ?”.
Để hạn chế thấp nhất oan sai
Nhiều BĐ cho rằng việc công khai xin lỗi người bị oan sai là đúng, nhưng xin lỗi xong rồi thì sao nữa? BĐ Sài Gòn Bụi đặt vấn đề: “Công dân bị án oan, dù không chứng cứ rõ ràng, vẫn phải ngồi tù mấy năm. Bên thực thi công lý, phán quyết sai, chỉ xin lỗi là xong? Sao không có luật quy định chứng cứ phải xác thực mới được bắt người, nếu phán quyết sai thì phải chịu tội như thế nào đó, để hạn chế án oan. Ví dụ, nhân viên điều tra làm sai, người ta bị oan giam vài năm rồi thả ra, xin lỗi là xong hay sao?”. BĐ phuong nguyen thì thẳng thắn: “Không chỉ xin lỗi là xong, ai làm sai phải chịu trách nhiệm và bồi thường thỏa đáng”.
Bình luận (0)