Xóm trọ ngày Tết: Nhà 3 thế hệ mong Tết ấm bên nồi thịt kho hột vịt

21/01/2023 12:35 GMT+7

Tết đến mọi người ở dãy trọ vùng ven TP.HCM đóng cửa về quê, riêng 2 phòng cuối dãy của 3 thế hệ nhà chị Mai vẫn sáng đèn. Cả nhà chỉ mong Tết ấm bên nồi thịt kho hột vịt để có chút không khí ngày xuân.

Căn nhà trọ của vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Mai (29 tuổi) nằm trên đường Trần Văn Giàu (H.Bình Chánh, TP.HCM). Sát bên nhà trọ của cha mẹ chồng, cách đó không xa cũng là nhà trọ của cha mẹ ruột chị.

Bao năm qua, cả gia đình 3 thế hệ đón Tết ở nhà trọ, trong không khí vắng lặng thật khác thường ngày.

Điều ước ngày Tết

Gặp chị Mai trong dãy trọ những ngày cuối năm, tôi bị ấn tượng vì người phụ nữ 2 con nhưng nhìn rất trẻ, dáng người cao ráo, làn da trắng. Chắc vì vậy mà ít ai biết được chị Mai có cuộc sống vất vả từ ngày còn nhỏ. Cha mẹ làm lao động, chị nghỉ học từ sớm đi xin việc, năm 19 tuổi thì nên duyên cùng anh Nguyễn Hoàng Phong (cùng tuổi).

Vì ở sát phòng trọ với cha mẹ nên nhà anh Phong nấu cơm ăn chung đại gia đình

vũ phượng

Do hoàn cảnh tương đồng, hai bên đồng ý để đôi trẻ đi đăng ký kết hôn rồi về chung sống mà không tổ chức đám cưới. Khi ấy, anh Phong bị mất 1 cánh tay vì tai nạn lao động năm 15 tuổi cũng vực dậy đi bán vé số kiếm tiền trang trải.

Sau khi sinh 2 con, chị Mai bắt đầu xin vào làm công nhân PouYuen để có bảo hiểm, cuộc sống cũng dần ổn định hơn. “Tôi làm công nhân, chồng bán vé số, mỗi tháng tổng thu nhập chừng 10 triệu, vừa đóng trọ, lo cho các con, vừa phụ cha mẹ hai bên vì cha mẹ có tuổi, lại có bệnh trong người”, chị Mai kể.

Hai vợ chồng chị Mai động viên nhau cố gắng lo cho con ăn học để thoát cảnh khổ

vũ phượng

Tết năm ngoái, chị Mai được thưởng 7 triệu, sau khi trả nợ, gia đình còn lại vừa đủ đôi ba đồng để mua trái cây, hoa cúng bàn thờ tổ tiên mấy ngày Tết. Bao năm ăn Tết ở nhà trọ, gia đình chưa từng mua mứt Tết hay đưa nhau đi đường hoa, chợ hoa xuân.

Chị tâm sự: “Tết của gia đình chỉ quẩn quanh trong nhà trọ, có nồi thịt kho hột vịt là thấy không khí Tết rồi. Nhưng tôi vẫn ráng sắm cho 2 đứa bộ đồ mới, để ông ngoại chở ra công viên Phú Lâm xem, vậy là xong Tết. Còn Đầm Sen, sở thú,… hy vọng dịp nào đó khá hơn chút thì cả nhà sẽ được cùng nhau đi”.

Năm nay, thưởng Tết của công nhân cao hơn năm trước. Với thâm niên 8 năm của chị, số tiền đâu đó khoảng 10 triệu. Dù không quá cao, nhưng đó cũng là niềm vui của cả gia đình khi Tết cận kề.

Tai nạn lao động năm 15 tuổi khiến anh Phong bị mất 1 tay

vũ phượng

“Tôi chỉ mong ước sao có Tết ấm no, có nồi thịt kho hột vịt như mọi năm cho cha mẹ đỡ khổ, con cái có ăn uống đầy đủ. Mình đã thiếu thốn rồi giờ chỉ mong cho con cái đủ đầy. Với tiền thưởng, tôi có thể phụ mẹ mua này kia cúng rước ông bà về ăn Tết, vậy là mừng rồi”, chị chia sẻ.

