Xu hướng học thêm nhiều nghề tay trái

28/08/2023 08:00 GMT+7

Hiện nay, nhiều người trẻ có xu hướng chọn học thêm các nghề tay trái vì hướng bản thân đến hình mẫu đa nhiệm, đa năng, cũng như tự tạo cho mình thêm nhiều cơ hội việc làm.

NHIỀU KỸ NĂNG LÀ THẾ MẠNH ĐỂ CẠNH TRANH VIỆC LÀM

Nguyễn Trọng Nguyễn (25 tuổi), làm việc tại một văn phòng luật sư ở P.An Thới, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ, xác định sau này sẽ làm nhiều công việc khác nhau để tăng trải nghiệm, vốn sống. Chính vì thế, ngay từ khi bắt đầu đi làm, Nguyễn sắp xếp thời gian ban đêm và cuối tuần để học thêm ngành ngôn ngữ Anh, quản lý nhà nước và một khóa nghiệp vụ sư phạm.

Xu hướng học thêm nhiều nghề tay trái - Ảnh 1.

Bạn trẻ học thêm các lớp làm bánh, cắm hoa để có thêm một nghề tay trái

Huỳnh Nhi

"Ngành quản lý nhà nước bổ trợ rất nhiều cho công việc luật sư, còn ngành ngôn ngữ Anh và khóa nghiệp vụ sư phạm sẽ giúp tôi có cơ hội trở thành giảng viên sau này", Nguyễn nói và cho biết đi học nhiều ngành giúp bản thân nâng cao kiến thức, kỹ năng và luôn có động lực phấn đấu mỗi ngày.

Chàng trai cũng chia sẻ trong bối cảnh thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh, nhiều người trẻ cùng có bằng đại học như nhau, việc có thêm kỹ năng, nghề tay trái sẽ tạo nên sự khác biệt trong mắt nhà tuyển dụng. Chưa kể, đó còn là phương án dự phòng an toàn về sau.

Bà Phan Diễm Linh, phụ trách bộ phận hướng nghiệp, Trung tâm hướng nghiệp Á Âu, cho rằng trường hợp như Nguyễn hiện nay không hiếm, vì đa nhiệm đang là xu hướng của người trẻ.

Xu hướng học thêm nhiều nghề tay trái - Ảnh 2.

Các khóa học trực tuyến trên mạng ngày càng phổ biến, giúp người trẻ có thể học thêm được nhiều nghề tay trái cùng lúc

Bà Linh cho biết tại trung tâm, tỷ lệ học viên từ 18 - 22 tuổi chiếm khoảng 40%. Trong đó, hơn một nửa đang là sinh viên ở các trường đại học theo học nghề tại trung tâm.

Bà Linh cho rằng do đặc tính gen Z thường gắn với chữ đa nhiệm, nên nhiều bạn trẻ có xu hướng học thêm nghề như một cách bổ trợ kỹ năng. Khi người trẻ có nhiều kỹ năng, chuyên môn thì càng có thế mạnh cạnh tranh trong môi trường việc làm. Nhất là bối cảnh sau đại dịch Covid-19, trước sức ép kinh tế, làn sóng sa thải, người lao động đòi hỏi phải có năng lực đa nhiệm nhiều hơn.

"Giữa 2 ứng viên có năng lực, kỹ năng chuyên ngành như nhau, nhưng nếu có thêm kỹ năng bổ trợ, bạn sẽ được nhà tuyển dụng ưu tiên hơn. Kỹ thuật số, thiết kế cơ bản và ngoại ngữ là những kỹ năng bổ trợ đang được tìm kiếm cho nhiều lĩnh vực nghề nghiệp", bà Linh giải thích.

ĐA NHIỆM THẾ NÀO ĐỂ HIỆU QUẢ ?

Ngoài công việc chính, một số bạn lựa chọn khám phá các ngành nghề khác, giúp họ phát triển kỹ năng, sở thích mà vẫn kiếm được tiền.

Huỳnh Ngọc An (25 tuổi), nhân viên hành chính tại một trường đại học trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết việc học thêm nghề tay trái giúp cô thư giãn sau giờ làm, dành thời gian khám phá tiềm năng của bản thân và có thêm tiền tiêu vặt, chi trả những hóa đơn nhỏ.

Ngọc An kể, cô học một khóa cắm hoa ngắn hạn rồi mở tiệm hoa trực tuyến nho nhỏ tại nhà. Mỗi khi có đơn đặt hàng, An sẽ đi chợ Hồ Thị Kỷ mua hoa về cắm theo yêu cầu. Tiền lời không nhiều nhưng công việc giúp cô được làm điều mình thích và giải tỏa căng thẳng, học thêm kỹ năng giao tiếp, bán hàng, tư vấn sản phẩm…

Bà Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc nhân sự của Công ty cổ phần Navigos Group Việt Nam, cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các nguồn thông tin việc làm đa dạng là bước đệm khiến bạn trẻ có cơ hội tiếp cận với nhiều công việc khác nhau, từ đó thôi thúc người trẻ đi học thêm nghề tay trái. Ngoài ra, trong quá trình học, việc hiểu biết thêm kiến thức, kỹ năng giúp người trẻ cảm thấy vượt trội và tích cực hơn.

Dù vậy, mỗi người đều chỉ có 24 tiếng một ngày giống nhau, nên việc đa nhiệm đòi hỏi sự nỗ lực và cố gắng rất nhiều.

"Dù lựa chọn làm một hay nhiều công việc thì điều quan trọng là bạn cần hiểu rõ định hướng, mục tiêu sự nghiệp mình muốn hướng đến là gì. Các bạn trẻ cần nhận thức rõ về lâu dài, công việc, kỹ năng này sẽ giúp ích gì cho sự phát triển của bản thân", bà Hoài Linh khuyên.

Còn theo quan điểm của bà Phan Diễm Linh, nếu hiểu đa nhiệm là cái gì cũng học, không có sự tập trung, việc gì cũng biết một chút thì người trẻ dễ rơi vào trạng thái bản thân không biết mình thích gì, thế mạnh ở đâu và dẫn tới phân tán công việc. Bà Linh nhắn nhủ bạn trẻ nên có sự ưu tiên trong công việc, tập trung vào chuyên môn chính và phát triển thêm những kỹ năng bổ trợ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.