Nhưng không phải tất cả cổ phiếu (CP) đều tăng giá mà có sự phân hóa khá rõ khi kết quả kinh doanh quý 3 sắp sửa được công bố. Vì vậy, nhiều dự báo cho thấy xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì cho đến hết năm 2014.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán (CTCK) Ngân hàng Ngoại thương, thị trường khó tăng mạnh cũng như giảm sâu vì các “biến số” vĩ mô đều cơ bản ổn định. Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, lạm phát chắc chắn thấp, lãi suất, tỷ giá bình ổn. Tuy nhiên, một số khó khăn vẫn là “điểm nghẽn” của thị trường như tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu ngân hàng và doanh nghiệp (DN) còn lớn khiến thị trường khó có thể “bùng nổ” sau khi VN - Index chinh phục thành công mốc 600 điểm.
Hầu hết các tổ chức tài chính đều nhận định những CP đã có mức doanh thu, lợi nhuận khá trong nửa đầu năm nay đều thuộc về các lĩnh vực như dầu khí, năng lượng, xuất khẩu, xây dựng cơ sở hạ tầng… khi Chính phủ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, các ngành sản xuất như cao su và săm lốp; một số ngành vật liệu xây dựng, xây lắp, nhựa, thép… cũng đang cho kết quả kinh doanh tốt hơn nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm và thị trường địa ốc ấm trở lại. Quý 4 thông thường cũng là mùa các DN đẩy mạnh hoạt động khi bước vào mùa mua sắm và quyết toán các công trình nên doanh thu sẽ được ghi nhận cao cũng là dễ hiểu.
Bên cạnh nhóm CP ngành dầu khí, bất động sản, xây dựng và chứng khoán được dự báo có nhiều tiềm năng, thì theo CTCK Rồng Việt, các DN niêm yết trong ngành dệt may, đặc biệt là những DN sở hữu dây chuyền sản xuất khép kín sẽ hưởng lợi từ việc giá các nguyên liệu đầu vào như bông, sợi, vải trên thế giới tiếp tục đi xuống. Nhu cầu mua sắm phục vụ các ngày lễ cuối năm ở các thị trường trong và ngoài nước cũng là cơ hội để DN dệt may tiếp tục có doanh thu cao. Qua đó, có thể thấy triển vọng của ngành dệt may từ nay đến cuối năm 2014 vẫn còn khá lớn...
Thảo Vy
Bình luận (0)