Xứ Basque vẫn đáng nể

22/01/2022 07:50 GMT+7

Athletic Bilbao vừa thắng Barcelona 3-2, đoạt vé vào vòng tứ kết Cúp Nhà vua Tây Ban Nha (Copa del Rey). Đó là kết quả bất ngờ nếu nhìn vào tên tuổi hai đội, chưa kể Barcelona chính là đội đang giữ cúp. Nhưng điều này không hẳn là bất ngờ khi nhìn vào thực tế.

Barcelona mùa này đã khủng hoảng về nhiều mặt, lại chỉ được dẫn dắt bởi Xavi - cựu danh thủ tuy chơi bóng xuất sắc nhưng chưa bao giờ huấn luyện ở đẳng cấp cao. Trên sân, Bilbao cũng là đội chơi hay hơn, 2 lần dẫn điểm trong 90 phút chính thức, trước khi thắng bàn quyết định trong hiệp phụ. Chỗ đáng bàn nhất: kết quả này nói lên sự tương phản về mọi mặt giữa hai CLB đều được gọi là biểu tượng trong làng bóng Tây Ban Nha. Niềm tự hào xứ Basque thắng niềm tự hào xứ Catalonia.

Niềm tự hào xứ Basque - Atlectic Bilbao (phải) xuất sắc đá bại Barcelona

AFP

Nói về Barcelona là phải nói về lò trẻ La Masia nổi tiếng, gắn với triết lý của huyền thoại Johan Cruyff. Đại khái, người ta nói rằng các cậu bé 7 - 8 tuổi khi tập chơi bóng ở La Masia thì đã được dạy thứ bóng đá đẹp và những nguyên tắc chơi bóng hoàn toàn tương đồng với đội lớn Barcelona. Cruyff nghĩ ra chiến lược này khi đặt nền móng cho lò trẻ La Masia từ thập niên 1970, và đó chính là khởi nguồn của sản phẩm tuyệt luân mang tên tiki-taka, lối chơi đã thống trị bóng đá đỉnh cao cách đây khoảng chục năm.

Barcelona thời Xavi còn chơi bóng thì quá hay rồi, không phải nhắc lại. Nhưng người ta vẫn thường tâng bốc quá lố về triết lý La Masia. Nhuần nhuyễn và tương đồng qua mọi độ tuổi, vậy sao Barcelona cứ phải mua người từ đội bóng khác? Thậm chí, Barcelona phải mua đến một mức độ điên rồ, dẫn đến món nợ 1,5 tỉ euro. Giờ vẫn vậy: Ferran Torres vừa ghi bàn cho Barcelona trong trận gặp Bilbao. Torres vươn lên ở lò trẻ Valencia, được bán sang Man.City, và Barcelona mua lại với giá “cắt cổ”. Nói chung, Barcelona mùa này chỉ là một mớ ngôi sao ô hợp, được huấn luyện bởi một Xavi không có tài năng đáng kể nào trong lĩnh vực huấn luyện. Thua là phải rồi. Đau ở chỗ Barcelona thua một Athletic Bilbao ở thái cực hoàn toàn ngược lại.

Bilbao chẳng giàu có gì, nhưng không bao giờ nợ bởi đội này dù có tiền cũng chẳng dễ mua cầu thủ. Cách đây khoảng 3 - 4 năm, Bilbao đối diện nguy cơ rớt hạng lần đầu tiên trong lịch sử (ngoài hai gã khổng lồ Barcelona và Real Madrid, chỉ có Bilbao là luôn hiện diện ở La Liga). Họ dư khoảng 300 triệu euro, nhưng phải cắn răng chống rớt hạng bằng lực lượng sẵn có. Vì Bilbao có truyền thống chỉ ký hợp đồng với các cầu thủ xứ Basque. Rốt cuộc thì cũng vượt qua thời điểm khó khăn. Và bây giờ, Bilbao lại phát triển ổn định.

Đó là “luật bất thành văn”, đã được duy trì hơn 100 năm. Nếu không sinh trưởng ở xứ Basque thì các cầu thủ mà Bilbao tuyển mộ ít ra cũng phải có mối liên hệ nào đấy, qua nguồn gốc hoặc từng tập trong lò đào tạo trẻ của Bilbao. Cứ việc hình dung: nguồn cung cấp cầu thủ cho Bilbao hơn trăm năm nay chỉ là một khu vực có bán kính vài cây số, với khoảng 3 triệu cư dân - hạn hẹp hơn cả bóng đá Singapore. Vậy mà Athletic Bilbao vẫn luôn phát triển vững vàng trong bóng đá đỉnh cao!

Quanh năm, giới tuyển trạch của Bilbao phải lùng sục khắp vùng để tìm cầu thủ năng khiếu. Họ có quà tặng mang hình ảnh CLB cho mọi trẻ em thích bóng đá, nâng như nâng trứng các em chịu gia nhập lò trẻ. Ở đội lớn thì cầu thủ lĩnh lương cao, được đãi ngộ thỏa đáng. Tất nhiên, vẫn có những trường hợp chuyển sang đội khác, và khâu tìm người thay thế luôn khó khăn. Chưa kể, nội trong xứ Basque còn có nhiều CLB khác như Real Sociedad, Osasuna, Alaves, Eibar…!

Đến tận thời buổi này mà Athletic Bilbao vẫn sống khỏe với “luật” chỉ dùng cầu thủ xứ Basque, kể cũng đáng nể. Real Sociedad cũng từng theo nguyên tắc này, chỉ “nới” phần nào trong vài năm nay. Và ở vòng đấu vừa qua, Sociedad cũng loại được đối thủ mạnh Atletico Madrid. Tại La Liga, Sociedad đang đồng điểm với đương kim vô địch Atletico và đứng trên cả Barcelona. Bóng đá xứ Basque vừa có một vòng đấu đáng nhớ tại Copa del Rey.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.