Xóm ve chai ở Sài Gòn: Ngày đạp trăm cây số, chia nhau 10.000 đồng rau

Anh Lê
Anh Lê
09/04/2019 11:47 GMT+7

Mỗi người có những thân phận và hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung của họ là cùng quê Quảng Ngãi vào Sài Gòn kiếm sống, người vào trước dắt người vào sau, cùng đùm bọc nhau qua từng ngày.

12 năm ròng đạp trăm cây số mỗi ngày nuôi con ăn học

Giữa trưa một ngày Sài Gòn nắng nóng cao điểm, tôi bắt gặp bà Chiểu (50 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) đang đạp chiếc xe ba gác chậm rãi trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP.HCM). Tôi đánh bạo hỏi thăm, bà nhiệt tình cho biết đã vào Sài Gòn rồi vô tình làm nghề buôn bán ve chai được 12 năm.
“Cô vào đây khi con gái thứ hai của cô mới tròn 1 tuổi, làm thôi nôi xong là cô vào luôn. Ở nhà khổ quá, làm không có ăn. Vào này cực thì cực thật nhưng một tháng cũng tích góp được 4 - 5 triệu, mình phụ nuôi 3 đứa con đi học", bà Chiểu chia sẻ.
Bà Chiểu kể những ngày đầu vào Sài Gòn xin làm nhiều nghề nhưng rất khó khăn, sau đó được người cùng quê giới thiệu nên chuyển qua buôn bán ve chai.
"Thời gian đầu do không biết phân loại hàng hoá đắt rẻ thế nào nên chịu lỗ nhiều. Sau rồi được một vài người làm nghề thấy thương và chỉ kinh nghiệm rồi cho chuyển vào ở cùng. Vì là đồng hương nên cô được mọi người chỉ cách mua bán sao cho đúng, rồi cứ thế cho đến bây giờ", bà nhớ lại.
Trừ những hôm đau ốm, bà Chiểu cho biết không dám nghỉ ngày nào vì một ngày nghỉ làm coi như không có tiền ăn. Bà tâm sự: "Mỗi ngày cô cứ đi lang thang cả trăm cây số, từ đường này qua đường khác, rồi vào hẻm, có hôm về đau đi không nổi. Nhưng phải đi nhiều thì may ra mới mua được nhiều chứ không được đứng một chỗ vì đâu phải ngày nào người ta cũng có phế liệu bán cho mình đâu con. Một ngày như vậy cô lời khoảng 100 ngàn, hơn lắm thì mới được 150 ngàn. Số tiền đó lo cho 3 miệng ăn, rồi trả tiền nhà coi như không dư giả".
Những buổi trưa nắng nóng, cả nhóm tại tụ họp lại một chỗ để ăn trưa, nghỉ ngơi
Người phụ nữ tóc đã pha sương cho biết dù ở đây buôn bán cực khổ nhưng vẫn có đồng ra đồng vào nên mỗi lần về quê thấy nhà nào khổ quá cô cũng rủ vào làm nghề chung rồi chia sẻ những kinh nghiệm, dần dần xóm trọ ngày một đông.
Nói chuyện chừng 30 phút nhìn đồng hồ đã gần 1 giờ chiều, tôi có nhã ý mời bà ăn cơm trưa nhưng bà nói đã chuẩn bị cơm rồi nếu để đến chiều sẽ thiu, tôi nói để con mua nước cùng uống bà cũng nhất quyết từ chối. "Thôi cô không cần đâu, con cũng đi làm như cô thôi", nói rồi, bà quay lại vẫy vẫy tay chào tôi rồi tiếp tục hành trình mưu sinh.
Chiếc xe 3 gác vừa là nơi trở phế liệu, vừa là chiếc giường để ngả lưng

Xóm ve chai chia nhau 10.000 đồng rau, củ

Theo lời bà Chiểu, ngày 28-3, tôi tìm đến chỗ ở của những "đồng nghiệp" của bà trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 10). Trước đây bà Chiểu ngụ nơi này nhưng hiện đã chuyển ra ngoài để con cái có không gian học hành.
Giữa sự ngột ngạt của nắng nóng, giờ nghỉ trưa của những người bán ve chai tại đây chỉ kéo dài ít phút để ăn trưa và ngả lưng trên chính chiếc xe chở hàng của họ dưới vài mái hiên tránh nắng.
"Tụi cô ở đây đều là quê Quảng Ngãi hết, có người vào sớm, có người vào muộn nhưng đồng hương và ở cùng nhà nên thân thiết như chị em", bà Nhơn, một người bán ve chai tại đây, chia sẻ.
Tập kết phế liệu sau một ngày vất vả
Hầu như người nào cũng tự chuẩn bị cho mình một hộp cơm trưa vì giá cơm ở ngoài khá đắt đỏ so với mức thu nhập một ngày làm việc.
"Cứ sáng dậy là tụi cô tự nấu cơm mang đi chứ mua cơm ở ngoài có khi bằng cả buổi đi làm rồi. Mình tự nấu thì đôi khi mua 10.000 đồng rau là đủ cho mấy người vậy nó tiết kiệm hơn. Còn nước thì không bao giờ lo thiếu vì thùng trà đá miễn phí ở trên đường cũng nhiều. Cứ mang theo cái chai, đi uống hết thì lại lấy. Thu nhập thì tuỳ vào mỗi hôm, như hôm nay sáng giờ cô mới mua được 10 ngàn à", bà Nhơn kể thêm.
Chiếc xe ba gác vừa là nơi chở phế liệu lại vừa là chiếc giường nghỉ ngơi của các bà, các chị giữa trưa nắng. Một ngày làm việc bắt đầu từ 7, 8 giờ sáng, đi suốt đến 20, 21 giờ mới về. “Thường là như vậy, còn có hôm mười giờ đêm mới về đến, rồi tắm rửa nghỉ ngơi cũng đến 11 giờ đêm rồi”, một người nói.

