Theo phản ánh của các hộ dân tại thôn 9, 10, 11, 12 xã An Sơn (H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) hoạt động nổ mìn khai thác đá của Công ty TNHH Kiên Ngọc trên núi Trại Sơn đã gây ô nhiễm môi trường, đe dọa cuộc sống người dân và ảnh hưởng một số di tích lịch sử trên núi.
Dẫn phóng viên đi về phía núi Trại Sơn đang nham nhở vì hoạt động khai thác đá, ông Mạc Văn Nghĩa (43 tuổi, ngụ thôn 12, xã An Sơn) cho biết: “Sau 1 thời gian yên ắng, từ tháng 4.2020, mỏ đá trên núi lại hoạt động. Mỗi ngày họ lại cho nổ mìn 1 lần, vào khoảng 11 giờ”. Ông Nghĩa vừa dứt lời thì một loạt tiếng nổ lớn vang lên từ núi Trại Sơn, rồi đám mây bụi khổng lồ từ từ bay từ mỏ đá trùm xuống khu dân cư. “Đám bụi này cứ lơ lửng mãi không tan. Cả một vùng bị nó bao phủ. Đặc biệt là khu vực thôn 9”, ông Nghĩa cho biết.
Đúng như ông Nghĩa thông tin, nhà cửa, cây cối, đường sá ở thôn 9 xã An Sơn đều bị bụi từ mỏ đá phủ một lớp dày màu bạc. Bà Nguyễn Thị Tun (62 tuổi, ngụ thôn 9, xã An Sơn) nói: “Bụi đá như mưa. Rửa mãi không sạch. Chúng tôi chỉ dám mở cửa nhà mấy tiếng buổi sáng. Gần đến giờ họ nổ mìn là phải đóng vào ngay. Quần áo, thóc lúa phơi cũng phải thu vào hết. Hít bụi nhiều như thế này, chúng tôi sợ hỏng hết phổi”.
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, hoạt động nổ mìn khai thác đá trên núi Trại Sơn còn khiến một số công trình ở thôn 9 bị ảnh hưởng. Ông Vũ Văn Triển (62 tuổi, Trưởng làng văn hóa Trại Sơn, ngụ thôn 9) cho biết: “Từ khi mỏ đá hoạt động trở lại, tường một số nhà dân và chùa Kim Liên (có từ thời Mạc, nằm dưới chân núi Trại Sơn) bị nứt. Chúng tôi đã phản ánh lên xã để ghi nhận hiện trạng và để nghị chủ mỏ phải có trách nhiệm với các công trình của người dân cũng như di tích”.
Đáng chú ý, theo phản ánh và ghi nhận thực tế của Thanh Niên, mỏ đá trên núi Trại Sơn nằm rất gần một số di tích như hang Huyện ủy, hang Công an, là những di tích cách mạng của TP.Hải Phòng.
Ông Mạc Văn Khảng (88 tuổi, ngụ thôn 12 xã An Sơn) cho rằng: “Hoạt động nổ mìn rất có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của các hang động trên núi. Biết đâu có một ngày, sau khi mìn nổ ở mỏ đá, các hang động có giá trị lịch sử này sẽ bị sụp đổ”.
Thực tế, từ khi dự án được cấp phép vào năm 2013, người dân đã phản đối quyết liệt vì lo sợ về các vấn đề môi trường cũng như các tác động xấu đến hàng loạt di tích. Nhiều đơn thư được gửi đi nhưng mỏ đá vẫn hoạt động. “Với tình trạng này, cả núi Trại Sơn rồi sẽ biến thành đá làm vật liệu xây dựng. Con cháu chúng tôi sẽ không còn được thấy những di tích gắn liền với truyền thống hào hùng của ông cha”, ông Mạc Văn Khảng lo lắng
Trước những phản ánh của người dân, Báo Thanh Niên đã có buổi làm việc với UBND H.Thủy Nguyên và Công ty TNHH Kiên Ngọc để làm rõ.
Ông Nguyễn Duy Hùng, đại diện Công ty TNHH Kiên Ngọc, cho biết công ty này được UBND TP.Hải Phòng cấp phép khai thác đá ở khu B núi Trại Sơn từ năm 2013. Thời hạn là 12 năm 7 tháng. Do suy thoái kinh tế, công ty có một thời gian dài dừng khai thác, đến tháng 4.2020 mới khai thác trở lại vì thời hạn giấy phép vẫn còn.
“Khu vực khai thác được phép là 10,03 ha, hoàn toàn nằm ngoài vùng bảo vệ các di tích lịch sử. Công ty cũng đã giải phóng mặt bằng để làm hành lang nổ mìn có bán kính 200 m. Việc quan trắc môi trường cũng được làm theo quy định. Trên thực tế, chúng tôi đã rút gọn diện tích khai thác đá xuống còn 4,75 ha”, ông Nguyễn Duy Hùng nói.
Tuy nhiên, với những phản ánh của người dân, ông Nguyễn Văn Viển, Phó chủ tịch UBND H.Thủy Nguyên (TP.Hải Phòng), cho biết: “Về mặt pháp lý thì Công ty TNHH Kiên Ngọc đủ điều kiện khai thác. Họ cũng chỉ được khai thác trong phạm vi cho phép. Khu vực có di tích sẽ được bảo vệ nghiêm, không bao giờ được khai thác. Với những lo lắng về môi trường, hư hỏng công trình và di tích, huyện sẽ giao phòng chuyên môi khảo sát thực tế và giám sát hoạt động khai thác của Công ty TNHH Kiên Ngọc. Vấn đề nào xử lý được huyện sẽ làm ngay. Vấn đề nào vượt thẩm quyền, chúng tôi sẽ báo cáo thành phố xử lý và trả lời với người dân”, ông Viển cho biết.
Bình luận (0)