Theo Bộ Quốc phòng, việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng, đưa vào hoạt động kinh tế khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là vấn đề lịch sử tồn tại từ sau năm 1975 đến nay.
Ngày 8.8 tại TP.HCM, Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai kết luận của Thường vụ Quân ủy trung ương về công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, do thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ trì.
Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri gay gắt vụ sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, các đại biểu Quốc hội phản ánh tại Hội nghị góp ý dự thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết liên tịch về việc tiếp xúc cử tri.
Còn lãng phí, phức tạp
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng, khi người Pháp quy hoạch vào thời điểm năm 1920, Tân Sơn Nhất rộng 3.600 ha. Đến năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, chúng ta tiếp quản sân bay thì chỉ còn khoảng 1.500 ha. Hiện nay, sau 40 năm quản lý, sử dụng còn lại khoảng 1.060 ha, trong đó đất quốc phòng đang quản lý là 489,03 ha; đất hàng không dân dụng quản lý 107,18 ha; đất dùng chung là 464,59 ha (quân sự 15,62 ha, hàng không dân dụng 448,97 ha). Từ năm 2014 đến nay, Bộ Quốc phòng đã bàn giao và dự kiến bàn giao đất quốc phòng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 52,22 ha, trong đó bàn giao cho TP.HCM khoảng 11,96 ha; bàn giao Bộ GTVT khoảng 40,26 ha phục vụ triển khai quy hoạch kết nối giao thông, xây dựng hồ điều hòa nhằm giảm ùn tắc giao thông và chống ngập nước tại khu vực sân bay; cải tạo, nâng cấp đường lăn, sân đỗ tàu bay hàng không dân dụng, quy hoạch nhà ga hành khách.
Bộ Quốc phòng yêu cầu các đơn vị trực thuộc tuyệt đối không ký kết mới các hợp đồng cho thuê nhà đất, kho bãi trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất
Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng, đưa vào hoạt động kinh tế khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là vấn đề lịch sử tồn tại từ sau năm 1975 đến nay. Qua nhiều lần kiểm tra, chấn chỉnh, hiện nay công tác quản lý, sử dụng đã đi vào nền nếp. Các phương án sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động kinh tế được Bộ Quốc phòng phê duyệt, sau khi đi vào hoạt động đã chấp hành đúng quy định của pháp luật, các quy định của địa phương, có hiệu quả cao, tạo được cảnh quan, cơ sở hạ tầng, có ý nghĩa về kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước, tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động trên địa bàn, đóng góp vào ngân sách địa phương; tạo nguồn thu bổ sung một phần ngân sách quốc phòng và một số chương trình chính sách hậu phương quân đội.
Tuy nhiên, đất khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đến nay vẫn chưa được quy hoạch căn cơ, bài bản, hiện xen kẽ nhiều đơn vị, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân một phần cũng do tận dụng cơ sở hạ tầng cũ, yếu tố lịch sử để lại… “Việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng đưa vào hoạt động kinh tế khu vực sân bay cũng còn nhiều bất cập, khó khăn, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục có chủ trương giải quyết, đó là vấn đề hợp tác, kinh doanh, bố trí cho thuê… gây lãng phí, phức tạp. Bộ Quốc phòng và Thường vụ Quân ủy trung ương đang tập trung kiên quyết giải quyết vấn đề này”, thượng tướng Trần Đơn khẳng định.
Sáng 8.8, tại TP.HCM, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương về công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Chấm dứt cho thuê mới đất quốc phòng
Theo Bộ Quốc phòng, về phương án sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động kinh tế tại sân bay Tân Sơn Nhất, Thường vụ Quân ủy trung ương thống nhất chủ trương: Đồng ý cho tiếp tục thực hiện các phương án đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt, song phải đảm bảo đúng quy định pháp luật, đúng quy hoạch và các quy định của TP.HCM; phối hợp tốt với địa phương trong công tác kiểm tra, nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Riêng các điểm đất đơn vị đã ký hợp đồng với diện tích nhỏ, không kinh doanh kho hàng, có hiệu quả kinh tế, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ, công tác quản lý chặt chẽ, thì cho phép giữ nguyên hiện trạng sử dụng và sẵn sàng thu hồi ngay khi có yêu cầu; nhưng phải kiểm tra, chấn chỉnh lại, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật, của Bộ Quốc phòng và TP.HCM.