40 mét vuông cho 20 người: Mỗi người 2 ô gạch

Tầm 20 giờ tối là thời gian tập kết thành quả thu được của một ngày mua bán vất vả. Chừng hơn 10 chiếc xe chất đầy phế liệu được chở đến một căn nhà nằm trong con hẻm ở khu chợ Ông Địa (quận Tân Bình, TP.HCM). Căn nhà này vừa là vựa ve chai và cũng là nơi cư trú của gần 20 người người cùng quê Quảng Ngãi trong nhiều năm nay.
Nơi ngủ và sinh hoạt của họ là một căn phòng rộng chừng 40 m2, dù chật chội cho gần 20 người nhưng được sắp xếp gọn gàng và sạch sẽ. Sau một ngày làm việc vất vả, cả nhà lại quây quần lại một chỗ, cùng ăn những bữa cơm tuy đạm bạc nhưng ai cũng vui vẻ, nói chuyện trêu đùa rất rôm rả.
"Tối thì mọi người ngủ tập thể ở đây luôn, mỗi người 2 ô gạch này, ai mà lấn qua là quýnh chết à", chị Phương, một người trong phòng pha trò.
Phút nghỉ ngơi trong giờ tập kết ve chai
Những người ở đây đều là phụ nữ, đa số là trung niên nhưng cũng có những người đã gần 70 tuổi. "Ngày ai cũng đi làm hết, trẻ trẻ thì đạp xe đi mua ve chai, còn già yếu không đạp được thì bán vé số qua ngày chứ về quê biết làm gì. Hoa màu thì không năng suất, chăn nuôi thì dịch này dịch kia nhiều khi mất trắng, cứ làm nông mà nuôi con ăn học thì khó lắm", chị Thảo, một trong những người ở đây nuôi con đi học đại học, chia sẻ.
Chủ vựa ve chai này là ông Võ Văn Hiếu, cũng là người Quảng Ngãi. Ông Hiếu cho biết mình đã vào TP.HCM được gần 20 năm và làm nghề buôn bán ve chai.
"Sau nhiều năm tích góp, tôi mướn căn nhà của người ta làm nơi để phế liệu và cũng đưa những bà con cùng quê vào làm và ở chung. Ở đây đều là bà con Quảng Ngãi nên dễ sống với nhau lắm", ông Hiếu chia sẻ sau khi hoàn tất công việc thu mua ve chai của mọi người.
Những người bán phế liệu được ông cho thuê nhà với giá 200 ngàn đồng/người/tháng. Tuy phải sống tập thể nhưng căn phòng thoáng mát và sạch sẽ, so với việc phải thuê nhà ở ngoài thì đây là một chỗ ở phù hợp với số tiền ít ỏi mà họ kiếm được mỗi ngày.
Bà Nhơn nói: "Cùng quê, sống với nhau cũng quen cái nết, ai ốm đau hay có công chuyện gì cũng biết đường mà lo và báo về cho gia đình, mệt nhưng vui. Giờ chỉ lo sao kiếm được nhiều tiền lo cho tụi nhỏ ăn học ra trường, mỗi dịp về nhà cũng mua được ít quà cho gia đình chứ như bây giờ mỗi lần về trả tiền vé thôi cũng lao đao". Nghe bà Nhơn nói, cả phòng bỗng lặng đi ít phút.
Bữa cơm đạm bạc cùng nhau sau ngày làm việc mệt nhọc

Bà Chiểu chia sẻ với tôi: “Thực ra ai cũng cực như ai vậy, mình mua được hàng thì bán lại cho ông Hiếu, ngược lại ông ấy giúp mình có chỗ ở, mua phế liệu của mình. Ông ấy sống cũng tình cảm lắm, các cô có ốm đau hay thiếu tiền ông ấy hay giúp đỡ, ngược lại khi ông ấy thiếu thì ổng vay lại bọn cô thôi”.

Còn khi nhắc đến những người “đồng nghiệp” của mình, bà Chiểu vui vẻ: “Ôi trời tụi cô sống với nhau như chị em vậy mà. Thời gian cô sống ở đó mọi người giúp đỡ cô nhiều lắm. Có lần cô bị tai nạn gãy chân, mà người gây tai nạn bỏ chạy mất không bồi thường gì hết, khi đó cũng nhờ mọi người trong nhà giúp đỡ. Người thì cho mượn tiền, người đưa đi bệnh viện rồi còn kêu gọi giúp đỡ. Cứ vậy hoài, ai trong nhà có chuyện gì hay nhà khó khăn quá thì các cô lại đi vận động tiền, người 10 ngàn, người 50 chục ngàn, bí quá cô đi qua các vựa khác xin luôn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.