Nhìn người vợ tần tảo, cả ngày làm lụng, tối đến lại về lo chuyện trong nhà, chăm sóc cha mẹ già, anh Nguyễn Hoàng Phong cho hay, anh chỉ biết cố gắng đi bán hết vé số mỗi ngày để về lo cho vợ con. “Ước mơ của vợ tôi là được mặc váy cưới, hai bên gia đình đi ăn nhà hàng mà đợt rồi chưa đăng ký đám cưới tập thể được. Bao năm qua, vợ đã hy sinh rất nhiều rồi”, anh xúc động.

Hạnh phúc bình dị

Vì ở sát phòng trọ với cha mẹ nên nhà anh Phong nấu cơm ăn chung đại gia đình. Mâm cơm mỗi ngày chỉ có đúng 1 món mặn và 1 món canh, mọi người vừa ăn vừa xem ti vi. Theo anh Phong, dù ở TP nhưng chưa bao giờ cả nhà ra trung tâm xem trang hoàng Tết vì tất cả chỉ muốn tập trung lo cho 2 bé được ăn học tới nơi tới chốn để thoát cảnh khổ.

Bà Dung xúc động khi kể lại ký ức ngày Tết tuy thiếu thốn nhưng hạnh phúc của gia đình

vũ phượng

“Hai vợ chồng mà có dư được vài ba đồng thì cũng để đó để lỡ có chuyện thì còn có tiền xoay xở. Giờ đi từ Bình Chánh vào trung tâm cả nhà thì phải đi taxi, tốn tiền xe cộ, tiền đó để lo cho cha mẹ, hai con chứ không muốn xa hoa. Tôi chỉ mong tết ấm no, có nồi thịt kho hột vịt, có này có kia cho con ăn vui vẻ”, anh bày tỏ.

Bà Trần Thị Dung (62 tuổi, mẹ anh Phong) thì chia sẻ, sau những năm tháng đi làm thuê làm mướn, đến nay bà về bán cà phê vỉa hè ở đầu dãy trọ, ngày kiếm chừng vài chục đến khoảng 100.000 đồng.

Từ An Giang lên TP từ năm 9 tuổi, đến nay 62 tuổi, bà Dung đang ở trọ

vũ phượng

Khi được hỏi về cuộc sống của hai người con, bà khựng lại, ứa nước mắt: “Nó là con út, trước nó còn thằng anh đi làm công trình và ở đó, lâu lâu cũng gửi về phụ cha mẹ. Hai vợ chồng đứa út cố gắng lắm đó, tập trung đi làm, đi bán để lo ăn uống trong nhà và nuôi 2 con ăn học, không có dư nổi”.

Ngày Tết đầy đủ nhất bao năm qua của gia đình bà Dung là khi con cháu cùng tập trung về phòng trọ, mấy chị em cho vài con cá khô, hũ củ kiệu với nồi thịt kho. Năm nào cũng vậy, bà lựa vài trái dừa bán ế, tự sên làm mứt, mua thêm dĩa trái cây, bình bông, làm đĩa bún xào cúng tổ tiên. Vậy là xong mấy ngày tết.

Theo lời bà Dung, mấy ngày Tết, cả dãy trọ im phăng phắc, chỉ có tiếng xe ngoài đường lớn và tiếng cười nói, chạy nhảy của 2 đứa cháu nội. Khi được PV hỏi về ước mong ngày Tết, bà Dung nhường lời cho chồng là ông Nguyễn Văn Mai (58 tuổi), có lẽ vì người phụ nữ một đời lam lũ cũng chưa biết ước mơ của mình là gì.

“Chỉ mong sức khỏe, có sức khỏe thì mới làm lụng mà lo cho cuộc sống được. Đó là mong ước tôi thấy thực tế nhất, chứ không dám mong gì xa vời”, ông Mai bộc bạch.

Chào cả nhà ra về, người viết xin phép được gửi một phong bao lì xì ngày cuối năm, mong rằng đủ làm nồi thịt kho hột vịt đầy thêm chút nữa để Tết của cả nhà thêm ấm no...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.