Xóa nạn lấn chiếm lòng lề đường ở Sài Gòn: Đừng đầu voi đuôi chuột

06/04/2016 08:13 GMT+7

Tìm cách sắp xếp cho những người buôn bán nhỏ có chỗ mưu sinh, triệt tiêu nạn “cát cứ, bảo kê” vỉa hè, buộc nhà hàng quán ăn phải có chỗ gửi xe...

Tìm cách sắp xếp cho những người buôn bán nhỏ có chỗ mưu sinh, triệt tiêu nạn “cát cứ, bảo kê” vỉa hè, buộc nhà hàng quán ăn phải có chỗ gửi xe...

Đó là ý kiến của bạn đọc sau khi đọc các bài Lì lợm chiếm lòng, lề đườngVở diễn vỉa hè đăng trên Thanh Niên ngày 5.4.
Chú trọng đến người buôn bán nhỏ
Bán hàng rong hoặc cách thức kinh doanh của người buôn bán nhỏ là một nét đặc thù của TP.HCM. Cần phải có phương án sắp xếp, tạo điều kiện cho họ kinh doanh để người dân có thể sống được. Không phải ai cũng vào được các chợ, các trung tâm thương mại hay thuê được mặt bằng để buôn bán. Vì vậy, cần chú trọng đến vấn đề này. Tất nhiên, theo quan điểm của tôi, các nhà hàng, quán ăn thì nhất thiết phải có chỗ giữ xe cho khách, không được lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Phan Vinh (H.Bình Chánh, TP.HCM)
“Lì lợm” thì phải xử lý
Đọc bài báo, tôi hiểu Báo Thanh Niên đề cập đến một bộ phận những người kinh doanh, làm ăn lớn, mở nhà hàng, quán nhậu mà lại chiếm luôn vỉa hè, lòng đường để kinh doanh. Đây là điều không thể chấp nhận được. Vì lợi ích của riêng mình mà xâm phạm lợi ích cộng đồng, lại còn lì lợm thì phải kiên quyết xử lý, không thể nương nhẹ mãi được.
Trần Văn Minh (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Chính quyền địa phương ở đâu?
Không thể nói chính quyền địa phương không biết và không quản lý được vỉa hè, lòng đường của những con đường thuộc địa bàn mình phụ trách. Lực lượng công an khu vực, trật tự đô thị ngày nào chẳng qua lại. Ấy vậy mà không dẹp được là sao? Tôi không tin rằng họ không biết các nhà hàng, quán xá lấn chiếm. Vậy thì chỉ có mua bán vỉa hè, “bảo kê” cho các nhà hàng, quán xá ấy mới tồn tại cảnh nhếch nhác như báo nêu. Xử lý chuyện này không khó, cách chức một số đội trưởng trật tự đô thị, vài trưởng công an phường, là trật tự được thiết lập ngay thôi.
Lâm Tấn Lợi (Q.Bình Tân, TP.HCM)
Xử lý phải công bằng
Ai cũng muốn lề đường sạch đẹp thông thoáng, nhưng nếu xử lý người này mà không xử lý người khác; hoặc địa phương này kiên quyết mà địa phương khác lơ là, thì làm sao công bằng. Người dân có thể vì một chủ trương đúng mà chịu thiệt, nhưng nếu xử lý không công bằng thì họ khó chấp nhận được. Vì vậy, phải quyết liệt nhưng cũng phải đồng bộ.
Nguyễn Thi Thơ (Q.5, TP.HCM)
Làm kiểu “cuốn chiếu”
Theo tôi, mỗi quận mỗi phường phải làm theo kiểu “cuốn chiếu”, tức là chọn những con đường lớn, trọng điểm dọn dẹp trước, rồi sau đó với những đường nhỏ. Ví dụ: đường Phạm Văn Đồng đi qua mấy quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức… phải dẹp ngay. Không thể để một con đường là bộ mặt cửa ngõ vào sân bay mà lại bị lấn chiếm thậm tệ như vậy. Hoặc như đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đi xuyên qua trung tâm thành phố mà bị lấn chiếm nhếch nhác như vậy, coi sao được?
Ngọc Dũng (Q.3, TP.HCM)
Rất nhiều người dân ủng hộ chủ trương của lãnh đạo TP.HCM trong việc chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và tin rằng các cấp chính quyền sẽ thực hiện nghiêm túc chủ trương đó. Thế nhưng, thực tế vỉa hè, lòng đường ở khắp thành phố đến nay vẫn bị chiếm dụng, nhất là các nhà hàng, quán nhậu. Xin đừng đánh trống bỏ dùi, đừng để những lời cam kết thực hiện tốt việc này nằm lại trong phòng họp.
Lê Văn Bửu (Q.12, TP.HCM)
TP.HCM không thể trở thành đầu tàu của cả nước, không thể là thành phố văn minh, thân thiện, đứng đầu trong khu vực khi lòng lề đường, vỉa hè bị lấn chiếm như tình trạng hiện nay. Nếu các cấp chính quyền không cải thiện được tình trạng này như chỉ đạo của bí thư thành ủy thì dù nói hay cách mấy cũng chẳng ai tin.
Bùi Quốc Thắng (H.Đức Hòa, tỉnh Long An)
An Phong - Bùi Chiến (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.