Đối với các dự án, hợp đồng cho thuê kho chứa hàng hóa trong khu vực sân bay, cách đây 2 năm, Bộ Quốc phòng đã từng chỉ đạo xử lý nhưng vẫn chưa triệt để, theo đánh giá của thượng tướng Trần Đơn. Theo thượng tướng Trần Đơn, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sân bay, những dự án, hợp đồng dạng này phải chấm dứt, còn giải quyết như thế nào thì Bộ Quốc phòng sẽ có chủ trương, chỉ đạo sát sao để giải quyết hợp tình, hợp lý, có hiệu quả, đảm bảo phù hợp với quy hoạch của địa phương. “Vị trí đất nào đã cho thuê mà đủ điều kiện thu hồi thì tiến hành thu hồi ngay, chỗ nào gần hết hợp đồng thì không ký lại nữa mà phải lo thủ tục thu hồi. Chúng ta đi dần đến tình trạng chấm dứt thuê, mướn, hợp đồng không đúng quy định gây lãng phí trong việc sử dụng đất. Cái này phải làm triệt để. Các đơn vị trực thuộc phải chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Bộ”, ông lưu ý.
Để giải quyết triệt để những tồn tại liên quan đến đất quốc phòng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, “Bộ Quốc phòng yêu cầu các đơn vị trực thuộc tuyệt đối không ký kết mới các hợp đồng cho thuê nhà đất, kho bãi trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng ta tập trung giải quyết những cái tồn tại, không được mở mới, nghĩa là chấm dứt việc liên doanh, liên kết này nọ trong khu vực sân bay để tập trung cho công tác quy hoạch lại. Đây là một quyết tâm cao của Thường vụ Quân ủy trung ương”, thượng tướng Trần Đơn khẳng định.
Các ki ốt nằm trong phạm vi đất quốc phòng trên đường Trường Chinh, đoạn mũi tàu Trường Chinh - Cộng Hòa đến ngã ba Trường Chinh - Phạm Văn Bạch Ảnh: Ngọc Dương
Giải tỏa ngay 50 ki ốt và 3 cây xăng
Thượng tướng Trần Đơn yêu cầu Sư đoàn Không quân 370 và các đơn vị trực thuộc có liên quan, phối hợp UBND Q.Tân Bình giải tỏa 50 ki ốt nằm trên đất quốc phòng sát sân bay phía đường Trường Sơn, và 3 cây xăng của Sư đoàn Không quân 370, Tổng công ty Lũng Lô và Nhà máy A41. “Giải tỏa dứt điểm càng nhanh càng tốt, trong vòng 1 tháng, bàn giao đất đó cho TP.HCM quản lý, tạo đường thông hè thoáng, chứ không cho thuê mướn gì nữa; xây dựng lại hàng rào bảo vệ nghiêm ngặt sân bay”, ông yêu cầu.
Riêng vấn đề sân golf trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, thượng tướng Trần Đơn khẳng định thực chất đó là đất quốc phòng, nếu vì mục đích mở rộng sân bay thì thu hồi lúc nào cũng được. Tuy nhiên, hiện Bộ Quốc phòng đã kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ; khi có quyết định của Thủ tướng sẽ tổ chức triển khai thực hiện.
Tổng rà soát việc sử dụng đất quốc phòng
Thượng tướng Trần Đơn cho biết Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát việc sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động kinh tế trên tất cả các địa bàn, địa phương trong cả nước để chấn chỉnh một bước cơ bản vấn đề này; chỉ đạo các đơn vị rà soát, kiểm tra, báo cáo Bộ Quốc phòng xử lý từng vấn đề. Trên cơ sở đó, Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo thanh tra việc sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động kinh tế ở một số vị trí có dấu hiệu phức tạp. Xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc sử dụng đất quốc phòng có một số nội dung sai phạm, chỉ đạo kiểm điểm, sai phạm tới đâu thì xử lý đến đó theo quy định pháp luật.
Quan điểm nhất quán của Thường vụ Quân ủy trung ương, theo thượng tướng Trần Đơn, là quyết tâm lập lại trật tự trong việc sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động kinh tế, không chỉ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất mà còn trên phạm vi cả nước. “Có những việc không thể làm xong ngay một lúc nhưng tinh thần là rất quyết liệt để chấn chỉnh”, ông nói.
Về bàn giao đất quốc phòng, thượng tướng Trần Đơn cho rằng Bộ Quốc phòng không phải là người giữ đất mà chỉ quản lý đất được nhà nước giao. Thường vụ Quân ủy trung ương và Bộ luôn nhất quán quan điểm vì sự phát triển kinh tế - xã hội, công tác đảm bảo an sinh của người dân và vì nhiệm vụ, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. “Có những khu đất vị trí đặc biệt là phải dành cho quốc phòng, bố trí trận địa phòng thủ, thậm chí có chỗ đang bỏ trống nhưng không thể nói là lãng phí được đâu, bởi đất quốc phòng có đặc trưng riêng”, ông chia sẻ.
Bình luận (0)