Vũ Đình Chuẩn - ẢNH: THANH HÙNG |
Nhiều nơi có quy định riêng gây áp lực cho giáo viên
Thưa ông, vì sao Bộ GD-ĐT lại ban hành Chỉ thị chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong các nhà trường? Giải pháp chấn chỉnh cụ thể ra sao?
Việc ban hành chỉ thị này cụ thể hóa chủ trương của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giảm áp lực không đáng có cho giáo viên (GV) và cán bộ quản lý giáo dục trong các nhà trường.
Sở dĩ phải ban hành chỉ thị này vì lâu nay điều lệ trường chỉ quy định một số loại hồ sơ, sổ sách của GV đối với từng cấp học nhưng một số trường có quy định riêng gây áp lực cho GV.
Qua tìm hiểu tình hình thực tế và lắng nghe phản ánh của GV, Bộ nhận thấy không ít trường có hiện tượng yêu cầu GV phải làm hồ sơ, sổ sách nhiều hơn so với quy định, làm mất thời gian, công sức của GV khiến họ thực sự cảm thấy áp lực. Những áp lực này không mang lại hiệu quả tích cực cho công tác dạy học, trái lại khiến GV bị mất quá nhiều thời gian, công sức vào việc ghi chép sổ sách, ảnh hưởng tới thời gian đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng chuyên môn.
Chỉ thị yêu cầu thực hiện đúng điều lệ: chỉ có duy nhất sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn và dự giờ.
Nhiều trường quy định giáo án mẫu yêu cầu GV phải sử dụng và yêu cầu phải viết tay, thậm chí phải chép lại hằng năm, mất nhiều thời gian… Thậm chí, có nơi vừa yêu cầu GV dùng giáo án điện tử nhưng vẫn phải có giáo án viết tay, gây áp lực. Chỉ thị yêu cầu không có giáo án mẫu, GV được sáng tạo để đổi mới phương pháp dạy học và tự chọn hình thức thể hiện, viết tay hay đánh máy.
Nhiều nơi yêu cầu sổ điểm cá nhân không được gạch xóa (như là một biện pháp để chống sửa điểm…), dẫn tới có trường hợp GV phản ánh là chẳng may viết sai một chỗ nào đó thì có thể sẽ phải chép lại cả quyển. Cuối mỗi học kỳ, việc “làm điểm” cũng mất nhiều thời gian “cộng, trừ, nhân, chia”… Do vậy, Chỉ thị yêu cầu cho phép GV được chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy. Như vậy, GV có thể sáng tạo, tích hợp trong việc thực hiện hồ sơ, sổ sách trên nguyên tắc bảo đảm đầy đủ các nội dung theo quy định; sử dụng phần mềm thông dụng để lập sổ điểm cá nhân trong máy tính khi vào điểm cho học sinh. Khi đó, việc “làm điểm” cuối học kỳ trở nên nhẹ nhàng, đơn giản và chính xác hơn.
|
Bổ sung chế tài xử lý vi phạm
|
Đúng là quy định về hồ sơ, sổ sách trong điều lệ trường đã khá rõ ràng và bản thân quy định này nếu làm đúng thì không gây áp lực cho GV. Tuy nhiên, chế tài đối với việc này còn chưa cụ thể nên lâu nay có những hiện tượng một số trường có quy định riêng gây áp lực cho GV như tôi đã chỉ ra ở trên.
Chính vì vậy, trong chỉ thị mà Bộ trưởng vừa ký ban hành có nêu rõ về chế tài xử lý đối với những cá nhân, đơn vị vi phạm. Cụ thể, những vi phạm quy định về hồ sơ, sổ sách của cán bộ quản lý là minh chứng để đánh giá hằng năm theo Quy định chuẩn hiệu trưởng ban hành kèm theo Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT. Tùy mức độ vi phạm, cán bộ quản lý sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường trách nhiệm của văn phòng, các vụ, cục, Thanh tra Bộ và giám đốc sở GD-ĐT trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về sử dụng hồ sơ, sổ sách sai quy định.
Chúng tôi cũng rất mong, mỗi cán bộ, GV và cơ sở giáo dục nghiên cứu thật kỹ và thực hiện đúng tinh thần của chỉ thị này, phản ánh kịp thời tới cơ quan có thẩm quyền nếu đơn vị mình xảy ra tình trạng lạm dụng, đặt ra các quy định riêng về hồ sơ, sổ sách, gây áp lực không đáng có cho người thực hiện.
Bình luận (0)